“Bí kíp” nào đọc sách hiệu quả?

(PLVN) - Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng gần 200 triệu sách khác nhau. Và trung bình mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu sách. Trước “rừng” sách khổng lồ ấy, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Bí quyết nào đọc hiệu quả”, “liệu đọc “lượng” hay “chất”?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Thu hoạch” được bao nhiêu bài học trong cuốn sách?

“Bạn đọc được bao nhiêu từ một phút?  Bạn đọc một cuốn sách mất bao lâu? Bạn đọc bao nhiêu cuốn sách mỗi tháng? Và quan trọng hơn là sau khi đọc xong một cuốn sách bạn hiểu được bao nhiêu nội dung và rút ra bài học vào cuộc sống?”. Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

Có không ít người ngại đọc sách vì lý do: Không nhớ được, không hiểu được, không có thời gian, chỉ học những gì mình thích, không biết áp dụng thế nào, không biết khi nào áp dụng được, sách nói không đúng ý mình, vị trí của mình không cần học/đọc thêm…

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã gợi ý cách đọc sách hiệu quả. Hội thảo “Đọc sách cùng con” với chuyên gia người Nhật tại Trường Tiểu học M.E Primary (Hà Nội) tổ chức có sự tham gia của rất nhiều phụ huynh, học sinh nhà trường. Bà Koga Masako, chuyên gia, cố vấn giáo dục người Nhật Bản đã có một buổi chia sẻ về phương pháp đọc sách giúp trẻ yêu thích, say mê đọc sách theo một cách rất thú vị. Cũng theo vị chuyên gia này chia sẻ, ở lứa tuổi các em sẽ chỉ tập trung được khoảng 15 phút, sau đó sẽ mất tập trung. Bởi vậy, để các em tập trung trở lại, phụ huynh có thể giúp các em các bài tập đơn giản. Bởi các con tập các bài tập đơn giản như khởi động các khớp tay, hoạt động của các khớp ngón tay ảnh hưởng rất lớn đến não bộ. 

Truyền cảm người đọc và người nghe, thông qua biểu cảm, ngôn từ, làm cho con trẻ yêu thích đọc sách, tò mò, muốn khám phá khoa học. Trẻ cũng không bằng lòng, luôn luôn có câu hỏi vì sao, tại sao? Đọc và tư duy tại sao lại vậy. Phương pháp đọc sách này cũng giúp trẻ tư duy, suy ngẫm, tìm ra cốt truyện, thực hành theo hướng sáng tạo hơn. Các thầy cô cũng đọc sách cùng các con để hướng đến năng lực tự học và hiểu của học sinh. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ, biểu cảm qua nhiều cung bậc và mức độ, thẩm thấu ngôn ngữ.

Chuyên gia người Nhật đã chia sẻ phương pháp khơi dậy trí tưởng tượng, khả năng đồng cảm, người đọc sách hóa thân vào nhân vật để cảm nhận nội dung cuốn sách với nhiều cung bậc cảm xúc.

Phương pháp đọc truyện của chuyên gia người Nhật cũng tạo sự gắn kết giữa bố mẹ và con khi đọc sách. Thay vì đơn thuần bố mẹ đọc nội dung câu chuyện cho con nghe, bố mẹ sẽ cùng con biểu cảm theo nhân vật qua nét mặt, cử chỉ… như nhân vật trong truyện.

Đừng đặt mục tiêu đọc được bao nhiêu sách mà hãy làm theo lời khuyên của nhà giáo dục nổi tiếng Mortimer J. Adler: “Khi đọc những cuốn sách hay, vấn đề không phải là bạn đã đọc qua bao nhiêu bài học mà là có bao nhiêu bài học đi vào bạn.” Và bất cứ khi nào thấy băn khoăn liệu việc chi tiền cho sách có đáng hay không, hãy nhắc nhở bản thân về câu nói của Benjamin Franklin: “Đầu tư vào kiến thức luôn mang lại khoản lãi lớn nhất.” “Phương pháp đọc sách hiệu quả là một quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều”.

Đọc sách như quá trình chinh phục đỉnh núi

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Dung, các bước cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả đọc sách. Ban đầu, người đọc cần đọc nhận biết: Xem lướt qua sách: Nhan đề sách, phụ đề giúp nhận biết thể loại sách; Xem mục lục để biết sơ bộ cấu trúc sách; Đọc lời giới thiệu (của Nhà xuất bản, của tác giả...); Xem trang thư mục sách tham khảo, xem chú dẫn để biết các sách, tài liệu, các tác giả mà người viết sách đã tham khảo; Xem các chương, mục người đọc cảm nhận là quan trọng, tìm dấu hiệu liên quan luận điểm chính và vấn đề cơ bản của sách; Đọc trang cuối các chương, phần kết luận, tóm tắt ở cuối sách. Việc xem lướt qua sẽ giúp bạn đọc xác định cho mình biết cuốn sách có cần đọc không.

Sau khi đọc nhận biết, người đọc cần đọc nhanh liền mạch sách. Khi đã biết cuốn sách cần đọc, phải đọc nhanh liền mạch, không cần tra cứu, suy nghĩ về những gì chưa hiểu để có cái nhìn tổng quan. Để việc đọc đạt hiệu quả, tránh lãng phí thời gian cần bảo đảm tốc độ đọc phù hợp từng phần, từng loại sách. Việc đọc nhanh liền mạch giúp người đọc bước đầu biết được nội dung sách trước khi tiến hành đọc hiểu (đọc nghiên cứu, đọc phân tích).

Luật sư Christian Grüning Lạc phân tích, vào thế giới của sách giống như bạn lạc vào một mê cung huyền bí nếu không có phương án, hướng đi và cách tiếp cận nó thì bạn mãi chỉ luẩn quẩn trong cái suy nghĩ, ý tưởng của chính mình mà không lĩnh hội được những thứ quý báu mà sách có thể mang lại. Cải thiện kĩ năng đọc sách là cách tốt nhất bạn có thể bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn suy nghĩ của chính mình. Đọc và hiểu được nội dung cuốn sách giống như một quá trình chúng ta chinh phục một đỉnh núi, khi lên tới đỉnh sẽ là cái nhìn mới về thế giới một cách khách quan hơn. 

Bất cứ ai cũng có thể đọc nhanh. Nhưng chỉ có những người có kỹ năng đọc tốt mới có thể hiểu cuốn sách và áp dụng những gì họ đọc được vào cuộc sống thực tế. Cuốn “Đọc sách siêu tốc” của luật sư Christian Grüning đã đưa ra những cách đọc sách như: Hãy nâng cao tốc độ đọc của bạn; Tăng khả năng tập trung của bạn khi đọc sách; Tăng cường khả năng đọc hiểu; Hãy tăng khả năng ghi nhớ của bạn khi đọc; Mỗi cuốn sách giống như một dự án.

Có nhiều chuyên gia đưa ra lời hướng dẫn cụ thể: “Cuốn sách thuộc thể loại gì: Thể loại không chỉ đơn giản là lịch sử, văn học, sinh học,… mà bạn phải trả lời sâu sắc hơn như lịch sử thời kỳ nào, văn học lãng mạn hay hư cấu,… Cần nhớ rằng ngay cả một tác phẩm văn học cũng chứa rất nhiều kiến thức khoa học trong đó nên câu trả lời về thể loại của quyến sách không thể hời hợt được. Cuốn sách này là nêu ra lý thuyết hay hướng dẫn thực hành hay cả hai? Sách lý thuyết trả lời câu hỏi tại sao và cái gì! Sách thực hành trả lời câu hỏi thế nào, khi nào và ở đâu! “Nội dung cuốn sách là gì?” Bạn cần nêu được khái quát hóa nội dung của cuốn sách nói về điều gì chỉ trong một vài câu ngắn gọn, nếu không nghĩa là bạn chưa hiểu được cuốn sách.

“Kết cấu, ý nghĩa của cuốn sách là gì?”. Tóm tắt kết cấu chương mục của cuốn sách cũng trong một vài câu ngắn gọn, nếu không nghĩa là bạn chưa hiểu được cuốn sách. Cuốn sách này dành cho ai, đối tượng nào đọc, giúp họ giải quyết được vấn đề gì, mang lại lợi ích gì?

Người đọc cần có cách phê bình, phản biện tác giả Phê bình không có nghĩa là phê phán khi tác giả nêu vấn đề không phù hợp với quan điểm cá nhân của bạn. Điều cần thiết ở đây dù phù hợp hay không phù hợp quan điểm, việc phê bình cần dựa trên các dữ liệu và lập luận khách quan nếu bạn thấy không phù hợp. Ngay cả khi các quan điểm của tác giả là phù hợp với tư tưởng của bạn, bạn cũng nên chỉ ra sự phù hợp đó đến mức nào, sự chênh lệch giữa bạn và tác giả đến đâu vì nếu bạn và tác giả phù hợp nhau 100% nghĩa là bạn không thu thêm được kiến thức gì mới. Một cách phê bình khách là bạn nêu những điểm chưa khoa học, hoặc lập luận thiếu chắc chắn của tác giả trong phương pháp viết cuốn sách hoặc trong một chương đoạn nào đó chứ không phải nhắm vào kiến thức hay quan điểm của cuốn sách.

Việc chọn lựa chọn một cuốn sách để luyện tập là một việc làm rất quan trọng. Lúc mới bắt đầu thì bạn không nên đọc nhiều thể loại sách khác nhau. Bạn nên tìm một cuốn sách có độ dài vừa phải phù hợp với khả năng, trình độ và sở thích của bản thân.  Khi đã dần hình thành thói quen đọc sách, bạn có thể thay đổi, đọc những cuốn sách dày và phức tạp hơn một chút. Hầu hết sự khởi đầu nào cũng khó khăn vì thế bạn hãy kiên trì, đừng bỏ cuộc.

Để rèn luyện thói quen đọc sách bạn nên cố gắng tránh xa các thiết bị điện tử vì chúng chính là nguyên nhân hàng đầu phá hủy mọi sự nỗ lực của bạn trong việc luyện tập. Bạn cũng không nên nói chuyện với người khác trong lúc đọc sách vì nó sẽ phân tán sự tập trung của bạn. Nếu có thể hãy đọc sách ở những vị trí, địa điểm có không gian yên tĩnh thoáng mát như ban công hay trong khu vườn nhiều cây xanh chẳng hạn.

Ngoài ra, người đọc nên đặt mục tiêu cụ thể cho bản thân rằng mỗi ngày sẽ đọc sách trong khoảng bao lâu. Những ngày đầu, người đọc chỉ nên duy trì thói quen mỗi ngày trong khoảng 10-15 phút thôi để tránh cảm giác chán nản, mệt mỏi dẫn đến tình trạng sợ đọc sách. Theo các chuyên gia thì thời gian đọc sách tuyệt vời nhất là trước khi đi ngủ hoặc vào mỗi buổi sớm mai. 

Đọc thêm