Tòa tuyên, mẹ được nuôi con trai (7 tuổi), cha có trách nhiệm cấp dưỡng. Vài tháng sau, cha “xin” mẹ đưa con về quê rồi không trả và kiện mẹ ra tòa “đòi” quyền nuôi con…
Mẹ mất con!
Tháng 2/2011, TAND Quận 11 chấp thuận cho chị Nguyễn Thị Quế Anh (SN 1972) và anh Nguyễn Hoài Nam (SN 1973, cùng ngụ đường Lê Đại Hành, phường 11, quận 11, TP.HCM thuận tình ly hôn. Về tài sản, vợ chồng tự giải quyết. Riêng về đứa con chung, Tòa phán giao đứa trẻ sinh năm 2004 cho chị Quế Anh trực tiếp nuôi dưỡng, anh Nam có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 2 triệu đồng/tháng. Vì quyền lợi và quá yêu thương con, chị Quế Anh đã tạo điều kiện cho anh Nam được thăm, chăm sóc và giáo dục con.
Chị trình bày: “Chồng cũ của tôi thường xuyên đến nhà chơi với con, tôi đều tạo điều kiện, không gây bất kỳ khó dễ gì khi cha con gặp nhau”. Hè vừa qua, anh Nam xin phép cho con trai về quê thăm ông bà nội ở Quy Nhơn, Bình Định. Chị đồng ý với điều kiện anh Nam phải cho con vào đúng hẹn để cháu kịp khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, anh Nam không thực hiện cam kết. Nhiều lần chị Anh gọi điện nhắc nhở giao lại con nhưng anh Nam đều phớt lờ.
Đến giữa tháng 8/2011, khi đến trường làm thủ tục nhập học cho con chị Quế Anh mới phát hiện hồ sơ của con đã bị anh Nam rút từ trước đó mà không có sự đồng ý của chị. Hoang mang, chị Quế Anh ra Quy Nhơn đề nghị gia đình chồng cũ trả lại con. Ngày 18/8, chị nhờ các cơ quan chức năng địa phương như Công an phường Gềnh Ráng, TP.Quy Nhơn – nơi gia đình anh Nam ở, Công an TP.Quy Nhơn, các tổ chức đoàn thể tại địa phương vận động nhưng gia đình chồng cũ vẫn không chịu trả con.
Chị Anh kể, suốt 14 ngày ở lại đây, chị ngược xuôi không biết bao nhiêu lần nhưng quyền lợi chính đáng của chị vẫn chưa được giải quyết. Mới đây (cuối tháng 9/2011), chị Quế Anh một lần nữa ra Quy Nhơn làm đơn tố cáo anh Nam về anh vi “chiếm đoạt trẻ em”, nhưng sự việc không được giải quyết. Bức xúc, chị vào TP.HCM gửi đơn cho các cơ quan chức năng tại TP.HCM, nơi công tác của anh Nam để nhờ can thiệp.
Có hành vi không chấp hành án?
Về vụ việc này, bản thân anh Nam cũng thừa nhận việc làm của mình không đúng theo quy định của pháp luật, nhưng anh giải thích là do quá thương con; còn chị Anh thì không thực hiện tốt trách nhiệm của một người mẹ. “Khi đưa cháu về Quy Nhơn chơi với ông bà nội một thời gian thì cháu không muốn vào lại TP.HCM nữa vì ở ngoài này vui hơn, được ông bà, họ hàng chăm sóc tốt hơn khi ở với mẹ” - anh Nam nói.
Cũng theo anh Nam, anh từng chấp nhận giao lại con khi chị Quế Anh ra Quy Nhơn lần đầu tiên. “Tuy nhiên con tôi không chịu theo mẹ thì tôi biết làm sao, trên cương vị một người làm cha tôi cũng không muốn rời xa con mình, chẳng lẽ bắt tôi phải đẩy cháu đi à?. Hiện tôi đã nộp đơn lên TAND Q.11 xin thay đổi quyền nuôi con và hồ sơ của anh đã được Tòa án Q.11 thụ lý”, anh Nam nói.
Về phần mình, chị Quế Anh cho rằng anh Nam nói như thế là không đúng sự thật, tất cả những việc trên và cả thái độ của cháu không muốn về TP.HCM là do bên chồng chị đạo diễn, ép cháu. “Khi tôi ra Quy nhơn, vào nhà chồng cũ gặp con trai thì cháu nói “Bà này không phải mẹ con”, tôi thật sự bị sốc, không biết ai đã gieo vào đầu đứa trẻ để nó nói những câu nói này”, chị Quế Anh nói.
Liên quan đến vấn đề này, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Vụ kiện ly hôn của bà Quế Anh và ông Nam đã được TAND Q.11 giải quyết bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, như vậy bản án này đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải căn cứ quyết định này thi hành. Việc ông Nam tự ý bắt con đưa về cho bên nội nuôi dưỡng là trái với các quy định của pháp luật. Chị Quế Anh phải làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Cơ quan Thi hành án Dân sự Q.11, theo đó Chấp hành viên sẽ ra quyết định buộc ông Nam phải có nghĩa vụ giao cháu bé cho chị Quế Anh tiếp tục nuôi dưỡng theo quyết định thuận tình ly hôn.
Trước khi tổ chức cưỡng chế giao con, Chấp hành viên sẽ phối hợp cùng với chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tại địa phương đó thuyết phục người phải thi hành án hoặc người trông giữ cháu bé tự nguyện thi hành án, nếu họ vẫn chống đối không giao cho trẻ cho cho người được nuôi dưỡng thì lúc này chấp hành viên ra quyết định phạt tiền và ấn định trong vòng 5 ngày phải giao cháu bé cho người được nuôi dưỡng. Hết thời hạn ấn định mà người đó không thực hiện chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao trẻ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự vệ tội “Không chấp hành án” theo điều 304 Bộ luật Hình sự. |
Nhóm PVPĐ