Chi cục THADS huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là đơn vị luôn đứng đầu về lượng án phải thi hành so với các đơn vị khác trong tỉnh, tuy nhiên, 3 năm gần đây, chi cục luôn đứng trong tốp 5 huyện, thị đứng đầu trong tỉnh về mức độ hoàn thành chỉ tiêu cục giao. Có nhiều bí quyết có thể chia sẻ từ cách làm của Chi cục THADS Đức Hòa.
Ảnh minh họa |
Gỡ án khó như gỡ rối tơ vò
Ông Lý Văn Bớt, là em rể của bà Đặng Thị Khóa, cùng ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 2006 ông Bớt có đơn khởi kiện bà Khóa đòi lại đất với diện tích 11.100m2 thuộc ô 4, khu A, thị trấn Hậu Nghĩa do trước đây vào năm 1994 ông Bớt cho bà Khóa và gia đình cất nhà ở tạm, gần 8 năm sau ông đòi lại thì bà khóa không trả nên ông phải nhờ đến Tòa. Qua 2 cấp xét xử đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bớt “buộc bà Đặng Thị Khóa và gia đình bà có trách nhiệm tháo dỡ nhà để trả lại đất cho ông Lý Văn Bớt”.
Ngày 17/11/2008, ông Lý Văn Bớt có đơn yêu cầu thi hành án. Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đức Hòa (nay là Chi cục THADS huyện Đức Hòa) ban hành quyết định thi hành án số 191/QĐ.THA và tổ chức thi hành.
Ngay khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành triệu tập bà Khóa và gia đình đến Chi cục THADS huyện để nhận quyết định thi hành án thì gia đình bà Khóa tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối quyết liệt mặc dù chấp hành viên cùng chính quyền địa phương đã đến tận gia đình bà Khóa để giải thích, vận động.
Qua nghiên cứu nội dung 02 bản án và qua tiếp xúc làm việc với bà Khóa và gia đình bà Khóa, thấy rằng đây không phải là một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất đơn thuần mà là điểm đỉnh của sự mâu thuẫn trong một gia đình có đến 2 dòng con luôn nảy sinh tranh chấp, ganh tỵ, đối kỵ nhau trong đời sống giữa các người con. Do đó dù tòa 2 cấp đã buộc bà Khóa phải trả lại đất cho ông Bớt nhưng bà không “tâm phục, khẩu phục” mà liên tiếp chống lại việc thi hành bản án và khiếu nại nhiều nơi, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
Vướng mắc, khó khăn nhất là tại thời điểm tổ chức thi hành án thì bà Khóa và gia đình bà không có diện tích đất nào khác để ở và sinh sống. Hơn nữa bà Khóa đã xây nhà bán kiên cố, nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích đất tranh chấp. Bà Khóa lại thường xuyên đau ốm, hay bị ngất khi bị kích động nhưng lại là người giữ vai trò chính trong việc chống đối và bất hợp tác với cơ quan thi hành án.
Trong khi đó, ông Bớt thì liên tục khiếu nại việc chậm thi hành án. Chính vì vậy nếu bà Khóa không tự nguyện thi hành án đương nhiên phải tổ chức cưỡng chế theo quy định để giải quyết dứt điểm vụ án.
THADS Đức Hòa nhận định, đối với vụ án này, nếu việc tổ chức cưỡng chế không khéo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không lường trước được. Những băn khoăn này đã được THADS Đức Hòa báo cáo đến Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và UBND huyện xin chủ trương đồng thời báo cáo Cục Thi hành án dân sự tỉnh xin chỉ đạo và hỗ trợ về nghiệp vụ.
Dân vận giỏi, việc khó mấy cũng thành
Sự việc được báo cáo lên, lãnh đạo huyện và Cục Thi hành án dân sự tỉnh đều thống nhất chỉ đạo Chi cục THADS phải tập trung tổ chức thi hành án dứt điểm vụ việc, khi cần thiết thì vẫn phải tổ chức cưỡng chế nhưng trong quá trình chuẩn bị vẫn phải kiên trì giải thích, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và kịp thời báo cáo Cục THADS, Huyện ủy, HDND, UBND huyện.
Nhiều cuộc họp được tổ chức để bàn các phương án cưỡng chế, nhiều văn bản được ban hành để chỉ đạo sát sao vụ việc. Bởi vậy, dù đã ấn định ngày thực hiện quyết định cưỡng chế nhưng Chi cục THADS vẫn tiếp tục giải thích, động viên, thuyết phục bên phải thi hành án, đồng thời động viên bên được thi hành án tự nguyện chấp thuận một số yêu cầu của bà Khóa như chấp thuận kéo dài thời gian cưỡng chế, tự nguyện chịu chi phí thuê nhà cho gia đình bà Khóa ở một năm,…
Để vận động bà Khóa, chi cục còn trực tiếp đến Trường Chính trị Long An và Thành ủy thành phố Tân An là nơi công tác của các con bà Khóa để phối hợp vận động thi hành án và được lãnh đạo nơi đây nhiệt tình cử đại diện cùng với Chi cục THADS trực tiếp gặp gia đình bà Khóa nhiều lần vận động, thuyết phục Thành ủy Tân An tạo điều kiện về chỗ ở cho gia đình bà Khóa.
Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành và Chi cục THADS cùng địa phương cũng tranh thủ đến gặp bà Khóa nhiều lần để thuyết phục bà tự nguyện thi hành án. Chi cục còn gặp gỡ các gia đình thân thích của bà Khóa để giải thích và đề nghị các gia đình này cùng hợp tác vận động, thuyết phục bà Khóa, nhất là anh em ruột của bà Khóa.
Trước khi cưỡng chế, Cục THADS tỉnh cùng Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh là thành viên Ban chỉ đạo THADS tỉnh phụ trách địa bàn huyện Đức Hòa và chi cục phối hợp ban ngành đoàn thể huyện, địa phương tổ chức họp dân nơi cư trú của gia đình bà Khóa để vừa nắm bắt mức độ đồng tình của quần chúng nhân dân khi cưỡng chế đồng thời có tác động tích cực đến gia đình bà Khóa. Qua đó, thấy được dư luận quần chúng nhân dân ủng hộ cho rằng việc cưỡng chế buộc bà Khóa trả lại đất là hợp lý.
Cùng với việc Tòa án nhân dân Tối cao, UBND tỉnh Long An, Cục THADS tỉnh Long An và UBND huyện Đức Hòa đã giải quyết và trả lời khiếu nại của gia đình bà Khóa kịp thời theo thẩm quyền, Cục THADS tỉnh đã hỗ trợ chi cục tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp để giải quyết khiếu nại, thắc mắc của gia đình bà Khóa, qua đó phần nào giải tỏa được sự căn thẳng về tâm lý cho bà Khóa và gia đình bà. Ông Bớt cũng chấp thuận kéo dài thời gian cưỡng chế để bà Khóa thực hiện việc khiếu nại thêm 3 tháng.
Trước những nỗ lực của THADS Đức Hòa và các cơ quan phối hợp, ngày 17/5/2013 gia đình bà Khóa đã đến Chi cục THADS huyện xin tự nguyện tháo dỡ, di dời tài sản và ngày 20/5/2013 đã giao trả đất cho ông Bớt đúng như bản án đã tuyên, không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Khi bà Khóa hiểu ra và tự nguyện làm việc này, không chỉ có ông Bớt là người vui mừng vì bản án đã được thi hành mà những người làm công tác THADS Đức Hòa cũng vui mừng không kém vì đã có thêm một kế hoạch cưỡng chế thi hành án công phu được cất vào ngăn kéo.
Nguyễn Thành Công