Biên nhận cho một sự trắng trợn

Đây không còn là một tờ giấy biên nhận tiền nữa mà nó trở thành hiện thân của biên nhận sự trắng trợn, của quá trình hợp pháp hóa những điều phi pháp. Cái này mới thực sự đáng báo động khi người ta đang biến những việc xấu xa, đen tối, đáng lên án thành những việc bình thường, nên chấp nhận.

Vụ “chạy án” ở quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh đã được đưa ra xét xử vào ngày giáp Tết vừa qua với những hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo. Nhưng, dư luận quan tâm không chỉ là sự trừng phạt của pháp luật đối với những người từng là cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật ra sao mà còn là việc liệu phiên tòa này có tạo ra hiệu ứng để hạn chế được việc làm tiền trắng trợn của những người “nhân danh pháp luật” khác hay không?

Đáng chú ý nhất là tờ giấy biên nhận tiền do cảnh sát điều tra vụ này lập. Giấy này, dưới tiêu đề “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”, ghi rõ “Giấy nhận tiền” và nội dung của nó rất rõ ràng như một hợp đồng với số tiền phải nộp để chạy án, với nghĩa vụ ràng buộc của từng bên, cuối cùng, có ký tên đầy dủ của người hối lộ và người nhận hối lộ.

Lòng tham trả giá. Ảnh minh họa
Lòng tham trả giá. Ảnh minh họa

Hiện tượng “chạy án” không phải là hiếm nhưng cái biên nhận kiểu này quả là rất hiếm. Nó chứng tỏ một sự coi thường pháp luật đến mức phỉ báng, nó công khai phạm tội đến mức trắng trợn, nó coi việc hối lộ là việc bình thường, phải làm đối với bất cứ ai dính dáng đến pháp luật, nó phơi bày trần trụi cách thức làm tiền đến kinh ngạc.

Đây không còn là một tờ giấy biên nhận tiền nữa mà nó trở thành hiện thân của biên nhận sự trắng trợn, của quá trình hợp pháp hóa những điều phi pháp. Cái này mới thực sự đáng báo động khi người ta đang biến những việc xấu xa, đen tối, đáng lên án thành những việc bình thường, nên chấp nhận.

Đáng chú ý nữa là thân phận của người phụ nữ 26 tuổi phạm tội “Đưa hối lộ”. Gia cảnh nghèo hèn, con khuyết tật bẩm sinh, chồng vì bần cùng mà sinh trộm cắp. Anh ta là tài xế xe tải, ăn trộm hàng bị phát hiện, đã trả lại một nửa nhưng vẫn bị tố cáo nên bị bắt. Chị thương chồng xiềng xích, muốn anh về với vợ con mà nhắm mắt chấp thuận việc “chạy án” do viên cảnh sát điều tra gợi ý. 60 triệu đồng với chị là món tiền quá lớn nhưng chị vẫn ra sức chạy chọt, vay mượn để chồng được tại ngoại. Vụ việc vỡ lở, chị trở thành bị cáo...

Giá như những người bảo vệ pháp luật trong vụ án này vận dụng đến hết mức có thể sự khoan hồng và tình tiết giảm nhẹ của pháp luật để người chồng mắc tội đó được tại ngoại, được làm việc để nuôi sống vợ con thì xã hội ta thêm một phần tốt đẹp và bớt đi một vụ án hối lộ. Nhưng không, một vài người trong số họ đã chọn một cách ứng xử khác là nhân cơ hội này mà làm tiền, vì thế mới nên nỗi.

Nhị Ngọc

Đọc thêm