Sau khi Báo PLVN có bài phản ánh thực trạng bán hàng bình ổn giá tại Hà Nội, nhiều người bày tỏ ý kiến, trong đó có ông Nguyễn Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
|
ông Nguyễn Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. |
* Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình bán hàng bình ổn giá (BOG). Ông đánh giá thế nào về hiệu quả từ các chương trình này?
- Tôi thấy ý tưởng của việc làm này rất hay, với mong muốn là giúp hạ nhiệt giá cả, san sẻ khó khăn cho người tiêu dùng. Nhưng qua gần 4 năm thực hiện, chương trình BÔG của Hà Nội đã chưa đạt hiệu quả như mong muốn. UBND TP Hà Nội nói là có nhiều điểm bán hàng BÔG ở các chợ dân sinh, nhưng thực tế số lượng chưa đáng kể và việc thực hiện BÔG ở những điểm này là hết sức khó khăn.
* Có thực tế là hàng BÔG trong siêu thị thường cao hơn giá ngoài thị trường tự do, trong khi các DN cam kết bán thấp hơn 10% giá ngoài thị trường khi có biến động bất thường về giá?
- Việc này là có thật. Lỗi một phần do UBND TP Hà Nội. Vì giao tiền cho các DN chậm, khi giá cả bùng lên, thành phố mới ứng tiền vốn cho các đơn vị. Muốn đầu ra thấp thì các DN phải có vốn từ trước. Đến khi giá cả bùng lên mới dự trữ cũng đã muộn, nên giá cao là tất yếu. Bên cạnh đó cơ chế thuế và chi phí quản lý ở ngoài chợ thấp hơn nhiều so với siêu thị.
* Cho rằng chương trình bán hàng BÔG không đạt được hiệu quả như mong muốn, theo ông đâu là nguyên nhân ?
- Theo tôi có nhiều nguyên nhân cần phải khắc phục. Thứ nhất là lực lượng quá ít, mới chỉ đạt khoảng 8-10% doanh số tiêu dùng xã hội (chẳng hạn, một tháng Hà Nội tiêu dùng khoảng 5.000 tỷ đồng - tiền hàng hóa, nhưng thành phố mới đưa ra hơn 470 tỷ đồng để cung cấp hàng BÔG). Bên cạnh đó là số lượng nhóm hàng cũng ít (mới chỉ có 10 nhóm hàng). Không chỉ nhóm hàng ít mà mặt hàng cũng ít. Ví dụ, dầu ăn có hơn 20 loại, nhưng hàng BÔG chỉ có 2-3 loại; gạo có 50 loại thì hàng BÔG cũng chỉ có 5-6 loại….Theo lý thuyết kinh tế thương mại, khi thị phần chiếm khoảng 60-70% thì mới có thể áp đảo được giá cả. Trong khi anh không có lực lượng mà anh đòi áp đảo giá cả thì không khả thi. Thực tế là thời gian qua, các mặt hàng BÔG phải liên tục điều chỉnh giá.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về những tồn tại của chương trình bán hàng BÔG trong thời gian qua?
- Tôi thấy đối tượng phục vụ không đúng. Hiện 70- 80% hàng hóa BÔG nằm ở nội thành và bày bán trong siêu thị. Như vậy, các đối tượng ở khu công nghiệp, nông thôn, sinh viên được hưởng rất ít. Thỉnh thoảng các DN mới đưa hàng về nông thôn thông qua những buổi bán hàng lưu động, nhưng cũng chỉ diễn ra trong một vài ngày. Hàng đưa về nông thôn rất đơn điệu, chủ yếu là đồ khô mà thiếu thực phẩm tươi sống. Theo quan điểm của tôi, 80% hàng hóa phải đưa về nông thôn chứ không phải là 20%. Thành phố đã khẳng định là bán hàng BÔG cho người nghèo cơ mà? nhưng nếu bán hàng ở các siêu thị thì hầu hết chỉ phục vụ cho các đối tượng là những người có thu nhập trung bình khá.
Thứ hai là cơ chế BÔG đã tạo ra chính sách hai giá- là chính sách rất lỗi thời của thời bao cấp. Có nghĩa là những siêu thị bán hàng BÔG thì có giá bán khác so với siêu thị không được tham gia bán hàng BÔG. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ở TP. HCM, người ta còn tổ chức đấu thầu về giá, nhưng Hà Nội lại lựa chọn DN để tham gia bán hàng BÔG. Việc làm này sẽ tạo ra cơ chế “xin - cho”. Nếu không tổ chức đấu thầu thì làm sao biết được giá của DN nào thấp, DN nào cao để tham gia? Có khi anh tham gia chương trình BÔG có giá cao hơn những anh không tham gia, như thế sẽ tạo ra nghịch lý trên thị trường, gây bất công, bất bình đẳng giữa các DN.
Ngoài ra, chính sách hai giá sẽ tạo ra sự lợi dụng của nhóm tiểu thương đi mua vét những hàng hóa BÔG với giá thấp. Điều này đã xảy ra trên thực tế. Không những thế, vấn đề quản lý nội bộ cũng sẽ rất phức tạp. Bởi hàng ở trong mà thấp hơn bên ngoài thì đương nhiên một số đối tượng xấu có thể sẽ tuồn hàng ra thị trường để kiếm lời.
Một tồn tại nữa của chương trình bán hàng BÔG là tạo ra việc ép giá mua. Bởi anh muốn bán giá thấp, anh phải yêu cầu bên giao hàng hạ giá. Như vậy là anh đã triệt tiêu sản xuất xã hội. Trong khi các DN có các nguồn cung (đầu vào) khác nhau, tại sao Sở Công Thương lại ép các DN khác nhau bán chung một giá? giá là do thị trường điều chỉnh. Nếu cứ ép giá mua, giá bán là phi thị trường, không có tính dẫn dắt thị trường. Điều hành như vậy gây ra tình trạng xin- cho, bao cấp và mất sự cạnh tranh.
* Vậy theo ông, thành phố có nên tiếp tục chương trình bán hàng BÔG?
- Vì có quá nhiều tồn tại nên không nên kéo dài chương trình này. Tôi được biết, vừa rồi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã dừng chương trình này vì nó không đem lại hiệu quả.
Nếu muốn hạ nhiệt giá cả hoặc giúp người nghèo cải thiện bữa ăn trong cơn bão giá, thay vì bán hàng BÔG, thành phố nên chọn một trong hai cách làm thiết thực: Thứ nhất là phát tiền cho người nghèo hoặc phát phiếu mua hàng cho người nghèo ( tiền này trích từ tiền lãi suất 0% mà hiện nay thành phố đang tạm ứng cho các DN mua hàng tạm trữ để bán hàng BÔG). Siêu thị được tự do cạnh tranh, ai bán thấp, ai phục vụ tốt hơn thì tôi mua, hoạt động đúng theo cơ chế thị trường.
Cách thứ hai là cấp tiền từ quỹ BÔG cho người sản xuất, cho người chăn nuôi, cho các nhà máy…để từ đó người ta giao hàng cho các đại lý,cửa hàng, siêu thị (tất nhiên là có kiểm soát chặt chẽ giá từ khâu sản xuất đến khâu bán lẻ). Có nghĩa là việc BÔG sẽ tiến hành ngay từ trang trại, từ nhà máy chứ không phải là bình ổn cho khâu bán lẻ- bình ổn kiểu này là bình ổn ngọn chứ không phải là bình ổn từ gốc, và như vậy sẽ không có hiệu quả và rất dễ bị thất thoát. Nếu được đầu tư từ gốc thì người sản xuất rất phấn khởi, họ sẽ tăng tốc độ và mở rộng quy mô sản xuất, giúp cho giá cả trên thị trường dịu lại.
Vì hiện nay rất nhiều nông dân muốn mở rộng chăn nuôi lợn, gà nhưng không có tiền. Khan hàng thì chúng ta phải giải quyết từ nguồn cung chứ không phải giải quyết từ khâu bán lẻ. Theo tôi, giải pháp thứ hai này là toàn diện nhất, thúc đẩy sản xuất và có lợi cho xã hội.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên tham bình ổn nhiều mặt hàng mà chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội. Chẳng hạn như gạo, thịt lợn có vấn đề thì chúng ta tập trung vào hai mặt hàng này. Mặt khác, cũng chỉ có vài thời điểm trong năm là sốt giá, cho nên nếu rải đều ra cả năm để bình ổn giá là việc làm không hiệu quả.
Xin cảm ơn ông !
Vân Anh