QTV - Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) mạnh dạn trả mức lương từ 5 - 14 triệu đồng/tháng cho cán bộ Đoàn, Hội chuyên trách và đã phát huy hiệu quả.
|
Anh Lê Sơn Quang. |
Ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất khoa Cơ điện, Đại học (ĐH) Lạc Hồng, Lê Sơn Quang, SN 1982, đã chứng tỏ mình là thủ lĩnh thanh niên xuất sắc, say mê công tác Đoàn, Hội. Trong 4 năm học, Quang từng đảm nhận nhiều vai trò như lớp trưởng, bí thư Đoàn của lớp, khoa và phó bí thư Đoàn trường… Đặc biệt, đến năm học thứ tư, nhờ hoạt động Đoàn năng nổ, hữu ích, Quang bắt đầu được nhà trường trả lương.
Ra trường năm 2007, Quang được ĐH Lạc Hồng tuyển chọn làm cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Hội. Với vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên trường, Quang đã được nhà trường trả mức lương 7 triệu đồng/tháng. Năm 2009, Quang giữ vị trí Bí thư Đoàn trường và nhận mức lương 14 triệu đồng/tháng. Mức lương của phó bí thư Đoàn trường ĐH Lạc Hồng cũng khiến nhiều bạn trẻ mơ ước (7 triệu đồng/tháng). Các cán bộ Đoàn, Hội khác hưởng mức lương 5- 6 triệu đồng/tháng.
Các bí thư Đoàn trường trước đây của ĐH Lạc Hồng đều được hưởng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Cán bộ trẻ chuyên trách công tác Đoàn, Hội của ĐH Lạc Hồng hiện có 4 người và còn hàng chục cán bộ kiêm nhiệm khác đang làm công tác chuyên môn tại 11 khoa. Tất cả cán bộ Đoàn, Hội của ĐH Lạc Hồng đều trưởng thành từ chính các hoạt động thiết thực trong phong trào Đoàn, Hội khi còn là sinh viên.
|
SV Đại học Lạc Hồng làm tình nguyện tại Lào. |
Quang cho rằng, khi được hưởng mức lương cao, trách nhiệm của cán bộ Đoàn, Hội cũng nặng nề hơn và anh luôn phải nỗ lực hết mình. Vai trò của cán bộ Đoàn, Hội được thể hiện qua phong trào hoạt động Đoàn của nhà trường. Với hơn 1.000 đoàn viên, Đoàn trường thường xuyên tổ chức những hoạt động thiết thực, hiệu quả như các cuộc thi tại trường, tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo... Hoạt động Đoàn, Hội của ĐH Lạc Hồng đã được T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN, Hội Sinh viên Việt Nam tặng cờ thi đua và bằng khen.
Tiến sỹ Trần Hành, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, cho rằng: Nhà trường luôn có cái nhìn thấu đáo và công bằng về những đóng góp của hoạt động phong trào trong việc xây dựng thương hiệu cho trường. Theo TS Trần Hành, trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo chuyên môn mà còn là môi trường rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống cho sinh viên nên vai trò của Đoàn, Hội rất quan trọng.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, đánh giá những cán bộ trẻ tham gia công tác Đoàn, Hội của trường đang hoạt động rất năng nổ vì họ đã được tuyển chọn, bồi dưỡng ngay từ khi còn là sinh viên. Theo Phó Hiệu trưởng Thành Hiển, việc nhà trường trả lương cao cho cán bộ Đoàn, Hội là phù hợp với quy chế của T.Ư Đoàn và xứng đáng với vị trí, sự cống hiến của họ.
Được hưởng mức lương khủng dựa trên những đóng góp trong công tác Đoàn, Hội, nhưng Bí thư Đoàn trường Sơn Quang luôn khiêm tốn khi nói về bản thân. Anh cho rằng, hoạt động Đoàn, Hội phát triển mạnh, hiệu quả là nhờ công sức của tập thể gồm nhiều cán bộ trẻ khác; của đoàn viên, sinh viên và đặc biệt là sự quan tâm của ban giám hiệu. Quang cũng nhìn nhận rằng, anh đang có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung.
Chênh lệch mức phụ cấp cho cán bộ Đoàn, Hội
Thông tin từ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 61 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội trong các trường học diễn ra ngày 12-11 cho thấy mức phụ cấp còn chênh. Trường CĐ Nguyễn Tất Thành (TPHCM) mỗi năm chi khoảng 2,5 tỷ đồng cho công tác Đoàn, Hội; ĐH Lạc Hồng trả mức lương khủng như đã nêu trong bài.
Tuy nhiên, cũng có nơi như tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cán bộ làm công tác Đoàn của trường chỉ kiêm nhiệm và không được hưởng lương cho vị trí đó. Một số trường chỉ trả phụ cấp cho cán bộ Đoàn, Hội từ 100.000 - 300.000 đồng/tháng. D.H
Theo Tiền Phong