Anh có một ông chú đằng vợ. Ông này đã ngoại bảy mươi, thuộc loại “lão nông tri điền” vẫn còn mạnh khỏe. Chú thím sinh toàn con gái nhưng gia cảnh êm ấm, thuận hòa, bà vợ là người biết nhường nhịn chồng, yêu thương con. Ông chú cũng quá hiểu sinh con trai hay con gái là do đàn ông quyết định nên không như một số người khác cứ tìm cách sinh con với người này người khác để có kẻ nối dõi tông đường, ông thường cười hà hà: “Với ai thì cũng chỉ rặt con gái mà thôi!”.
|
Ảnh minh họa |
Nhà ông chú ở ngoại vi thành phố, vì vậy anh thường về thăm ông vào những dịp thuận tiện. Chú rất quý cháu rể, coi như người bạn tâm giao, thường hỏi ý kiến anh về các việc lớn nhỏ, chú cháu tâm đắc lắm. Rồi vùng quê ấy mở ra một khu công nghiệp. Ông bà cất vài gian nhà nhỏ ngay trong khu vườn rộng rãi của mình cho thuê trọ. Ruộng không còn nhưng tiền cho thuê nhà cũng đủ sống mà lại sống nhàn hạ, quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng là nông nhàn.
Một lần về thăm chú, anh được ông chú thổ lộ một chuyện động trời: cô công nhân thuê nhà có thai với ông. Đồng thời ông xin anh “nhận hộ” cái thai ấy là của mình. Anh hoảng quá, không biết từ chối bằng cách nào, ông chú lại khẩn khoản cứu chú không tan cửa nát nhà, anh ở phố, xa đây, không bị chịu cảnh gần lửa rát mặt, xấu hổ với bà con làng xóm.
Anh băn khoăn nhưng sau khi gặp cô gái lỡ thì và thấu hiểu tình cảnh đáng thương của cô thì anh nhận lời ông chú. Việc trước tiên là anh lựa lời nói với vợ và mong có sự đồng tình. Không ngờ, chị thay đổi tính cách dịu dàng, đoan trang thường ngày mà giận dữ hét toáng lên: “Cho ông ấy chết, anh dây vào làm gì!”. Rồi quay sang nghi ngờ: “Hay là của anh thật, tuần nào cũng thậm thụt sang bên ấy, lấy cớ thăm chú nhưng thăm ai thì làm sao biết được?!”.
Anh lâm vào tình thế khó xử nhưng trót nhận lời rồi nên “đâm lao phải theo lao”. Ngày cuối tuần ấy, anh sang gặp chú, đưa cho ông một gói tiền, bảo đưa cho cô ấy rồi cho về quê chờ ngày sinh nở rồi tính sau. Ông chú đây đẩy: “Tôi cũng có tiền, cũng đưa cô ấy rồi nhưng cô có nhận đâu, cô ấy dứt khoát sẽ đẻ tại đây, anh hiểu chứ?”. Anh bất đắc dĩ gặp cô gái để thuyết phục, cô chỉ khóc và nhất định giữ chủ kiến của mình, hứa là sẽ không khai ra ai là cha đứa bé nhưng dứt khoát không đi đâu cả. Ông chú thực tình cũng không muốn xa cô…
Anh trở về, gặp ngay một trận lôi đình của vợ, chị phát hiện tài khoản của anh thâm hụt, dứt khoát là mang cho gái rồi, nếu không tằng tịu với cô ta thì việc gì phải “giải quyết hậu quả”? Chiến tranh vợ chồng nổ ra, cả nóng lẫn lạnh, người khai chiến nắm chắc “chân lý” thuộc về mình, những lời giải thích của “đối phương” chỉ là ngụy biện, dối trá và tốt nhất là không nên nghe. Không những thế, chuyện lan ngay về quê, nơi ông chú đang nơm nớp lo sợ, nhưng dư luận chỉ chĩa mũi dùi vào anh, còn ông chú vốn được tiếng hiền lành, chịu khó, đứng đắn nên chẳng ai nghi ngờ.
Rồi đứa bé cũng được sinh ra, mẹ tròn con vuông. Anh bấp chấp tai tiếng và sự giận dữ của vợ, đưa cô gái vào bệnh viện phụ sản trong thành phố, khi mẹ tròn con vuông cứng cáp lại đưa về xóm trọ.
Đứa bé ấy là con trai nên ai cũng nghĩ là con anh (ông chú sinh rặt gái mà) nhưng lúc này ông chú tỏ ra bản lĩnh. Ông triệu tập cả nhà và dõng dạc tuyên bố đó là con mình. Cả nhà bàng hoàng và ai cũng cho là ông nhận vơ, tranh phần của cháu rể. Bà vợ bình tĩnh hơn và cũng nhân hậu hơn, bà đề xuất một giải pháp là cho đi xét nghiệm ADN, nếu là con ông thì bà sẽ nhận nuôi, có sao đâu.
Xét nghiệm, 99,999% ông là cha đứa bé. Mọi việc trong gia đình anh trở lại bình thường, chị có vẻ ân hận nhưng vẫn chưa hết nghi ngờ anh “chấm mút” vào đó. Anh nổi khùng thực sự, bởi cái việc anh giúp ông chú cũng chỉ một phần, cái động lực giúp anh vượt qua dị nghị là hoàn cảnh đáng thương của người phụ nữ và nhân cách đáng quý của chị ta. Sóng gió nhà anh lắng xuống nhưng lại nổi lên ở nhà ông chú, các cô con gái cùng các chàng rể xúm lại đòi chia đất vì sợ sẽ rơi vào tay mẹ con người đàn bà công nhân kia. Ông chú lại nhờ anh giúp, lần này thì ông vững tâm hơn bởi có sự ủng hộ từ bà…
Nhiu Nhíu