Bi kịch cưới vợ bé cho...chồng

 Nằm nép mình dưới chân núi Tản, ngôi nhà của anh Phúc, chị Hiển luôn lặng lẽ, yên bình nhưng ẩn chứa trong đó là cả nỗi u hoài, buồn tẻ không dấu nổi khi thiếu tiếng cười nói con trẻ. Đã hai mươi năm có lẻ, anh chị về làm bạn của nhau, và cũng từng ấy thời gian, họ ngày đêm mong ngóng sự xuất hiện của một “thiên thần”

Nằm nép mình dưới chân núi Tản, ngôi nhà của anh Phúc, chị Hiển luôn lặng lẽ, yên bình nhưng ẩn chứa trong đó là cả nỗi u hoài, buồn tẻ không dấu nổi khi thiếu tiếng cười nói con trẻ. Đã hai mươi năm có lẻ, anh chị về làm bạn của nhau, và cũng từng ấy thời gian, họ ngày đêm mong ngóng sự xuất hiện của một “thiên thần”. Trong khi những người bạn cùng thời dạo nào có người đã lên ông lên bà, thì họ vẫn đau đớn với cái nỗi “vợ chồng son”.

Tình yêu đã giúp mái nhà của họ luôn êm ấm, nhưng lời ra tiếng vào của gia đình nhà chồng, sự bàn tàn, xì xào của bà con lối xóm, làm cho chị Hiển ngày càng se sắt. Đã nhiều lần chị nói với chồng rằng hãy đôi đường đôi ngả, để anh đi tìm hạnh phúc khác tròn trịa hơn cho riêng mình. 

Sống kiếp chồng chung đâu có dễ dàng...

Những câu chuyện như thế luôn diễn ra trong cảnh đắng đót lòng người nghe và nước mắt dàn dụa của người nói. Cái nghĩa vợ chồng và tình yêu ngày càng mặn nồng sau những tháng ngày đầu gối tay ấp làm anh Phúc không thể đồng ý với đề nghị của vợ. Rồi một ngày, chị nói với anh cần đi xa thăm một người bạn cũ dăm bữa nửa tháng. Âu cũng là một khoảng thời gian cho vợ thay đổi không khí, anh Phúc đồng ý.

Trở về sau chuyến đi chơi dài ngày, chị Hiển dẫn theo một phụ nữ luống tuổi, dáng người vâm váp. Chị nói với người làng là đứa em họ đằng xa của chị, muốn lên giúp anh chị việc hàng quán. Không hiểu chị dàn xếp thế nào mà không lâu sau đó, anh Phúc đã chịu nói chuyện cùng gia đình để đến nhà “cô em họ đằng xa” của vợ “xin” hẳn cô em về làm vợ lẽ.

Một năm có lẻ sau đó, ngôi nhà lặng lẽ ngày nào của họ đã rộn rã tiếng cười. Ngày chị Hiển cưới vợ cho chồng, nhiều người nói rằng chị dại quá. Chẳng ai ngờ rằng, chị Hiển như ngày càng khỏe khoắn,  trẻ đẹp hơn kể từ khi có “dì nó”. Đặc biệt, khi nhìn ánh mắt chồng rạng ngời hạnh phúc bên đứa con trai kháu khỉnh, chị Hiển như thấy đây mới thực sự là hạnh phúc của mình.

Ấy vậy nhưng thời gian yên ả chẳng kéo dài.  “Chồng chung đâu dễ ai chiều cho ai”, lại thêm việc thấy mình có công lớn khi sinh được con trai, cô vợ bé của anh Phúc “cậy con”, dở thói chanh chua với người đã cưới mình về làm vợ cho chồng. Suốt ngày, cô vợ bé lấy cớ con non con dại để dồn việc nhà cho vợ cả và chồng. Không những thế, mỗi khi thấy anh Hiển, chị Phúc chuyện trò, cô vợ bé lại “đá thúng đụng nia”.

Đã nhiều lần, nuốt nước mắt vào trong, chị Hiển nhìn đứa bé và chồng để bỏ qua cho thứ vụn vặt đàn bà. Hai mươi năm có lẻ, chị đã nhịn chín ruột gan với cái tiếng của loài cây độc, giờ đây, ngày lại ngày đối mặt với những cơn ghen tuông ngược ngạo của cô vợ bé, chị Hiển thấy cuộc sống như địa ngục trần gian.

Chị chia tay chốn địa ngục ấy vào một ngày không trăng, sau khi cô vợ bé giật phắt đứa trẻ đang hồn nhiên nô đùa trong lòng mẹ cả. Không giống những lần đề nghị chia tay trước, chị ra đi không có một lời tạm biệt với chồng. Nhưng chắc rằng, nước mắt và sự cay sẽ còn mãi trong lòng người ở lại.

Nhật Thanh

Đọc thêm