Biểu tình “Chiếm phố Wall" lan ra nhiều nước

Từ phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, nhiều cuộc biểu tình đã lan rộng ra nhiều nước ở châu Á, châu Âu và quay trở lại xuất phát điểm ở thành phố New York, Mỹ với hàng ngàn người diễu hành lên án sự tham lam của các tập đoàn và sự bất bình đẳng về kinh tế. Nhiều cuộc đụng độ cũng đã xảy ra, nghiêm trọng nhất là tại thành phố Rome, Italia.

Từ phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, nhiều cuộc biểu tình đã lan rộng nhiều nước ở châu Á, châu Âu và quay trở lại xuất phát điểm ở thành phố New York, Mỹ với hàng ngàn người diễu hành lên án sự tham lam của các tập đoàn và sự bất bình đẳng về kinh tế. Nhiều cuộc đụng độ cũng đã xảy ra, nghiêm trọng nhất là tại thành phố Rome, Italia.
Một chiếc xe bị thiêu cháy ở Rome hôm 15/10. Ảnh Reuters
Một chiếc xe bị thiêu cháy ở Rome hôm 15/10. Ảnh Reuters

Cảnh sát New York, Mỹ ngày 15/10 đã bắt giữ khoảng 70 trong số những người biểu tình tham gia phong trào “Chiếm phố Wall”. Theo những người tổ chức cuộc diễu hành từ Công viên Zuccotti, Hạ Manhattan tới Quảng trường Thời đại, có khoảng 5.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình. Những người này liên tục hô to khẩu hiệu “Chúng tôi phải bán hết tất cả, ngân hàng được bảo lãnh” và “Cả ngày, cả tuần, hãy chiếm lấy phố Wall”.

Chỉ riêng tại khu vực Quảng trường Thời đại, cảnh sát đã bắt 45 người biểu tình quá khích trong khi 24 người khác bị bắt với cáo buộc xâm nhập trái phép vào một chi nhánh của ngân hàng Citibank ở khu vực Công viên Washington. Hai cảnh sát cũng đã bị thương, phải nhập viện khi tìm cách giải tán đám đông những người biểu tình.

Người phát ngôn cảnh sát Paul Browne cho biết, 42 người đã bị bắt giữ lúc 20h ngày 15/10 sau khi được cảnh  báo giải tán đến 3 lần nhưng không tuân thủ. 3 người khác bị bắt lúc 18h vì đã tháo dỡ hàng rào ngăn cách của cảnh sát.

Ngoài ra, tại một số thành phố khác cũng đã diễn ra những cuộc biểu tình khá rầm rộ, trong đó có khoảng 5.000 người đã tụ tập trước Tòa Thị chính thành phố Los Angeles và 2.000 người khác diễu hành ở Pittsburgh.  Những cuộc biểu tình ở New York bắt đầu hôm 17/9 với sự tham gia của một nhóm nhỏ và đã tăng lên vài nghìn người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội ở một số thời điểm.

Tại châu Âu, cuộc biểu tình quy mô lớn ở Madrid, Tây Ban Nha tối 15/10 mang một bầu không khí lễ hội hơn là sự phản kháng. Hàng chục nghìn người thuộc mọi độ tuổi, tầng lớp từ những những người già đã nghỉ hưu cho tới những đứa trẻ và nhiều thanh niên thất nghiệp tập trung ở Quảng trường Puerta del Sol, nơi phong trào “Phẫn nộ” đã nổ ra từ tháng 5 vừa qua. 

Ở Bồ Đào Nha, khoảng 20.000 người đã tham gia diễu hành tại thành phố Lisbon và một lượng người tương tự ở thành phố Oporto cũng đã xuống đường trong “ngày biểu tình toàn cầu”.

Tại Hy Lạp, 2.000 người đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens và chừng ấy người biểu tình ở thành phố Thessaloniki. Ít nhất 1.000 người đã biểu tình ở trung tâm tài chính ở London, Anh nhưng đã bị cảnh sát ngăn lại khi tìm cách thâm nhập vào Sở Chứng khoán và 5 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.

Một bầu không khí phản kháng cũng đã nổ ra sôi sục ở các nước châu Á với hàng trăm người tham gia biểu tình ở Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Philippines, Đài Loan, Hong Kong ... Theo trang web 15october.net, người biểu tình từ 951 thành phố, ở 82 quốc gia đã tham gia vào cuộc biểu tình chung để đòi hỏi quyền lợi và yêu cầu có được một nền dân chủ thực sự.

Đã có những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại một số thành phố, trong đó nghiêm trọng nhất là ở Rome, Italia. Hàng chục ngàn người ở Rome đã tham gia vào cuộc biểu tình hòa bình, diễu hành qua nhiều tuyến phố ở trung tâm thủ đô. Hàng trăm chiến binh mặc đồ đen, đeo mặt nạ và mũ bảo hiểm đã gây nên vụ bạo động tồi tệ nhất ở Rome trong suốt nhiều năm qua.

Những người này đã đốt cháy nhiều ô tô, đập phá các ngân hàng, cây rút tiền và phá cửa kính của những cửa hàng. Đèn giao thông và biển chỉ dẫn ở nhiều nơi cũng đã bị phá hủy còn tòa nhà phụ của Bộ Quốc phòng Italia đã bị phóng hỏa thiêu cháy.

Cảnh sát Italia đã phải dùng pháo bắn nước và lựu đạn cay để giải tán đám đông những người biểu tình quá khích – những người đã tấn công bằng đá, chai lọ, pháo hoa. Ít nhất 70 người, trong đó có 30 cảnh sát, đã bị thương trong vụ đụng độ. Thủ tướng Italia Berlusconi tuyên bố sẽ trừng phạt những kẻ bạo động đã biến cuộc biểu tình thành trận chiến trên đường phố.

Các cuộc biểu tình trên khắp thế giới diễn ra khi các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế thuộc nhóm G20 đang họp tại Paris (Pháp) để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro.

Thống đốc ngân hàng trung ương Italia Mario Draghi – người sắp đảm nhận vị trí lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - đã bày sự ủng hộ và thông cảm đối với các cuộc biểu tình trên toàn cầu. “Những người trẻ tuổi có quyền được phẫn nộ. Họ tức giận về thế giới tài chính. Tôi có thể hiểu được điều này. Người lớn chúng ta còn bức xúc vì khủng hoảng kinh tế thì bạn có thể tưởng tượng được nhóm thanh niên 20, 30 tuổi cảm thấy thế nào?” – truyền thông Italia dẫn lời ông Draghi nói.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin tuyên bố khu vực đồng euro sẽ hoàn tất kế hoạch giải quyết khủng hoảng nợ tại cuộc họp của Hội đồng Châu Âu diễn ra ngày 23 tới tại Bruxelles.

Thanh Tùng (theo Reuters, BBC)

Đọc thêm