Tuy xã hội Việt Nam có cái nhìn ít khắt khe hơn với người đồng tính nhưng vấn đề người đồng tính ở chung một nhà và có con nuôi thì vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Người phải gánh chịu cú sốc tâm lý lớn chính là những đứa trẻ. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã đưa nội dung tính dục và đồng tính vào nhà trường từ rất sớm để các em được biết về sự đa dạng của hình mẫu gia đình.
|
Tại Việt Nam, chưa có những cặp vợ chồng "cùng dấu" được sống thực sự là chính mình như thế này. |
Mẹ ơi, vì sao nhà mình không bình thường?
Chị Mạc Thị Liên ở Đống Đa, Hà Nội (đã đổi tên theo yêu cầu nhân vật) ngậm ngùi kể: “Tôi là một ômôi (đồng tính nữ - PV). Ngay từ nhỏ, tôi chỉ thích ăn mặc như con trai, thích những trò chơi bi, đá bóng. Lớn lên, khi cơ thể thay đổi, tôi phát hiện mình tuy là thiếu nữ nhưng giọng nói, sở thích, kiểu cách đi lại như nam giới. Tôi bắt đầu để ý, yêu đương với một số bạn gái nữ và ghét tiếp xúc với nam giới. Và dĩ nhiên, tôi rất sợ lấy chồng”.
Dù gia đình giục lấy chồng để sinh con nhưng chị Liên không thể lừa dối mình, không thể làm được điều đó. Chị xin phép gia đình để chị quyết định cuộc đời mình, sống đúng với con người thật của mình.
Năm 27 tuổi, chị Liên xin một đứa con về nuôi. Từ khi có bé Nga, chị thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Và bé Nga cũng thấy hạnh phúc bên người mẹ yêu thương, chăm sóc mình hết mực. Thế rồi, chị Liên quen và yêu thương một người bạn cũng “cùng cảnh ngộ” tên là Hằng. Cả hai quyết định về ở cùng nhà, gắn bó với nhau. Tuy chưa được pháp luật công nhận cuộc hôn nhân này, nhưng họ vẫn coi nhau là “vợ chồng” và bé Nga là con chung của hai người.
Ban đầu có thêm mẹ Hằng, bé Nga rất vui vì có thêm người quan tâm, chăm sóc mình. Đi đâu bé cũng được hai mẹ cho đi cùng. Bé vô tư cười đùa trước lời xì xào của một số người hàng xóm. Rồi đến khi đi học, bị các bạn chế giễu, bé Nga bắt đầu thấy mình điều khác lạ với các bạn là có tới tận hai mẹ, nhưng không có bố, trong khi các bạn có đủ cả bố lẫn mẹ. Đem sự thắc mắc ấy hỏi mẹ Liên thì mẹ bảo: “Rồi lớn lên con sẽ hiểu!”.
Bị bạn bè trêu chọc nhiều, bé Nga ngày càng cảm thấy bị tổn thương. Bé rất sợ đi học và ngồi góc lớp lầm lì không nói, có biểu hiện trầm cảm. Đỉnh điểm là mới đây, tan học bé đã không chịu về nhà vì “nhà mình không bình thường, có những hai mẹ”.Thấy con như vậy, chị Liên không khỏi lo lắng.
“Tôi tin rằng rồi thời gian sẽ thay đổi cách nhìn nhận”
Đây chỉ là một trong số những trường hợp người đồng tính và con nuôi của họ phải đối mặt những khó khăn, thị phi của dư luận.
Nhu cầu làm cha mẹ là điều người đồng tính đều mong muốn, nhưng không dễ để xóa bỏ quan điểm truyền thống trong xã hội loài người về một gia đình có bố có mẹ thực sự. Ở Việt Nam, theo ông Lê Quang Bình- Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE), có khá nhiều các cặp đôi đồng tính đang có con, hoặc là con nuôi, hoặc là con đẻ của một người.
Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam chưa cho phép hai người cùng giới kết hôn, nhận con nuôi hoặc sinh con nên họ không cùng nhau đăng ký được.
Trong một hội thảo năm 2012 ở TP. Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường tổ chức, có một cặp đồng tính nam nhận nuôi hai người con và tất nhiên mỗi người chỉ được phép làm cha nuôi của một đứa.
Họ tâm sự, nếu không may một trong hai người làm sao thì người còn lại không có tư cách pháp nhân gì với đứa con kia. Như vậy, sẽ gây rất nhiều thiệt thòi cho con trẻ.
Cũng theo ông Bình, nếu xét đến tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, tuy xã hội có cái nhìn ít khắt khe hơn với người đồng tính nhưng vấn đề người đồng tính ở chung một nhà và có con nuôi thì vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.
Đa phần, những đứa trẻ phải gánh chịu cú sốc tâm lý lớn. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã đưa nội dung tính dục và đồng tính vào nhà trường từ rất sớm để các em được biết về sự đa dạng của hình mẫu gia đình.
Khi đó, việc một bạn có một cha một mẹ cũng bình thường như một bạn có hai mẹ hoặc hai bố. Điều này sẽ giúp các em đối xử với sự khác biệt nhân văn hơn, giảm định kiến và kỳ thị trong xã hội nói chung và với người đồng tính nói riêng.
“Thừa nhận hôn nhân cùng giới và cho phép các cặp đôi cùng giới kết hôn là một việc nhân nghĩa, bảo vệ quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Ngoài ra, việc thừa nhận các cặp đồng tính nuôi con là cần thiết, vì nó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đứa trẻ, Những quyết định dũng cảm và đột phá chắc chắn bao giờ cùng phải đối mặt với những phản đối lúc đầu.
Tuy nhiên, tôi tin rằng cùng thời gian và sự hiểu biết xã hội tăng lên, việc cho phép người đồng tính kết hôn với nhau, có con, bảo vệ quyền lợi gia đình của họ là điều tất yếu. Việc Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người, trong trường hợp này là quyền có gia đình, có tình yêu, có con và hạnh phúc của người đồng tính là việc làm đáng trân trọng. Tôi hy vọng họ nhận được sự ủng hộ của các ban ngành liên quan để thông qua bộ luật này trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Lê Quang Bình bày tỏ
Thùy Dương