Binh nhất đã tiết lộ hàng nghìn trang tài liệu mật của chính phủ Mỹ Bradley Manning hiện đối mặt với án tù lên đến 136 năm sau khi bị buộc tội làm gián điệp và nhiều tội danh khác. Phiên điều trần về bản án đối với bị cáo này được mở ra từ ngày 31/7.
Binh nhất Manning. |
Ngày 30/7, Thẩm phán Denise Lind đã loại trừ khả năng Manning sẽ phải sống nốt quãng đời còn lại sau song sắt nhà giam sau khi tuyên trắng án đối với tội danh nghiêm trọng nhất - tội trợ giúp cho kẻ thù – đối với bị cáo này. Tuy nhiên, Manning đã bị buộc 20 tội danh khác theo Đạo luật Gián điệp.
12 tội danh trong số đó có khung hình phạt tối đa là 10 năm tù giam mỗi tội danh. Cộng gộp tất cả các tội danh này có thể đưa đến bản án tối đa là 136 năm tù. Dù vậy, thẩm phán có thể sẽ không đưa ra mức án tối đa đối với từng tội danh. Đại tá Lind có thể sẽ ra phán quyết cho phép Manning thi hành các bản án đồng thời.
Manning bị buộc tội đã đánh cắp nhiều thông tin và video mật của quân đội, 470.000 báo cáo chiến sự ở Iraq và Afghanistan cùng 250.000 điện tín ngoại giao được bảo mật giữa Washington và các sứ quán Mỹ ở nước ngoài rồi chuyển các tài liệu này cho trang mạng WikiLeaks. Các tài liệu sau đó đã được Wikileaks đăng tải trên mạng internet. Manning bị bắt tháng 5/2010 tại Iraq rồi được đưa đến trại giam của quân đội Mỹ ở Kuwait, trước khi bị đưa về nước.
Các công tố viên tại tòa án binh của Mỹ cáo buộc Manning đã đặt mạng sống của nhiều người vào tình trạng nguy hiểm và rằng một số tài liệu mà binh nhất này thu thập được đã được tìm thấy tại nhà riêng của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 31/7, Thẩm phán Lind nói rằng Manning không biết rằng Al Qaeda có thể tiếp cận được các tài liệu này, từ đó tuyên trắng án về tội trợ giúp kẻ thù đối với bị cáo này.
Trong một thông cáo dài đưa ra hồi tháng 2 vừa qua, Manning nói ông đã tiết lộ các tài liệu nhằm thu hút chú ý và tranh luận của người dân về chính sách ngoại giao của Mỹ cũng như về quân đội Mỹ. Trang mạng Wikileaks trong một thông cáo đưa ra ngày 30/7 cũng đã ủng hộ tuyên bố này. Wikileaks cáo buộc bản án đối với Manning là một tiền lệ nguy hiểm và là một ví dụ của chủ nghĩa an ninh quốc gia cực đoan.
Cùng thời điểm diễn ra phiên điều trần về bản án dành cho Manning, Quốc hội Mỹ cũng sẽ tiến hành một phiên điều trần về tương lai của các chương trình do thám của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA). Phiên điều trần diễn ra sau vụ tiết lộ các thông tin tình báo gây chấn động thứ 2 của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cho nhà báo Glenn Greenwald.
Theo các nhà phân tích, việc truy tố thành công Manning sẽ thúc đẩy quyết tâm của chính quyền Obama trong việc trừng phạt những người được cho là đã tiết lộ các bí mật an ninh quốc gia cho truyền thông.
“Phán quyết tuyên có tội đối với Manning sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ lần thứ 2 trước khi nói chuyện với các phóng viên. Nó gửi thông điệp rất mạnh mẽ tới những người có thể trở thành người tiết lộ các thông tin mật rằng họ sẽ đối mặt với khả năng bị truy tố”, giáo sư luật tại trường Đại học Boston Mary-Rose Papandrea nói.
Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)