Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong hồi tưởng của con trai

 Trong xúc cảm từ bộ phim mang lại, con trai của cố Bí thư Kim Ngọc là ông Kim Nam, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, trò chuyện cởi mở với PLVN, hé lộ nhiều kỷ niệm đáng quý về cha mình, những chi tiết chưa được tái hiện trên màn ảnh nhỏ.

Tái hiện câu chuyện khoán hộ cùng với nguyên mẫu là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” gửi đến người xem thông điệp: Dù ở thời đại nào, đất nước ta cũng cần đến những Đảng viên ưu tú, luôn đi trước như ông.

Trong xúc cảm từ bộ phim mang lại, con trai của cố Bí thư Kim Ngọc là ông Kim Nam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, trò chuyện cởi mở với PLVN, hé lộ nhiều kỷ niệm đáng quý về cha mình, những chi tiết chưa được tái hiện trên màn ảnh nhỏ.

- Diễn viên Dũng Nhi (người vào vai Bí thư Hoàng Kim trong phim Bí thư Tỉnh ủy), trong một lần trả lời phỏng vấn đã kể lại rằng: “Ngay từ khi phim bắt đầu quay, đi tới đâu tôi cũng bị bà con “quây” và hỏi rằng ai là người đóng vai Bí thư Kim Ngọc”. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng, lan tỏa của ông Kim Ngọc tới nhân dân rất lớn. Gia đình nghĩ thế nào về người sẽ thủ vai chính chồng, cha mình?

- Từ rất lâu trước khi bộ phim được khởi quay, gia đình chúng tôi đã được biết đến dự định làm phim về cha tôi - cố Bí thư Kim Ngọc - và chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn Vân Thảo, tác giả kịch bản bộ phim khi ông về sống ở đây hơn nửa năm để tìm tòi chất liệu, chắp bút.

Bà Kim Ngọc cùng các con (ông Kim Nam đứng ngoài cùng bên trái)
Bà Kim Ngọc cùng các con (ông Kim Nam đứng ngoài cùng bên trái)

Tháng 4/2009, trước khi phim bắt đầu khởi quay, đoàn làm phim đã đến thắp hương cho bố tôi và ăn bữa cơm cùng gia đình. Tôi còn nhớ lúc đó, khi đạo diễn Quốc Trọng giới thiệu với mẹ tôi (bà Lê Thị Liên - vợ của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc) về diễn viên Dũng Nhi, người sẽ đảm nhiệm vai Bí thư Hoàng Kim trong phim, mẹ tôi đã nói ngay: “Trông anh cũng hơi giống nhà tôi”. Hẳn rằng câu nói đó cũng phần nào mang đến sự yên tâm cho đoàn làm phim.

Sau này, trong suốt quá trình quay phim, đoàn làm phim, nhất là đạo diễn Quốc Trọng và các anh chị diễn viên Dũng Nhi, Mai Hoa, Lan Hương... đã trở nên thân thiết với gia đình. Khi phim đã đóng máy và khởi chiếu, các anh chị ấy vẫn giữ “lịch” đến thăm gia đình tôi mỗi tháng một lần. Đó là những tình cảm thật quý báu và rất đáng trân trọng.

- Trong phim có rất nhiều cảnh cảm động liên quan tới Bí thư Kim Ngọc mà  trong kịch bản lúc đầu không hề có như chi tiết Bí thư xuống thăm trận địa pháo;  cảnh hai vợ chồng ông lang thang trong cơ quan Tỉnh ủy đêm trước khi bị kỷ luật vì vụ khoán hộ; chi tiết sau khi vụ mùa khoán hộ đầu tiên thắng lợi, ông đi thăm đồng lúa mênh mông và ôm lúa vào lòng như ôm con; hay cảnh ông đi một mình trong đêm, chứng kiến cảnh bà mẹ đánh con do đứa bé ăn vụng cám vì đói, khiến ông quyết tâm thực hiện khoán hộ... Cảm xúc của gia đình ta khi xem những cảnh này như thế nào?

- Khi xem phim, gia đình chúng tôi hiểu rằng cả ê kíp làm phim, từ người viết kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên đã rất lao tâm khổ tứ để tái hiện sống động được cái không khí của cả một giai đoạn lịch sử những năm cuối 1960 và thập niên những năm 70 dạo ấy và cả hình ảnh của cha tôi - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người tiên phong phong trào khoán hộ.

Những hình ảnh, những chi tiết về cuộc sống của người nông dân, về cách làm việc,  suy nghĩ của cán bộ thời đó đã được dựng lại khá chuẩn xác và xúc động. Bộ phim đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm cảm động đang được lưu giữ trong tâm thức của những người cán bộ đã từng làm việc với cha tôi và trong cả tôi, dù khi đó tôi chỉ là một cậu bé 13,14 tuổi.

Tôi còn nhớ, khi nghe tin cha tôi bị kiểm điểm, họ hàng nhà nội đã kéo đến nhà và nét mặt ai cũng buồn rầu. Cha tôi đã an ủi các bác, các chú rằng, mọi người cứ yên tâm vì ông luôn sống và làm việc vì Đảng, vì dân, tuyệt đối không có gì là sai trái cả. Cha tôi có vẻ ngoài và tác phong làm việc rất nghiêm khắc, khiến nhiều người e dè nhưng thực ra ông sống rất tình cảm và quan tâm đến mọi người.

Trước đây, cha tôi có một cái radio National loại dùng ba pin của Nhật, vào thời ấy, đây là tài sản quý. Thế rồi, không hiểu sao lại bị mất. Công an điều tra thì hóa ra thủ phạm là một cán bộ của Văn phòng Tỉnh ủy trước đây đã có một thời làm thư ký cho cụ. Người này đã lấy cái đài và mang xuống chợ trời Hà Nội bán.

Có ý kiến đòi phải truy tố, nhưng cha tôi đã không đồng ý vì qua tìm hiểu, ông biết nhà của cán bộ này ở quê vừa bị cháy, gia đình lại rất nheo nhóc. Hơn nữa đây cũng là một cán bộ rất có năng lực, hành động đó cũng chỉ là phút yếu lòng. Người cán bộ đó đã không bị kỷ luật, chỉ chuyển công tác khác và sau này đã trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo của một ngành trong tỉnh. Nay ông này đã mất, nhưng khi còn sống ông vẫn thường đến thăm mẹ tôi và thắp hương cho cha tôi.

Hay một lần tôi trực tiếp chứng kiến cha tôi đã “cứu” một cán bộ công an - người được cử theo bảo vệ cụ. Số là trong chuyến công tác xuống huyện kiểm tra, sau bữa cơm, anh này đã để quên súng tại văn phòng huyện, phải đến nửa đường về mới nhớ ra. Hôm đó, do được đi cùng cha nên tôi đã chứng kiến sự sỡ hãi của anh công an ấy vì đây là hành động vi phạm điều lệnh, chắc chắn sẽ bị kỷ luật nếu đến tai cấp trên. Đắn đo mãi, cuối cùng anh công an  cũng phải “khai thật” với cha tôi và ông đã đồng ý quay lại huyện để giúp người công an lấy lại súng. Câu chuyện chỉ dừng lại ở đó và người cán bộ công an này đến nay vẫn còn sống và cứ đến ngày giỗ hàng năm của cha tôi, ông ấy lại đến thắp hương, nhắc lại câu chuyện xưa.

Những cách ứng xử như thế của cha tôi đã để lại cho tôi một bài học sâu sắc trên đường đời. Đó là ai cũng có những phút giây sơ suất, yếu lòng và mình phải biết nhìn sâu vào bản chất của họ để đánh giá,  để quyết định những điều liên quan đến vận mệnh họ. Đó mới chính là tình người và đôi khi một hành động đúng, dù là rất nhỏ nhoi cũng cứu được cả cuộc đời một con người.

- Cố Bí thư Kim Ngọc có một tư duy sáng tạo vượt ra khỏi khuôn khổ của học thức bởi trái tim lớn dành cho sự nghiệp lớn của dân tộc. Là con trai của cụ, ông thấy mình có điểm nào giống cha, nhất ở cương vị là đầu tàu của ngành Tư pháp ngay chính trên quê hương của khoán hộ?

- Cha mẹ tôi có sáu người con cả trai lẫn gái và trong số đó, theo nhận xét của nhiều người trong gia đình, họ hàng thì tôi là đứa con được thừa hưởng nhiều nét ngoại hình giống cụ nhất. Còn giống cụ ở “trái tim lớn dành cho sự nghiệp lớn của dân tộc” hay không thì tôi không dám nhận đâu (cười). Gắn bó với ngành Tư pháp từ năm 2002, tôi nhận thấy rằng ở Vĩnh Phúc, tư pháp đã rất được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vì chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo, chính quyền tỉnh. Có những việc chúng tôi chỉ đề xuất một nhưng lại được ủng hộ tới năm, sáu, vì thế tôi thường nói với anh em trong ngành rằng, trước bất kỳ công việc gì chúng ta đừng hỏi mình có được ủng hộ hay không, mà hãy hỏi chúng ta có làm được hay không, để mà cố gắng, mà quyết tâm.

Không dám ví với khoán hộ nhưng trong thực tiễn công tác, có thể tự hào nói rằng, ngành Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi cũng đã có nhiều sáng kiến, nhất là đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chúng tôi đã chủ trương phối hợp với tất cả các ban ngành đoàn thể ở địa phương để “khoán” kinh phí tập huấn pháp luật xuống tận từng địa chỉ, cùng với việc kiểm tra sát sao.

Có được sự chung tay chung sức này thì pháp luật sẽ đến được với người dân nhanh hơn, uyển chuyển hơn và ngành Tư pháp cũng không còn “đơn thương độc mã”. Tuy rằng, sự chuyển biến về nhận thức pháp lý nói riêng và các vấn đề khác nói chung không thể ngày một ngày hai mà có ngay, mà phải “mưa dầm thấm lâu”. Nhưng, theo tôi đây sẽ là bước chuẩn bị vững chắc nhất cho những hoạch định của tương lai...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Xuân Hoa (thực hiện)

Đọc thêm