Hồi mới sinh, bé Cún ăn rất ngoan, ngủ dậy là ăn, ăn no lại nằm ve vẩy chơi một mình, nhưng giờ, gần 2 tuổi, bé chẳng chịu ăn, dụ khị kiểu gì, con vẫn cứ mím chặt môi, quay ngoắt mặt đi.
Chỉ về nhà sau giờ ăn của con
Mỗi lần cho con ăn là cả một cực hình với bố mẹ Cún. Ngày nghỉ thì thôi khỏi phải bàn, anh chị hết giả vờ làm khỉ “khẹc khẹc” đến lợn kêu “éc éc”, ngày thường, vợ chồng chị Nguyên (Hàng Hành, Hà Nội) quyết tâm “bận” tới hết giờ cháo chiều của con, lúc ấy anh chị mới thủng thẳng về nhà. Giao toàn tâm toàn ý việc con ăn cho ông bà.
Chị tâm sự: “Dù công việc áp lực tới đâu, mệt mỏi tới cỡ nào tôi cũng chịu đựng được tất và việc đó nhàn hơn rất nhiều lần việc cho Cún ăn”.
Chẳng nói đâu xa, cứ cuối tuần chị lại ngồi túc trực bên… chậu nước của Cún. Cún chỉ thích vừa ăn vừa vầy nước, nếu lần nào thiếu "dụng cụ" này thì y như rằng nàng ta sẽ gắt gỏng, đá thúng đụng nia và nhất quyết không ăn cháo.
Thế là ngày nào, bữa cháo nào, cả nhà cũng bố trí Cún ngồi cạnh chậu nước với xâm xấp nước.
Vậy là coi như Cún sẽ ăn ngoan cả nửa bát đầu nhưng tới nửa bát còn lại, nhà anh chị náo nhiệt hẳn lên, cô nàng Cún bắt đầu mím chặt môi và không chịu ăn. Lúc này lại cần đến sự biến hóa tài tình của cả nhà.
Ảnh minh họa |
“Nhà mình lúc đó như biến thành sở thú vậy: ông thì làm khỉ kêu khẹc khẹc, bà thì làm con gà ó o, bố thì làm ngựa hí, nhìn thấy cả nhà như vậy, Cún thích lắm, cười lăn cười bò. Phải canh chừng nó hở miệng ra lúc nào là mình phải nhanh tay đút cháo vào miếng đó. Tóm lại, cứ sau mỗi bữa ăn của con, cả nhà được phen mệt lử thu dọn chiến trường”, chị nói.
Chị rất biết cả 4 người lớn kết hợp còn mệt huống hồ chi hai ông bà già tuy nhiên, chị vẫn “trốn được lúc nào thì trốn” vì cứ mỗi lần cho con ăn xong là chị mệt mỏi, chẳng còn sức cho ngày làm việc hôm sau.
Sự việc tương tự với bé nhà chị Lan (Quận 3, TP HCM). Tũn lười ăn ngay từ nhỏ lại thêm tính nhút nhát, cứ người lạ xuất hiện là bé lại nức nở, giấu mặt sau lưng bố mẹ. Đau đầu nhất vẫn là chuyện cho ăn, bao nhiêu ngón nghề được cả gia đình chị tung ra để mong con ăn được thìa cháo.
Biết bao lần chị tự hỏi sao con nhà người ta ăn ngoan như thế trong khi Tũn lại ăn uống khó khăn đến vậy. Thế là khi con được 17 tháng tuổi, chị cho bé đi học. Điều tuyệt vời đã xảy ra khi đến trường, bé ăn thun thút, nhìn cô đút thìa nào, bé ăn thìa đó khiến chị rung rinh, phấn khởi hẳn lên.
Cứ tưởng được vào kỷ luật con sẽ ngoan, cứ nếp đó mà làm, ai dè ở lớp thì con ngoan nhưng về nhà, con lại làm nũng, bắt bố mẹ phải cho chạy rong khắp từ đầu ngõ tới cuối xóm mới chịu mở miệng.
Bí quá, ngay hôm sau, đích thân cô giáo được chị mời về nhà cho bé vào khuôn khổ. Cứ chiều chị lại qua trường đón hai cô cháu cùng cặp lồng cháo về nhà. Tại đây, cô giáo cũng phân tích rằng, do bố mẹ cho bé ăn dày bữa và quá cưng chiều nên bé “được nước lấn tới”.
"Thẳng tay" cho nhịn, con khắc vào nếp
Chị Yến (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) – bà mẹ của hai nhóc tì chia sẻ: “Để giúp bé ngon miệng, bố mẹ cần phải có cách. Bé mím chặt môi chẳng qua là bé chưa thực sự đói. Cha mẹ nên luyện ‘thần kinh thép’ mà bỏ rơi bé, không ép bé ăn, chắc chắn bé sẽ được khơi lại niềm hứng thú trong ăn uống. Làm vậy bé thích mà mẹ cũng sẽ nhàn”.
Thực ra trước đây chị Yến cũng từng là “nạn nhân” mỗi khi cho con ăn. Con cũng lười ăn lắm và con còn "láu" tới mức nó biết thỏa hiệp với mẹ "con ăn một miếng, được quết son của mẹ lên tường”.
Thế nhưng, chị nhận ra càng chiều, con càng nghịch ngợm, lười ăn vẫn lười. Bằng chứng là chị đã bị tiêu tốn đi vài thỏi son cho trò chơi của con mà con vẫn không chịu thay đổi. Thế là chị áp dụng chiêu thức: Cho nhịn cho tới khi thấy đói. Chị cho biết "thế mà hiệu quả gớm", giờ cu cậu ăn thun thút.
Ngoài ra chị cũng chia sẻ thêm rằng, cha mẹ nên đầu tư nhiều vào bữa ăn cho con: thay đổi món, đa dạng thức ăn, màu sắc... kết hợp với việc kể cho con nghe những câu truyện về tấm gương nghe lời cha mẹ... Như vậy sẽ kích thích bé ăn ngon miệng và có động lực trong quá trình ăn uống.
Theo Afamily/Gia đình