Ngày 25/2, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Thông tư sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2010. Theo đó, về cơ bản Quy chế vẫn giữ như năm trước và bổ sung, sửa đổi một số điểm trong hội nghị thi và tuyển sinh 2010 đã bàn cho phù hợp với thực tế.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Giám thị trong phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường
Theo Thông tư sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp 2010, đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, không đáp ứng quy định thì Sở GD-ĐT lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ GD-ĐT bằng văn bản.
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo các bước sau: Bước 1. Xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên), thứ tự: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và môn thi thay thế.
Bước 2. Xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự A, B, C, ... của tên thí sinh.
Hội đồng coi thi điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc như: Phân công giám thị phòng thi đảm bảo khách quan, chặt chẽ, thực hiện nguyên tắc: hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi quá một môn đối với mỗi phòng thi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần.
Giám thị ngoài phòng thi: Theo dõi, giám sát thí sinh và giám thị trong phòng thi thực hiện Quy chế thi tại khu vực được Chủ tịch Hội đồng phân công; Thực hiện một số công việc cần thiết phục vụ nhiệm vụ coi thi do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Hội đồng coi thi, xem xét, quyết định hoặc đề nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với những người vi phạm Quy chế thi và các quy định về kỳ thi của các cấp quản lý giáo dục...
Chấm chung 15 bài thi để làm "mẫu"
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng coi thi: tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.
Bên cạnh đó, bộ phận làm phách phải giữ bí mật toàn bộ các nội dung liên quan đến phách của bài thi tự luận và thực hiện các nhiệm vụ sau: đánh số phách, cắt phách, niêm phong đầu phách trước khi giao bài cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi được Chủ tịch Hội đồng chấm thi ủy quyền...
Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, Tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của Tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất 2 giám khảo.
Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm.
Điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên mới được phúc khảo
Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên. Thí sinh phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi.
Sở GD-ĐT sở tại có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh mình toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm của thí sinh; chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh đã chấm bài tự luận toàn bộ danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi tự luận.
Điều chỉnh điểm của bài thi khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác. Kết luận điểm mới của bài thi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của Bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.
Đặc biệt, bãi bỏ khoản 2 Điều 10 và tất cả các nội dung liên quan đến Ban công tác cụm trường trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/4/2010.
Theo Dân trí