Từ ngày xảy ra “sự cố”, đến nay đã hai năm, họ không quan hệ vợ chồng với nhau. Thi thoảng Vĩ mới về nhà thăm con. Vợ chồng không ai chào hỏi ai. Khoảng cách vợ chồng họ cứ thế càng ngày một xa, chẳng khác người dưng nước lã…
Ly thân ngắn…
Trong câu chuyện của mình về chủ đề vợ chồng ly thân, nhà tâm lý học Nguyễn An Chất - Giám đốc Cty tư vấn tâm lý gia đình An Việt Sơn - Hà Nội cho biết, ly thân thường có hai trường hợp, ly thân ngắn và ly thân dài.
Cặp vợ chồng Dịu – Chương, vốn từng là “khách hàng” của nhà tâm lý học, còn rất trẻ. Chị năm nay mới hai mươi tám tuổi, còn anh bước sang tuổi ba mươi mốt. Chương - tên người chồng là kiến trúc sư, Dịu - vợ anh - tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân, hiện đều công tác ở cơ quan Nhà nước.
Chuyện khởi nguồn từ lần sinh nhật thứ hai mươi tám của Dịu. Hôm ấy, Chương nhớ ra, buổi trưa anh tranh thủ phóng xe về nhà. Không mua hoa tặng, anh đưa cho vợ một chiếc phong bì (bên trong là ba triệu đồng), bên ngoài ghi: “Quà tặng em nhân U28!”. Anh vội vã đến cơ quan làm việc. Tối hôm đấy, Chương lại về muộn và say khướt. “Chiến tranh lạnh” xảy ra, Dịu ngày một lạnh lùng và thường cáu gắt vô cớ với chồng.
Chán vợ, càng ngày Chương càng về muộn. Chồng về nhà, Dịu lại không chào hỏi một câu. Bữa tối nếu Chương về muộn, vợ không dành cơm. Anh cũng lầm lì, đi tắm rồi lên giường ngủ. Mái ấm của họ trở nên nặng nề. Đôi lần, Dịu ru con ngủ, mở lời bóng gió, rằng mong con lớn lên đừng giống tính bố! Khó chịu, Chương liền quát vợ, Dịu chỉ đợi thế để làm toáng lên, rồi khóc lóc…
Điều họ không nói, nhưng đều nhận ra, cả Chương và Dịu ngày càng gầy đi, có chút già hơn. Dịu – người “châm ngòi” - lại suy sụp nhất. Cảm tưởng gia đình tan vỡ tới nơi, Dịu tìm đến tư vấn tâm lý. “Anh ấy đánh giá thấp về cháu, coi thường cháu, nghĩ cháu chỉ sống vì tiền. Cháu giận lắm, nhiều khi không muốn nhìn mặt anh ấy…”, Dịu nói.
Nghe lời “mách nước” của chuyên gia tư vấn, mất mấy hôm Dịu mới đủ can đảm nói với chồng: “Em muốn tâm sự với anh, đã mấy tháng nay vợ chồng mình không nói chuyện với nhau”.
Chương im lặng, lát sau mới mở lời: “Nói gì thì nói đi”. Chỉ đợi có thế, Dịu ra vẻ giận dỗi: “Anh chẳng hiểu gì về em cả… Sinh nhật em, anh tặng ba triệu bạc, em quý chứ không phải không quý. Nhưng lúc đó em cần là cần một bông hoa, cần những lời yêu thương như hồi chúng ta mới yêu nhau. Đã vậy, cái cách đưa tiền của anh chẳng khác nào em chỉ sống vì tiền. Mấy tháng nay em đã đối xử tệ với anh, nhưng anh cũng không biết cách để xử lý…”.
Chương im lặng, mãi hôm sau anh mới đáp lời vợ: “Có thế mà cứ phải mặt nặng mày nhẹ, gây sự suốt mấy tháng nay!...”.
Và ly thân dài
Vợ chồng Trúc đều là bác sỹ, anh công tác tại một bệnh viện trung ương ở Hà Nội, chị ở Bắc Ninh. Anh chị có hai cô con gái, sống ở quê cùng mẹ. Cuối tuần nào Vĩ cũng về thăm vợ con. Mười bảy năm chung sống, hai vợ chồng chưa hề có một xích mích nào để to tiếng với nhau.
Một chiều thứ sáu được nghỉ ca trực, Trúc dẫn hai con lên Hà Nội thăm chồng. Chị không báo trước cho Vĩ, nên khi vừa đến gần căn nhà cấp bốn trong khu tập thể nơi chồng ở, Trúc đã thoáng nhìn thấy một cô gái đang ở trong phòng, thái độ và cử chỉ của hai người trên mức thân mật. “Tuần này anh không về thăm chị ấy và con gái anh sao?”- cô gái hỏi. “Sư tử nhà anh già rồi, anh phát chán không muốn về. Ở lại Hà Nội có em chẳng thích hơn sao?”- Vĩ trả lời.
Trúc không nén được bình tĩnh, chị dắt hai con ra quán nước đầu đường ngồi chờ, còn mình quay lại căn nhà chồng ở. “Tôi đến rồi đây. Anh nhìn rõ xem gái già này có thua kém cái “mỏ khoét” đang ngồi cạnh anh không?”. Vĩ cố giải thích, đó là một nữ y tá đồng hương đến chơi, không có quan hệ gì mờ ám. “Thử hỏi, anh làm được gì cho gia đình, anh giúp được gì cho vợ con?. Anh cứ biền biệt ở đây là vì cái cô mắt xanh mỏ đỏ này đây” - Trúc đay nghiến. Quá sức chịu đựng, anh xông vào tát vợ. Trúc “trả đũa” bằng việc xông tới cào xé cô gái. Đông người trong khu tập thể ùa đến, họ bàn tán xôn xao: Lại đánh ghen!.
Từ ngày xảy ra “sự cố”, đến nay đã hai năm, họ không quan hệ vợ chồng với nhau. Thi thoảng Vĩ mới về nhà thăm con. Vợ chồng không ai chào hỏi ai. Khoảng cách vợ chồng họ cứ thế càng ngày một xa, chẳng khác người dưng nước lã. Đau lòng trước cảnh căn nhà lạnh lẽo, con gái buồn rầu, tình cảm nội ngoại bị ảnh hưởng, Trúc tìm đến tư vấn tâm lý. Qua câu chuyện của chị, nhà tư vấn tâm lý nhận thấy, Trúc đã chợt tỉnh khi vợ chồng họ đang đứng bên bờ vực tan vỡ…
Hơn một tháng sau, kể từ hôm gặp chuyên gia tư vấn, khi đã chuẩn bị tâm lý Trúc mới đủ tự tin để lên thăm chồng. Hai người sau hai năm không trò chuyện, nay hỏi han nhau đôi lúc có những cử chỉ lúng túng như gặp nhau thời trẻ. Bình tĩnh, chị nói: “Nếu những quan hệ của anh với cô y tá là có, thì anh nên chấm dứt. Nếu chỉ là sự hiểu nhầm làm anh tổn thương, thì anh hãy thứ lỗi cho em. Tình cảm vợ chồng chúng ta thật sự đã sứt mẻ. Nhưng em khẳng định, em vẫn còn tình yêu với anh. Chúng ta hãy vì hai con mà vui vẻ, trở lại như xưa…”.
Qua câu chuyện của Dịu và của Trúc mà mình đã trực tiếp tư vấn, nhà tâm lý học Nguyễn An Chất đưa ra lời bình rằng nguyên nhân trước hết là do các cặp vợ chồng không “thông điệp”, trao đổi những ý nghĩ của mình đang cần gì ở người bạn đời. Thay vì nói với nhau bằng những lời nói của tình yêu như thời yêu nhau, họ lại ưa dùng thứ ngôn từ của người muốn ở thế thắng, tỏ vẻ giỏi giang hơn. Cộng với lòng nghi kỵ, ngờ vực, mâu thuẫn vợ chồng sẽ bùng phát. Để gia đình “ấm lên”, theo ông Nguyễn An Chất, không có gì hơn là phải hiểu bạn đời và nhìn thấy những cái sai của mình (nếu có) và dám nhận lỗi. Khi người vợ, người chồng xác định được mục tiêu của mình là vun đắp hạnh phúc - chứ không phải làm căng thẳng thêm quan hệ trong gia đình - khi đó mọi mâu thuẫn sẽ nhanh chóng được hóa giải. |