Bỏ lọt tội phạm vụ đánh người rạn sườn tại Quảng Ninh?

Trót để chó cắn người, chủ đảo Miều (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) đã bị 1 nhóm người kéo đến đánh rạn xương sườn rồi “dẫn giải” vào đất liền để viết giấy “chi trả tiền điều trị” cho người bị chó cắn. Mang dấu hiệu vụ “Cướp tài sản” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” nhưng vụ việc lại bị Công an huyện Hải Hà “đẩy” về … “giải quyết dân sự”

Trót để chó cắn người, chủ đảo Miều (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) đã bị 1 nhóm người kéo đến đánh rạn xương sườn rồi “dẫn giải” vào đất liền để viết giấy “chi trả tiền điều trị” cho người bị chó cắn. Mang dấu hiệu vụ “Cướp tài sản” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” nhưng vụ việc lại bị Công an huyện Hải Hà “đẩy” về … “giải quyết dân sự”

Ông An luôn khẳng định mình bị đánh bằng hung khí, gẫy xương sườn

“Nói chuyện” bằng đấm, đá và tuýt nước

Vụ việc xảy ra từ 6 tháng trước nhưng do bị ám ảnh bởi những lời đe doạ “lấy mạng”, ông Trần Đông An vẫn phải tá túc ở nhà họ hàng chứ không dám về nhà mình tại đảo Miều. Toàn bộ cơ ngơi, tải sản cùng hàng trăm ha rừng đến kỳ thu hoạch phải nhờ người trông hộ.

Nhớ lại những phút kinh hoàng, ông An kể: “Chiều 25/12/2011, có 1 tàu, 1 xuồng chở khoảng 10 thanh niên cầm dao, kiếm, tuýt nước…cập đảo. Thấy chuyện chẳng lành, tôi đã bỏ chạy  nhưng bị 3-4 người đuổi kịp và bắt lại dùng tuýp nước, sống dao, sống rìu đánh tới tấp.

Sau khi tịch thu điện thoại, chúng lôi tôi xuống xuồng và chở về đất liền (cách đảo khoảng 3 km). Tại đây, bọn chúng tiếp tục đe doạ và yêu cầu “muốn được yên ổn làm ăn, phải đưa 100 triệu”, rồi bắt tôi viết giấy với nội dung “tự nguyện chịu chi phí chữa trị cho người bị chó cắn”. Một lúc sau, công an xã và công an huyện đến thì tôi mới được giải thoát, được người nhà đưa đi viện”.

Thừa nhận việc ông An bị đánh rạn xương sườn vào chiều 25/12, Thượng tá Nguyễn Bá Trường- Phó trưởng Công an huyện Hải Hà- cho hay, “Đối tượng đánh ông An tên là Trịnh Văn Thế. Do vợ Thế bị chó nhà ông An cắn khi đi cào giun biển nên Thế cùng 1 số người đã  lên đảo “mời” ông An về đất liền giải quyết bồi thường. Tại đây, Thế đã đấm, đá ông An và đưa về đất liền.

Giám định cho thấy ông An  mất 10% sức khỏe (do rạn xương sườn số 7) nên chúng tôi không khởi tố vụ án hình sự vì thương tích chưa đến 11% và Thế không dùng hung khí nguy hiểm. Tuy đã  hướng dẫn ông An giải quyết về dân sự nhưng do yêu cầu của Công an tỉnh nên tới đây, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án để làm rõ thêm và cho bị hại đi giám định lại. Còn có khởi tố bị can hay không thì chưa biết…”.

Bỏ lọt tội phạm?

Ngoài ra, ông Trường còn cho biết: “Thế có cầm 2 đoạn ống tuýt sắt khi lên đảo” và “CQĐT chưa trưng cầu giám định cơ chế hình thành thương tích của ông An”. Vậy không hiểu dựa vào đâu mà ông Trường lại vội vàng khẳng định, “ông An bị Thế đá bằng giầy” trong khi bị hại khăng khăng “bị đánh bằng nhiều loại hung khí”.

Khi được hỏi: “Mục đích của nhóm Thế đánh ông An là gì?”,  ông Trường trả lời “cái này thì phóng viên không được hỏi và tôi cũng không thể trả lời được”. Tuy nhiên, trước đó ông Trường đã cho biết, “ông An bị đánh, tát và phải đi về đất liền cùng nhóm người của Thế. Vào hoàn cảnh đó, nếu ông này không đi thì cũng sợ chúng nó giã cho. Trong thâm tâm, nếu không muốn đi thì cũng bị nó ép”.

Như vậy, có thể thấy việc ông An phải lên xuồng, đi cùng nhóm người của Thế vào đất liền là bị cưỡng ép trái ý muốn? Đã vậy, khi được đưa về nhà Thế, ông An còn viết giấy “chịu chi phí thuốc men do để chó cắn người”.

Nếu không bị ép thì ông có tự nguyện viết giấy này? ông An khẳng định với phóng viên, “bọn chúng đưa giấy bút và đọc từng câu, từng chữ bắt tôi phải viết theo. Đang ở nhà Thế, lại có nhiều thanh niêm bặm trợn dùng dao, kíếm hăm doạ nên tôi buộc phải viết theo”.

Thế nhưng điều lạ lùng là, ngay tại hiện trường vụ việc, Công an xã và công an huyện lại chỉ lập biên bản về việc ông An để chó cắn người mà không hề đả động đến việc ông An bị đánh, bị ép đưa về đất liền viết giấy bồi thường. Tại sao lại có sự ưu ái này?

Trước vụ việc có dấu hiệu bất thường này, chúng tôi đã liên lạc để làm việc với đại diện VKSND huyện Hải Hà- Cơ quan có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của CQĐT đối với kiến nghị khởi vụ án. Rất tiếc,  ông Tống Văn Hiện- Viện trưởng VKSND huyện Hải Hà- chỉ trả lời ngắn gọn, “chúng tôi đã làm hết trách nhiệm là chuyển đơn của ông An sang CQĐT xem xét trả lời. Các anh xuống đây làm việc thì phải liên hệ với VKSND tỉnh!”.                                                     

Bình luận tội phạm trong vụ việc này, Luật sư Dương Kim Sơn- (Công ty Luật TNHH TGT và Cộng sự, Hà Nội) cho rằng, hành vi của Thế và một số người đi cùng trong vụ việc này đã mang dấu hiệu của “Tội cướp tài sản” bởi: Thế đã đã dùng vũ lực (đấm, đá, dùng tuýt sắt đe doạ…) nhằm làm cho ông An sợ sệt, không dám chống cự. Liền sau chuỗi hành vi này, Thế đã ép ông An phải viết giấy chịu chi phí thuốc men cho vợ mình. Tuy chưa rõ cụ thể số tiền là bao nhiêu những rõ ràng, Thế đã hướng tới việc chiếm đoạt 1 lợi ích vật chất nhất định.

Nhưng thưa Luật sư, nếu đúng là chó nhà ông An đã cắn vợ anh Thế thì sao?

- Nếu có chuyện chó cắn này mà các bên không hoà giải được thì gia đình anh Thế có thể đề nghị Toà án giải quyết việc bồi thường chứ không được phép hành hung rồi bắt ép ông An phải viết giấy bồi thường như vậy. Dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp dân sự như vậy là không được phép, là vi phạm pháp luật. 

Như vậy, CQĐT đã bỏ lọt tội phạm khi không khởi tố vụ án?

- Đúng vậy. Kể cả CQĐT có khởi tố vụ án “cố ý gây thương tich” thì cũng là bỏ lọt tội vì không đúng tội danh. Việc điều tra là chưa toàn diện bởi chưa trưng cầu cơ chế hình thành thương tích, chưa xác định Thế đá ông An bằng giầy gì mà rạn được cả xương sườn. Nếu đá bằng giầy cứng thì tôi cho rằng, phải coi chiếc giầy trong trường hợp này là “phương tiện nguy hiểm” chứ không thể đơn giản là “đánh bằng chân, tay” được.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, hành vi của Thế và một số người đi cùng còn mang dấu hiệu của tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” bởi ông An bị đánh, bị cưỡng ép đưa lên thuyền vào đất liền chứ không hề có sự tự nguyện ở đây.

Xin cảm ơn ông!

Khoa Lâm

Đọc thêm