Chỉ vì nghe những lời ngon ngọt của gã trai trẻ kém mình gần 20 tuổi, Hiệp đã bỏ con nhỏ của mình dọn về sống chung với người tình. Tuy nhiên, khi đã “no xôi, chán chè”, người tình của Hiệp lại đi “lái máy bay” giàu có hơn. Bi kịch của người đàn bà mê muội bắt đầu dậy sóng.
|
Bị cáo Hiệp bị dẫn giải về trại |
Trả giá do mê “phi công trẻ”
Sau khi lập gia đình được một thời gian ngắn, năm 1992 Lê thị Hiệp (52 tuổi, ở Q.1, TP.HCM) và chồng kéo nhau ra tòa ly hôn. Gia sản mà Hiệp nhận được là một căn nhà ở Q.4 và hai đứa con nhỏ (một đứa 6 tuổi và một đứa mới lọt lòng mẹ). Từ ngày mái ấm của Hiệp đổ vỡ, Hiệp một mình làm việc nuôi hai đứa con. Tám năm sau, cuộc sống của mẹ con Hiệp bắt đầu đảo lộn khi anh Tăng Hòa Giải (tài xế của một hãng taxi, kém Hiệp gần 20 tuổi) thấy hoàn cảnh của Hiệp nên tìm mọi cách giúp đỡ và sẵn sàng dang rộng vòng tay khi Hiệp cần.
Năm 2000, Hiệp chấp nhận sống chung (không đăng ký kết hôn) với anh Giải. Cuộc sống của đôi “đũa lệch” chỉ êm đềm thời gian đầu, năm 2008, giữa Hiệp và anh Giải bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Chuyện gì đến rôì cũng đến, tháng 8/2008, “phi công trẻ” chia tay “máy bay bà già” để về sống chung như vợ chồng với “máy bay” Phạm Kim Hồng (hơn Giải 15 tuổi).
Buồn và không biết nguyên cớ nào “chồng” lại nhẫn tâm quên những ngày tháng mình vung tay chi tiền cho “chồng” đi học cũng như đáp ứng tất cả những gì mà người tình nhỏ bé của mình cần… Hiệp bắt đầu đi tìm câu trả lời. Khi biết được anh Giải đang tay trong tay với chị Hồng, Hiệp tìm mọi cách tiếp cận đối phương.
Biết được chị Hồng mở quán hủ tiếu ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, hàng ngày Hiệp bỏ việc lân la đến quán nước gần quán của chị Hồng để làm quen với những người giúp việc và tìm hiểu mối quan hệ giữa người tình và chị Hồng. Mặc dù biết, anh Giải trước đó đã từng sống chung như vợ chồng với Hiệp nhưng chị Hồng không quan tâm, bởi với chị, chị chỉ lo làm ăn nuôi con và mối quan hệ giữ chị và anh Giải chỉ là để…giải sầu. Và, một lần nghe anh Giải phân trần, chị Hồng cũng biết được phần nào ý định của Hiệp.
Ngày 25/5/2010, khi Hiệp đang ngồi ở quán nước đợi bạn thì Hồng cũng vừa chạy xe đến quán. Trong một phút gặp nhau, Hiệp và chị Hồng đã xảy ra cãi vã dẫn đến đánh nhau. Trong lúc hai bên đang lời qua tiếng lại, chị Hồng cầm chai nước ngọt đang uống đánh trúng vào vai Hiệp. Cơn tức giận đã lên đến đỉnh điểm, Hiệp lấy dao giấu trong người ra đâm chị Hồng rồi lên xe bỏ đi. Lúc đó, chị Hồng cầm chai nước ném Hiệp nhưng không trúng. Chị Hồng được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng, một tuần sau, chị Hồng tử vong. Hiệp bị bắt ngay sau đó.
Bỏ con nhỏ đơn côi
Với hành vi phạm tội của Hiệp, Tòa án Nhân dân Q.8 đã tuyên phạt Hiệp 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bản án bị kháng cáo, Sau đó Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo có thể quy vào tội “Giết người” chứ không phải tội “Cố ý gây thương tích” như tòa Q. 8 đã tuyên nên tuyên hủy, trả lại hồ sơ để điều tra lại từ đầu.
Trong quá trình điều tra lại, với những chứng cứ thu thập được, Cơ quan Điều tra đã truy tố Hiệp về tội “Giết người. Một năm sau đó, phiên tòa xét xử Hiệp được mở lại. Phiên tòa có đầy đủ anh chị em và các con của bị hại đến dự, ngược lại, phía gia đình bị cáo lại không có một ai. Cúm rúm trước vành móng ngựa ,bị cáo Hiệp như một đứa trẻ tự kỉ, sợ người lạ, cứ lấy đôi bàn tay che mặt.
Trả lời các câu hỏi của Tòa, Hiệp quanh co chối tội, mặc dù nhiều lần vị Chủ tọa nhắc nhở, giải thích những tình tiết mà bị cáo được khoan hồng. Biện minh cho hành vi của mình, Hiệp khai: “Cái chết của bị hại không phải tất cả là do lỗi của bị cáo. Lúc đó, bị cáo không có dùng dao giấu sẵn trong người ra đâm bị hại mà bị cáo chỉ lấy chai nước mà bị hại đánh bị cáo để chống trả lại. Hơn nữa, do lúc đó bị cáo thấy bị hại rất hung hăng…
Tại tòa, mặc dù Cơ quan Công tố đã mất khá nhiều thời gian để phân tích từng tình tiết trong vụ án cho bị cáo. Bị cáo chỉ cầm chai nước để gây án nhưng kết quả bản giám định pháp y thì thấy rằng, vết thương của bị hại là do một vật sắc nhọn gây ra. Theo vị Công tố, trong vụ án, chị Hồng cũng có một phần lỗi do cầm chai nước ngọt tấn công bị cáo trước, vì thế, bị cáo mới bị truy tố ở khung hình phạt, từ 7 đến 15 năm tù. Nếu chúng tôi xét theo tình tiết, bị cáo chuẩn bị hung khí để gây án trước thì khung hình phạt của bị cáo có thể bị truy tố lên đến mức tử hình. Vì vậy, bị cáo phải thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Nghe vâỵ, bị cáo Hiệp cúi đầu im lặng rồi bất ngờ bật khóc như một đứa trẻ.
Hiệp nói lời sau cùng rằng: “Từ ngày vào tù, bị cáo vẫn chưa một lần được gặp các con, không biết giờ đây chúng ở đâu, sống như thế nào? Bị cáo chỉ mong Tòa xem xét giảm mức hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về nuôi con. Trong giờ nghị án, người nhà chị Hồng cho biết: “Chúng tôi không cần đòi hỏi bất cứ điều gì nữa và cũng không đề nghị Tòa tăng án nữa. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Hiệp 10 năm tù về tội “Giết người”. Dứt lời Tòa tuyên, người đàn bà tội lỗi ấy đã ngã quỵ trước vành móng ngựa và nói: “Đừng chụp hình... đừng đưa hình tôi lên báo. Tôi không giết người vì ghen đâu…
Ngọc Hân