Bộ mặt thật của những "ân nhân" sống bám trẻ thơ

Đánh đổi lại số tiền các em kiếm được nhờ lòng trắc ẩn của người đời là tuổi thơ bị đánh cắp trên đường phố, những tháng ngày tủi cực với biết bao cạm bẫy. Trong số những kẻ “chăn dắt” trẻ em, có những người chính là cha mẹ ruột đã sinh thành nên chúng…
Đánh đổi lại số tiền các em kiếm được nhờ lòng trắc ẩn của người đời là tuổi thơ bị đánh cắp trên đường phố, những tháng ngày tủi cực và biết bao cạm bẫy cuộc đời. Đau xót hơn, trong số những kẻ “chăn dắt” trẻ em kia, lại có những người chính là cha mẹ ruột đã sinh thành nên chúng…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngày tàn đêm xuống, khi những ánh đèn đường bật sáng cũng là lúc các em bắt đầu cuộc mưu sinh. Những đứa trẻ ôm những bó hoa to, kèm theo vài chục cây chewinggum hoặc một xấp vé số, cùng giành nhau từng vỉa hè góc phố… Thường thì chúng sẽ đeo bám khách ở các quán café khu vực hồ Con Rùa hoặc các quán nhậu ở quận 3, xa xa phía sau là các “bà mẹ”, “ông bố” hoặc những kẻ chăn dắt đang ngồi chơi xơi nước và theo dõi hành động của các em. Nếu đứa trẻ nào mời chào kém nhiệt tình hoặc không bán được thì sẽ được “nhắc nhở” bằng những trận roi đòn tàn bạo…

Công cụ kiếm tiền ở gia đình

Một bác xe ôm đậu ngay khu vực hồ Con Rùa cho biết: “Một đêm mỗi đứa phải bán khoảng 30 cành hồng, giá từ 10 - 50 ngàn đồng/ cành tùy độ sang hoặc lòng hảo tâm của khách. Bình quân mỗi trẻ mang về cho bọn kia từ 300.000 - 500.000 đồng sau đêm trường mưu sinh, nếu không đạt được số lượng trên thì ăn roi là chắc…”. Theo bác, rất khó tiếp xúc được với các em đó vì bọn chăn dắt dặn dò rất kỹ: không trò chuyện với những người khách hỏi về hoàn cảnh. Nếu khách hỏi quá thì cứ nói nhà nghèo, ham học, kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sách vở…

8h tối, tôi quyết định bám theo 2 đứa trẻ nhỏ mà bác xe ôm cho biết đó là “chị em ruột”. Một trong hai đứa là cô bé 8 tuổi tên Thương, chuyên bán hoa ở hồ Con Rùa. Sau một hồi hỏi han, tôi phải mua 5 cây chewinggum mới thuyết phục được cô bé cho biết về hoàn cảnh của mình. Vừa nói, nó vừa lấm lét quan sát xung quanh xem “mẹ” có nhìn  theo hay không rồi mới cho tôi biết, hiện em đang học 2 trường tình thương ở quận Tân Bình. Mỗi ngày em bán được khoảng 40 bông hồng với giá 10.000 đồng môt bông và 20 cây kẹo chewinggum giá 5000 đồng/cây. Còn em gái của Thương tên Tâm, năm nay mới bốn tuổi nhưng đã đi theo để bán vé số. Vừa nói dứt lời, Thương kêu em gái lại đưa sấp vé số mời tôi mua giúp. Khi tôi cầm sấp vé số và hỏi “hôm nay con bán được bao nhiêu tờ” thì bé Tâm òa khóc: “Con hôm nay bị bệnh, uống thuốc vào giờ con buồn ngủ quá và mệt quá…”. Hỏi “Bệnh thế sao con không nghỉ ở nhà”. Bé Tâm liền nói: “Dạ ở nhà mẹ đánh đòn, chú ơi mua giúp con đi còn có năm mười tờ thôi, con cố gắng bán hết mẹ mới cho về”.

Hỏi thăm hai đứa trẻ “mẹ” ở nhà làm gì, bé Thanh cho biết mẹ em buổi sáng ở nhà ngồi chơi đánh bài với các cô ở hàng xóm, buổi tối thì chở các em ra hồ con rùa bán, đúng 22h các em đến Nhà Thờ Đức Bà đợi “mẹ” tới rước, tiếp đó chở ra các quán nhậu ở khu vực đường Hai Bà Trưng để bán cho khách ngồi nhậu tại đó. Sau đó, khoảng 2 giờ, các em được chở về một con hẻm cặp theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gần cầu Lê Văn Sỹ, Q.3).

Sương đêm mỗi lúc một lạnh, đi theo bước chân bé bỏng, nhỏ nhoi của những trẻ bán hoa trong đêm, tôi không ít lần nhói lòng khi thấy những mảnh đời đáng thương như của bé Tâm ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà bị người ta đang tâm “quăng” ra đường như một thứ công cụ kiếm tiền nuôi những kẻ vô lương tâm, chờ những đồng xu nhỏ bé mang về…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bộ mặt thật của những “ân nhân”

Hiện nay, tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị lợi dụng, “chăn dắt” ngày một nhiều. Những đứa trẻ này thường xuất thân ở các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bị những kẻ vô lương tâm lường gạt đưa vào TP. Hồ Chí Minh làm việc, kiếm tiền. Hình ảnh không hiếm thấy trên đường phố là những đứa trẻ 6 -7 tuổi lang thang trong mưa nắng ở những góc ngã tư đường, hay trên tay bế những bé chỉ vài tháng tuổi đang há miệng ngủ vật vạ.  Đám “cái bang” nhí này bị đưa đi ăn xin ở khắp các nẻo đường Tp. Hồ Chí Minh, được hưởng với mức “lương” 300.000đ/ 1tháng. Còn những kẻ chăn đắt bình quân 1 ngày kiếm được khoảng từ 300 - 600.000 đ thì thản nhiên ngồi phè phỡn ăn nhậu, rồi bàn luận số đề hay đánh bài…

Tôi có dịp trò chuyện với bé trai tên Thắng 10 tuổi, hằng đêm đi xin ăn ở khu vực quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7). Thắng cho biết, quê ở Nghệ An, mẹ bệnh mất sớm từ lúc hai tuổi. Nhà có bốn chị em, thu nhập hàng ngày trông vào hai công đất trồng sắn và công việc phụ hồ hàng ngày của ba. “Khoảng giữa năm 2010, bác Tám người hàng xóm ở quê có về chơi, nói với ba con rằng hiện đang làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, thấy gia đình khó khăn nên đưa trước 3 triệu để cho con vào theo phụ việc bán hàng, đồng thời cho đi ăn học đến nơi đến chốn. Khi vào tới nơi, lúc đầu bác Tám bắt con đi bán vé số, sau đó bắt con đi ăn xin. Bác Tám nói mỗi ngày con kiếm tiền được 200.000đ bác sẽ để dành 10.000đ để gửi về quê cho ba con, còn nếu không có được số tiền đó chỉ cho con ăn cơm thôi. Mỗi lần ba con gọi điện thoại gọi vào hỏi thăm con, nhiều lần con muốn nói lắm nhưng sợ bị bác Tám đánh đòn. Ba con thường hay nói nhớ ngoan, làm cho tốt, phải nghe lời “ân nhân” nha… nên con đành phải im lặng luôn”.

Thắng cho biết thêm, hiện “ân nhân” của em đang nuôi tới 10 đứa trẻ từ 2 tuổi - 15 tuổi. Cuộc sống các em ở trong ngôi nhà đó rất chật chội, bẩn thỉu, ngột ngạt, hôi hám, lại còn bị kiểm tra gắt gao. Tất cả đều phải theo giờ giấc đã quy định sẵn. Sáng đi ăn xin từ 5h sáng đến 12h trưa về ăn cơm, chiều từ 3giờ đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, đứa lớn bế đứa nhỏ 1 -2 tuổi đi theo… Mỗi đứa một “ngành nghề”: bán vé số, ăn xin, đánh giầy… ngày nào các em về tới nhà đều như cọng bún thiu, thân hình gầy mòn đen đúa và buồn ngủ ghê gớm…

Sau câu chuyện, Thắng chợt hỏi tôi một điều mà tôi không cầm lòng được. Nó nói “Chú mua cho con 2 cái bánh nha, tụi con chia nhau. Chú đừng cho con tiền, con không giữ được, cứ đúng 1 tiếng là bác Tám cho người đi thu rồi”.

Nhìn những gương mặt nhăn nheo đen đúa, sớm già của bọn trẻ…, tôi không dám thêm chuyện học hành, trường lớp, sợ chạm đến nỗi buồn thơ dại. Dù vậy tôi cũng đoán được câu trả lời. Những ánh mắt vẫn còn trong trẻo nhưng đã vương nét u uẩn của chúng như những dấu hỏi xoáy lòng, biết bao giờ chúng lại được sống thực một tuổi thơ đầm ấm như muôn vàn đứa trẻ ngây thơ khác?.
“Theo điều 110 Bộ Luật hình sự quy định, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Đối với những người lợi dụng, bóc lột sức lao động người khác vẫn bị đưa vào tội hành hạ, ngược đãi dù không dùng vũ lực gây thương tích. Nếu phạm tội đối với trẻ em thì đó là tình tiết tăng nặng bị phạt tù từ một đến ba năm. Riêng đối với những người biết các em bị hành hạ, bóc lột sức lao động mà vẫn tiếp tay. Nếu có đủ chứng cứ chứng minh hành vi này thì bị khép vào tội đồng phạm và cũng sẽ bị xử lý, dù đó là cha, mẹ các em cũng không ngoại lệ”.
Hùng Sơn

Đọc thêm