Trong lịch sử tư pháp của nước Mỹ, có rất nhiều điều luật - đặc biệt ở cấp tiểu bang, hạt hay thành phố - từng được ban hành đến nay bị xem là ngớ ngẩn nhưng trên thực tế chúng xuất hiện từ những lý do rất nghiêm túc. Phần lớn các điều luật, quy định đó không còn hiệu lực, một số vẫn tồn tại đến ngày nay.
Chính quyền bang California không cho phép sự tồn tại của các nhà tắm hơi. Điều luật này ra đời vào cuối những năm 1980 khi người ta phát hiện ra rằng phần lớn những người đồng tính nam nhiễm căn bệnh AIDS tại các nhà tắm hơi công cộng. Chính vì thế quy định này ra đời, với mục đích ngăn chặn sự lây lan của virus HIV.
Lịch sử còn lưu lại rằng thành phố Los Angeles cấm học sinh …liếm ếch. Quy định này không phải là vô cớ vì trước đó người ta khám phá ra rằng da của một số loài ếch ở ngoại ô thành phố tiết ra chất gây ảo giác, giống như các loại ma tuý. Vì thế những tay nghiện thường liếm da các loài ếch này mà cảnh sát đành bó tay. Điều luật được công bố nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên.
Ở bang Florida, vì lý do an toàn chung, Luật xây dựng buộc tất cả các cánh cửa đều phải thiết kế theo hướng mở ra ngoài đường. Lý do rất đơn giản : Khi xảy ra hoả hoạn, người ở trong căn nhà đó dễ thoát ra ngoài hơn.
Chính quyền thành phố Seaside bang Florida lại có quy định khác, lần này là vì lý do kinh tế, buộc mọi ngôi nhà ở đây phải có một hàng rào sơn màu trắng bao quanh và một bậc cửa trước nhà thiết kế thật đẹp. Seaside sống nhờ du lịch vì thế chính quyền muốn dùng quy định trên để biến thành phố của họ thành “thành phố trong mơ” hấp dẫn khu khách.
Các nhãn hàng nổi tiếng thế giới sẽ rất bực mình với điều luật của bang Hawaii cấm trưng biển quảng cáo trên bất kỳ tuyến đường nào và ở bất cứ nơi công cộng nào. Lý do xuất phát từ cách lập luận của các nhà lập pháp bang: Họ không muốn du khách bị “bẩn mắt” với những tấm biển quảng cáo to đùng nằm chềnh ệch chắn tầm nhìn của du khách đối với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của Hawaii, nơi vốn được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới”.
Ở Overland Park, thành phố đông dân thứ hai của bang Kansas có quy định nghe rất lạ tai : Cấm biểu tình trong đám tang những người đồng tính. Nó ra đời từ một thực tế là đã từng có một người theo quan điểm bảo thủ chuyên đến các đám tang những người đồng tính giương những tấm khẩu hiệu bêu riếu rằng rằng người quá cố là kẻ tội lỗi bị Chúa Trời trừng phạt. Hành vi này bị cộng đồng phản đối và các và đại diện cho dân trong hội đồng thành phố đã thông qua quy định nói trên.
Tại bang Michigan, trong luật trật tự công cộng có điều khoản cấm ném những con mực ở nơi công cộng. Để hiểu được điều này cần quay về thời kỳ đầu những năm 1950. Hồi đó, trong những trận khúc côn cầu trên băng, những người hâm mộ đội Detroit Red Wings thường quẳng những con mực sống ra sân băng để chúc cho đội nhà chiến thắng. Thói quen này bắt đầu từ một trận đấu của đội Red Wings nhằm giành cúp Stanley của Liên đoàn khúc côn cầu Mỹ năm 1952. Muốn giành được cúp, Red Wings phải đấu 8 trận. Ngay đầu trận đấu đầu tiên, một người hâm mộ nào đó đã ném ra sân băng một con mực (có 8 chân) như dấu hiệu cầu may. Quả thật, năm đó Red Wings giành ngôi vô địch.
Các hội đoàn ở bang Bắc Carolina không được phép tụ họp nếu các thành viên của họ mặc quần áo giống hệt nhau. Quy định này có nguồn gốc rất lâu đời nhằm ngăn chặn hoạt động của Ku Klux Klan, hay đảng 3K – một hội kín lớn ngày xưa và ngày nay ở Hoa Kỳ với chủ trương đề cao thuyết Người da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa bài Do Thái, bài Công giáo, chống cộng sản, chống đồng tính luyến ái và chủ nghĩa địa phương. Các hội kín này thường sử dụng các biện pháp khủng bố, bạo lực và các hoạt động mang tính hăm dọa chẳng hạn như đốt thập giá, treo cổ... để đe dọa người Mỹ gốc Phi và những người khác. Thành viên của đảng 3K thường trùm kín người từ đầu tới chân bằng một tấm choàng màu trắng, chỉ để lộ 2 mắt.
Ở thành phố Memphis, bang Tennsessee, nơi gắn liền với tên tuổi của ngôi sao ca nhạc lừng danh Elvis Presley có một quy định khiến nhiều người lắc đầu : Ăn mày phải có giấy phép của chính quyền bang đút túi phòng thân nếu không muốn bị cảnh sát bắt. Lệ phí giấy phép chỉ 10 USD nhưng bắt buộc phải có giấy phép mới được đi ăn mày.
Quy định này là cách giảm những đám đông nghèo khó bu quanh làm phiền du khách trong thành phố sống về ngành du lịch. Mỗi năm có khoảng 600.000 du khách tới thăm Graceland, ngôi nhà của Elvis Presley, biến nơi đây thành ngôi nhà riêng có số người thăm viếng đông thứ ba ở Hoa Kỳ, sau điền trang Biltmore của Tổng thống khai sinh nước Mỹ George Washington và Nhà Trắng.
Ở bang Texas, đàn ông ra đường nếu thủ trong người một cây kiềm là phạm luật. Trở lại thời kỳ Hoàng dã của miền tây nước Mỹ hai thế kỷ trước, cây kiềm là công cụ không thể đối với những tên trộm.Ban đêm, chúng dùng kiềm cắt dây kẽm gai rào quanh các khu vực nuôi súc vật của các chủ nông trại. Những vụ trộm cắp bò ngựa thời đó tràn lan đến mức chính quyền ra lệnh cấm đàn ông mang kiềm ra khỏi nhà hoặc xưởng của mình.
Giai thoại bang Idaho cấm ngồi trên lưng lạc đà câu cá Thực ra, nếu truy xét đến tận văn bản luật thì Quy định về câu cá được ban hành năm 1920 viết :”Cấm bắt cá hồi khi ngồi trên bất cứ động vật nào khác quay lưng về phía mặt nước sông. Cấm cưỡi các động vật khác bắt cá trong khi lội dưới nước”. Các quy định này là nhằm bảo vệ đàn cá hồi nổi tiếng của bang Idaho. Luật cấm người cưỡi động vật – dù là trâu, ngựa, lạc đà hay voi đều như nhau - lội xuống nước câu hay bắt cá bằng các phương tiện khác vì lý do chân của các động vật này dẫm lên những ổ trứng cá hồi nằm chen lẫn trong đám rong rêu dưới mặt nước. Người ta cũng tránh việc động vật bài tiết làm ô nhiễm nước dưới hạ lưu. Tuy luật cấm cưỡi bất cứ con vật nào để xuống sông bắt cá thì tại sao cho đến nay người ta chỉ nhắc tới lạc đà, một loại súc vật nuôi ở xứ sa mạc và chẳng mấy thích hợp với vùng Idaho đồi núi. Lật lại tờ báo Saint –Peterburg Times tháng 10/1944, người ta thấy có một bài phỏng vấn Tổng chưởng lý bang Bert Miller , trong đó ông này cương quyết khẳng định rằng “cưỡi bất kỳ con gì, dẫu là lạc đà, để bắt cá hồi đều là bất hợp pháp”. Đến đây, phải nói thêm rằng lạc đà ở Idaho là của hiếm. Vốn quen với sa mạc cát, khi leo trèo đường núi móng của lạc đà bị hư rất nhanh. Người ta đã thất bại nhiều lần khi cố nuôi và khai thác nó ở Idaho. Vì thế, khi ông Bert Miller nhắc đến con lạc đà chỉ nhằm nhấn mạnh câu nói của mình mà thôi. Tuy lạc đà không hợp với Idaho, nhưng những thử nghiệm với lạc đà đã để lại nhiều dấu ấn ở bang này. Chẳng hạn, đến nay vẫn còn Đồi Lạc đà (Camel Hill), Thác nước Lạc đà(Camel Falls), thậm chí ngay giữa thủ phủ của bang có Công viên Lưng lạc đà (Camel's Back Park). |
Như Phương