Bị phạt tiền, phạt tù nếu dùng "bút bay mực" để lừa đảo

Đối với những tờ giấy viết tay có chữ ký của những người vay tiền hoặc thế chấp tài sản khác bỗng dưng bay sạch chữ, chỉ còn tờ giấy trắng trơn, người bị hại có thể gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an nơi xảy ra sự việc hoặc nơi cư trú của người sử dụng bút “độc” đánh lừa chiếm đoạt tài sản của người bị hại, nhờ giúp đỡ.

Đối với những tờ giấy viết tay có chữ ký của những người vay tiền hoặc thế chấp tài sản khác bỗng dưng bay sạch chữ, chỉ còn tờ giấy trắng trơn, người bị hại có thể gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an nơi xảy ra sự việc hoặc nơi cư trú của người sử dụng bút “độc” đánh lừa chiếm đoạt tài sản của người bị hại, nhờ giúp đỡ.

Tin đồn tội phạm sử dụng bút “phù thủy”

Dân "tín dụng đen” tại Hà Nội và các tỉnh truyền nhau thông tin chỉ sau một đêm, những tờ giấy viết tay, có chữ ký của những người vay tiền hoặc thế chấp tài sản bỗng bay sạch chữ, chỉ còn giấy trắng trơn. Nhiều người cho rằng thủ phạm đã dùng bút “độc” viết.

Khi sử dụng bút này, mực viết sẽ bay màu sau 24 giờ. Lo ngại việc kẻ xấu dùng bút bay màu mực để lừa đảo, một số ngân hàng khuyến cáo nhân viên không sử dụng bút của cá nhân khi ký vay các gói hỗ trợ tín dụng mà phải dùng trực tiếp bút của ngân hàng.

Cơ quan điều tra sẽ nhanh chóng xác định tội danh với người có hành vi này
Với các thiết bị hiện đại, giám định viên vẫn có thể khôi phục phần chữ ký, chữ viết sử dụng bút bay màu mực.

Những người chuyên đi “săn” hàng độc, lạ cho biết, không chỉ tại Hà Nội, mà tại TP HCM bút “phù thủy” được bán tại một số cửa hàng kinh doanh đồ “thám tử”, hoặc các cửa hàng bán các mặt hàng có tên gọi “sản phẩm sáng tạo”. Không bày bán công khai nhưng nếu hỏi mua, tùy theo độ tin cậy của khách hàng, người bán hàng có thể bán ngay tại chỗ hoặc yêu cầu đặt cọc trước, giao hàng sau.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin cảnh báo loại bút “phù thủy” này xuất hiện trên thị trường, những người tỏ ra dè dặt khi có khách hỏi mua. Nếu là khách lạ, chủ cửa hàng thường lắc đầu đáp không có.

Trái ngược lại với việc cảnh giác tại các cửa hàng, việc kinh doanh bút “phù thủy” qua mạng Internet có vẻ rất sôi động và dễ dàng. Chỉ cần vào trang Google, gõ chữ “bút bay mực”, lập tức hiện ra hàng chục trang web đăng thông tin quảng cáo, rao bán loại bút này. Mặc dù đưa ra khuyến cáo rằng không chịu trách nhiệm về việc sử dụng bút của người mua, thế nhưng trong phần quảng cáo về loại bút ma thuật bay màu này, một trang web lại “vẽ đường” rất cụ thể cho người sử dụng:

“Chiếc bút ma thuật của Harry đã giúp không ít công nợ của các công ty được giải quyết (khi ký xong chữ ký bay mất thì ai có thể làm chứng được)”. Qua địa chỉ liên hệ tại trang web này, có người đã mua được bút "phù thủy" với giá 300.000 đồng dễ dàng. Nhìn bên ngoài, nó không khác gì bút bi nước thông thường. Nhãn mác trên vỏ bút cũng được bóc sạch nên không thể biết có xuất xứ từ đâu. Khi thử trên giấy, ban đầu bút “phù thủy” có màu mực xanh như bút thường.

Tuy nhiên chỉ ít phút sau đó, màu mực có dấu hiệu thay đổi, nhợt nhạt dần. Trong vòng 6 tiếng màu mực mất hẳn trên nền giấy, chỉ còn vết hằn của bút do lực ấn ngòi bút tạo ra. Đổ nước lên phần chữ vừa viết trên giấy, dùng tay lau nhẹ, toàn bộ phần mực dính nước biến mất sạch chứ không bị nhòe như mực viết thông thường.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Nguyễn Quang Huy - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP. Hà Nội cho biết: Đến nay, đơn vị chưa nhận được yêu cầu nào đề nghị giám định tài liệu có sử dụng bút viết bay màu mực. Tuy nhiên, về nguyên lý, các loại mực viết đều biến đổi theo thời gian, nhạt dần và chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc biệt là ánh sáng. Về loại mực bay màu, bản chất là một loại hóa chất, có thể có màu xanh, đỏ hoặc đen tùy theo cách pha chế.

Mặc dù bay màu nhưng đó chỉ là hiện tượng chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Nếu có trường hợp sử dụng bút viết bay màu mực cơ quan giám định kỹ thuật hình sự vẫn có nhiều phương pháp để kiểm tra, giám định phát hiện có chữ viết, chữ ký hay không, đồng thời có thể khôi phục, chụp lại dấu vết của chữ viết, chữ ký để lại trên giấy và các chất liệu khác…

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM thừa nhận, trên thực tế có xuất hiện loại bút “độc” vì mực ở cây bút được chế tạo từ hóa chất, mà đặc điểm của hóa chất thì có loại tồn tại thời gian dài, ngắn khác nhau, đổi màu, phai màu hoặc mất màu.

Theo Luật sư Ly Tao, đối với người sử dụng bút “độc” nhằm đạt được mục đích của mình, thì hành vi này cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Loại bút phù thủy đang khiến dư luận hoang mang
Loại bút "phù thủy" đang khiến dư luận hoang mang

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 139 BLHS:... Người phạm tội phải chịu một trong các hình phạt: Xử phạt hành chính, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm... mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn, đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt từ 7 năm đến 15 năm tù, tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Ly Tao cho biết thêm: Người nào bán sản phẩm bút “độc” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “kinh doanh trái phép” (Điều 159 BLHS) hoặc tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” (Điều 155 BLHS).

Về tội “Kinh doanh trái phép”: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này... chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.

Bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; mạo nhận một tổ chức không có thật; hàng phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính lớn. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Đối với tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”: Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này... hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm... thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Luật sư Tao, để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi dùng bút “độc” nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mọi người dân khi phát hiện kẻ gian dùng bút “độc” lừa đảo... thì lập tức báo cho Cơ quan Quản lý thị trường, Cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo pháp luật liên quan.

Cơ quan Quản lý thị trường, Công an Kinh tế tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý người kinh doanh bút “độc”, chuyển giao người vi phạm và tang vật đến cơ quan chức năng thẩm quyền để điều tra, xử lý, kịp thời trừng trị, răn đe người phạm tội; giáo dục, phòng ngừa chung đối với cộng đồng.

 Hà Giang – Tố Nhi

Đọc thêm