Bộ mặt giao thông Lai Châu thay đổi nhờ Quỹ bảo trì đường bộ

(PLVN) - Để khắc phục việc xuống cấp của hệ thống mạng lưới đường bộ, tỉnh Lai Châu đã sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ hiệu quả, nâng cao khả năng khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông.

Bảo đảm an toàn cho giao thông

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, có 7 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 510km. Cùng với hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn tổng chiều dài gần 6000km, qua đó tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, mặc dù hệ thống mạng lưới đường bộ của tỉnh đã được đầu tư, nhưng quy mô chưa thực sự đồng bộ, khả năng khai thác còn hạn chế. Đặc biệt do địa hình bị chia cắt bởi nhiều đèo cao, vực sâu, trong mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, ách tắc, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tỉnh Lai Châu luôn chú trọng nâng cấp, cải tạo, cứng hóa các tuyến đường đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi và an toàn.

Việc kịp thời thực hiện bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ đã góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ và khả năng khai thác của các tuyến đường. Đến hết năm 2019, 100% xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu có đường ô tô mặt đường được cứng hóa, 91,4% bản có đường xe máy ô tô đi lại thuận lợi.

Khắc phục hậu quả mưa, lũ trên tuyến đường Mường Tè - Tà Tổng, huyện Mường Tè.
Khắc phục hậu quả mưa, lũ trên tuyến đường Mường Tè - Tà Tổng, huyện Mường Tè. 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, Phạm Ngọc Phương cho biết, Sở được giao trực tiếp quản lý, bảo trì 510km của 7 tuyến quốc lộ và 725km của 16 tuyến đường địa phương. Trong những năm qua, công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các vị trí hư hỏng, xuống cấp trên các tuyến đường trục chính, huyết mạch được sửa chữa kịp thời, với giải pháp đồng bộ về quy mô, kết cấu nhằm đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao khả năng khai thác một cách rõ rệt, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.

Từ nguồn vốn bảo trì đường bộ, hàng năm, Sở Giao thông vận tải Lai Châu rà soát sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao, tổ chức triển khai thi công các công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của Sở qua các giai đoạn đều đã được thanh kiểm tra đảm bảo theo quy định.

Thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua hệ thống mạng quốc gia để lựa chọn nhà thầu.

Năm 2019, số lượng gói thầu xây lắp đấu thầu qua hệ thống mạng quốc gia chiếm 80%, giúp cho các nhà thầu trên cả nước đó điều kiện dễ dàng tiếp cận. Việc đăng tải kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các bước đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu đều được thực hiện thông qua môi trường mạng đảm bảo minh bạch. Các nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, máy móc thiết bị, nhân sự và kinh nghiệm thi công trong cả nước đều có thể tham gia dự thầu.

Minh bạch nghiêm ngặt lựa chọn nhà thầu

Qua công tác đấu thầu công khai, minh bạch đã lựa chọn được các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, công tác đấu thầu các gói thầu thuộc nguồn vốn bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải Lai Châu đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Gói thầu có hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường được triển khai trên Quốc lộ 4D địa phận Lai Châu.
Gói thầu có hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường được triển khai trên Quốc lộ 4D địa phận Lai Châu. 

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông và các điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, các gói thầu trong lĩnh vực bảo trì đường bộ có quy mô sửa chữa nhỏ và vừa được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng không thu hút được các nhà thầu trong cả nước quan tâm.

Đặc biệt, đối với các gói thầu có hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường, do việc lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa để phục vụ thi công đòi hỏi nhiều điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, mất nhiều thời gian và chi phí.

Trường hợp sử dụng phương án vận chuyển bê tông nhựa từ trạm trộn của các tỉnh lân cận đều không khả thi vì cự ly vận chuyển rất xa, bê tông nhựa không đảm bảo nhiệt độ, chi phí vận chuyển lớn nên hầu hết các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tại địa phương tham gia dự thầu.

Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chỉ có 1 trạm trộn bê tông nhựa của Công ty TNHH số 10 Lai Châu còn hoạt động. Với điều kiện chủ động về trạm trộn bê tông nhựa, nhà thầu đã tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu có hạng mục thảm bê tông nhựa do Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư cũng như của các chủ đầu tư khác trên địa bàn tỉnh.

Việc trúng thầu các gói thầu là đúng luật và hoàn toàn khách quan với điều kiện kỹ thuật thi công của các gói thầu. Các gói thầu do Công ty đảm nhận thi công đều đảm bảo chất lượng, tiến độ gói thầu đề ra.

Có thể khẳng định, nguồn vốn bảo trì đường bộ đã tạo sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt giao thông trong tỉnh miền núi, biên giới Lai Châu. Hiệu quả của công tác bảo trì tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn, nhất là trong việc tăng khả năng an toàn, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.

Đọc thêm