Lợi dụng sự ngờ nghệch của chị Trâm, hai người phụ nữ ở làng bên đã bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc già hơn cả bố chị với cái giá chưa đến 2 triệu đồng. Cuộc đời người phụ nữ ấy liên tục hứng chịu những bi kịch...
Cuộc hôn nhân giá chưa tròn 2 triệu
Nơi chị Trần Thị Trâm (SN 1968) đang sinh sống là ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ của làng Xuân Phương - Thụy Hương – Kiến Thụy – Hải Phòng. Chị Trâm sinh ra vốn khỏe mạnh, hồng hào như bao đứa trẻ khác. Thế rồi khi chị Trâm lớn lên, dù chẳng đến mức thiểu năng trí tuệ trầm trọng nhưng cũng chẳng được khôn ngoan, nhanh nhẹn như người thường.
Chị Trâm vẫn nhận thức được mọi chuyện xung quanh mình nhưng nhận thức của chị chỉ như đứa trẻ lên mười. Sự ngờ nghệch của chị khiến người trong làng rỉ tai nhau, họ gọi chị là cô ngốc. Tiếng nói của chị cũng không bình thường. Chị bị cái tật nói lắp bắp, phải lặp lại đến vài lần, chị mới phát âm được một tiếng.
Đến tuổi cập kê, chị Trâm chẳng có người con trai nào dám tìm hiểu, chẳng bà mẹ chồng nào muốn nhận chị làm dâu. Khi chị Trâm 25 tuổi, nghe hai người phụ nữ làng bên dụ dỗ, chị theo họ bỏ nhà đi lấy chồng xứ người. Chị kể: “Chúng nó bảo em phải trốn mẹ đi vì mẹ em không cho em đi. Chúng nó lừa em là đi ra Quảng Ninh xin việc làm, có nhiều tiền để gửi về cho mẹ em. Rồi chúng nó đưa em lên xe, cứ đi thôi, đi xa lắm. Chúng nó bán em cho một ông người Trung Quốc”. Từ đây, cuộc đời người phụ nữ vốn đã bị số phận bạc đãi lại phải sống những chuỗi ngày bất hạnh.
Mẹ chị Trâm là bà Xíu. Để tìm lại đứa con gái khờ khạo, bà đã phải chạy vạy, hỏi han khắp nơi. Rồi may mắn bà cũng biết được tin tức về đứa con gái của mình, khi ấy chị Trâm ở mãi xứ người. Chỉ đến khi người chồng của chị Trâm mất vì bị bệnh, chị Trâm mới được đón về. Bà Xíu vì thương con, thương cháu đã bán cả đàn lợn vừa gây giống, rồi vay mượn thêm để có tiền sang chỗ chị Trâm sống. Khi đón được con và hai đứa cháu về quê hương, cũng là lúc gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền đè nặng lên đôi vai già nua của bà.
|
Chị Trâm bị bán làm vợ một ông già. |
Bà Xíu kể, người chồng của chị Trâm là một người đàn ông đã cao tuổi nhưng chưa một lần lấy vợ. Chị là người vợ đầu tiên và duy nhất của ông ta. Chị Trâm chẳng còn nhớ tên của người mà chị gọi là chồng nữa. Chị chỉ nhớ, ông ta làm nghề đan mũ tre để bán, nhà ở vùng Tà Trạch – Quảng Tây (Trung Quốc).Chị không phải khổ sở làm lụng nhưng phải chịu sự quản thúc của người chồng như một tù nhân bị giam lỏng. “Nó mua em 1,7 triệu tiền Việt mà, nó sợ em trốn lắm…”- chị Trâm vô tư xen vào câu chuyện.
Lấy chồng, 5 lần chị Trâm sinh nở thì chỉ giữ được mạng sống cho 2 đứa. Ba đứa còn lại yểu mệnh bởi người cha của chúng không muốn có thêm con gái. Lần chị Trâm mang thai đứa thứ tư, bà Xíu đã tìm cách liên lạc sang bên đó, bà năn nỉ, cầu xin được giữ lại đứa cháu dù gái hay trai. Bà Xíu hứa, sẽ đón đứa trẻ về Việt Nam nuôi nấng, đến khi trưởng thành nếu người chồng chị Trâm muốn lấy lại con thì sẽ để nó về bên ấy. Sự cầu khẩn ấy của bà Xíu, của chị Trâm đã được người chồng vô nhân tính ấy chấp thuận. Lần sinh ấy, chị Trâm lại sinh con gái.
Mẹ già nuôi ba người con ngờ nghệch
Năm 2000, chị Trâm cùng hai đứa con gái trở về sống với mẹ ở quê nhà. Chị Trâm trở về, vẫn nhớ như in chuyện mình bị lừa bán, nhớ như in những người phụ nữ nhẫn tâm xô đẩy cuộc đời chị rơi vào bi kịch. Thế nhưng chị Trâm và gia đình không dám tố cáo tội ác ấy của chúng. Chị bảo: “Sợ bị con đó đánh lắm…”
Đón được chị Trâm và hai đứa cháu trở về an lành, bà Xíu vui lắm. Nhưng sau niềm vui ấy là một thực tế tàn nhẫn. Nhà bà Xíu vốn nghèo lại thêm ba miệng ăn nên lại càng trở nên túng quẫn hơn. Hai đứa trẻ còn nhỏ, phải nuôi nấng chăm sóc là chuyện đương nhiên, nhưng bà Xíu còn nặng gánh bởi ba đứa con gái ngờ nghệch, ngẩn ngơ của mình. Chị Trâm là con cả, năm nay ngoài 40 tuổi nhưng cũng chỉ có thể quanh quẩn chơi ở nhà. Thi thoảng người trong làng thương tình, nhờ chị đi trăn trâu và trả công cho vài đồng bạc lẻ.
Hai người em dưới chị Trâm cũng có biểu hiện của bệnh thiểu năng, thậm chí bệnh tình còn nặng hơn chị Trâm. Đã ngoài 30 tuổi nhưng cả hai người em của chị Trâm cũng chỉ như trẻ con. Trong ngôi nhà chị Trâm đang sống, mọi gánh nặng đều đổ lên vai người đàn bà góa chồng là bà Xíu. Người đàn bà đã gần 70 tuổi ấy, hàng ngày ở một góc chợ quê, ngồi bán vài mớ rau xanh để kiếm miếng cơm cho những đứa con ngẩn ngơ, những đứa cháu thơ dại của mình.
Đứa con gái lớn của chị Trâm năm nay đã 18 tuổi, đang theo học ở một trường cấp 3 của Hải Phòng. Ngay khi đặt chân về lại quê nhà, biết không thể nuôi nổi hai đứa cháu, bà Xíu đã nén lòng cho đứa con lớn của chị Trâm đi ở cho nhà một người họ hàng xa. Nhưng có một điều mà bà Xíu hiện nay rất trăn trở, đó là chị Trâm chưa được nhập khẩu vào hộ khẩu của gia đình. Đã nhiều lần bà Xíu đề nghị chính quyền xin được nhập khẩu cho con nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bà Xíu lo lắng rằng, tuổi bà đã cao, một mai bà phải đi xa, bà sợ những đứa con dại, những đứa cháu thơ của bà sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa.
Đứa con gái nhỏ của chị Trâm năm nay 15 tuổi, cũng được bà tạo điều kiện cho đi học ở trường làng. Chị Trâm khoe, cả hai đứa con đều đạt học sinh tiên tiến trong các kỳ tổng kết. Tôi không chắc chị Trâm hiểu danh hiệu ấy là thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng chị vui và tự hào về điều đó.
Cuộc đời người đàn bà ngờ nghệch ấy cứ ám ảnh tôi sau lần gặp. Nếu không phải vì những kẻ buôn người vô nhân tính, có thể cuộc đời chị Trâm đã bớt đi những đau thương. Vậy mà, những kẻ ác tâm ấy vẫn sống nhởn nhơ. Mong lắm! một sự trả giá ở đời!
Theo VnMedia