"Bó tay" nhìn sữa tăng giá

Một số sản phẩm sữa tăng giá trên thị trường đang khiến không ít gia đình lo lắng cho việc chi tiêu trong thời gian tới. Bản thân chính những đại lý cũng lo ngại  giá sữa tăng  ảnh hưởng  tới việc kinh doanh sữa do sức mua giảm mạnh.

Một số sản phẩm sữa tăng giá trên thị trường đang khiến không ít gia đình lo lắng cho việc chi tiêu trong thời gian tới.

Chủ của nhiều cửa hàng tạp hóa cho biết, hiện nay trên thị trường sữa đã có sự tăng giá một cách đáng kể của một số các Công ty sữa. Trong đó, giá sản phẩm của Công ty sữa Vinamil tăng thêm từ 5% đến 7%. Các loại sữa ngoại của hãng Mead Johnson có mức tăng cao nhất từ 18% đến 19%, sữa XO của Hàn Quốc có giá trung bình từ 195.000đ đến 400.000đ một hộp, Abbott tăng 9% đối với tất cả các dòng sản phẩm …

Nhiều gia đình đang nghĩ tới việc phải chi tiêu theo kiểu "thắt lưng buộc bụng" để vẫn duy trì được việc sử dụng sữa của con nhỏ khi biết tin một số sản phẩm sữa đã tăng giá

Ảnh hưởng lớn tới chi tiêu từng gia đình

Việc tăng giá của các sản phẩm sữa ngay từ đầu năm làm nhiều người tiêu dùng cảm thấy rất bất ngờ bởi như vậy sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền không nhỏ để có thể sử dụng các sản phẩm sữa. Do sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vì thế việc tăng giá sữa làm ảnh hưởng không nhỏ đến mức chi tiêu của nhiều gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh việc tăng giá ngay cả các mặt hàng sữa chua, sức tươi đóng vỉ.

Anh Trần Chiến Thắng đang tìm hiểu giá sữa tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, được biết thông tin giá sữa lên, muốn đi tìm hiểu và nếu còn kịp thì mua luôn mấy hộp sữa cho con ở nhà trước thời điểm tăng giá. Anh Thắng nói, “giá sữa tăng quá nhanh làm tôi cũng không kịp chuẩn bị mua tích trữ cho cháu ở nhà. Thậm chí, ngay cả các loại sữa tươi, sữa chua đóng vỉ cũng đã tăng thêm vài nghìn.”

Sữa tươi Vinamilk một vỉ 4 hộp trước đây có giá 24.000đ nay đã tăng 2.000đ/một vỉ. Sữa chua vỉ 4 hộp hiện có bán là 19.000đ/ một vỉ, trước đây là 17.000đ/một vỉ. “Qua tham khảo, tôi thấy giá một số sản phẩm sữa tăng khiến mình cũng cảm thấy lo cho chi tiêu của gia đình trong thời gian tới. Bởi rất khó có thể thay sữa bằng một thứ gì khác cho cháu, chắc xắp tới tôi phải tính toán thật kỹ và giảm bớt chi phí cho các khoản khác để mua sữa cho cháu.” Anh Thắng vui vẻ chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm như anh Thắng, chị Nguyễn Thị Bích Đào ở Thái Hà (Hà Nội) cho biết, việc tăng giá sữa hay như các mặt hàng khác thì trước sau gì cũng phải tăng, nhưng các nhà sản xuất cũng nên nghĩ tới người tiêu dùng. Nên tăng giá ở mức hợp lý và không nên tăng cao quá… “Tôi cảm thấy như mức tăng giá này là quá cao so với những người có mức thu nhập trung bình như gia đình tôi.”

Mặt hàng sữa cũng nhiều lần tăng giá, “mỗi lần tăng tôi lại phải chọn các loại sữa khác và tập cho cháu ở nhà hợp dần với loại sữa mới để phù hợp với túi tiền, bởi thu nhập của mình thì vẫn vậy. Trong khi đó, giá vẫn cứ tăng, như vậy thì mọi chi phí trong gia đình cũng sẽ tốn hơn.” Chị Đào nói với vẻ lo âu.

Chị Đào cũng chia sẻ thêm, “nhà có người cao tuổi cùng hai cháu nhỏ, có lẽ xắp tới tôi lại phải tập cho cháu quen dần với loại sữa khác ở mức chi phí thấp hơn. Việc tăng giá sữa làm ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu của cả gia đình. Khi sữa tăng giá thì có nghĩa tôi sẽ phải mất chi phí nhiều hơn, như vậy tôi buộc phải “thắt lưng buộc bụng” và giảm chi phí cho những sinh hoạt khác.”

Khó khăn đến với các đại

Tuy nhiên, theo như chủ của nhiều cửa hàng tạp hóa thì một số hãng sữa nội như Ba vì, Cô gái Hà Lan…cùng một số hãng sữa ngoại hiện chưa có một thông báo chính thức gì về việc điều chỉnh giá bán, nhưng những nhãn hàng này cũng có vẻ đang rục rịch chuẩn bị tăng giá. Các chủ cửa hàng tạp hóa này cũng cho biết, giá sữa tăng còn ảnh hưởng rất nhiều tới việc kinh doanh sữa do sức mua giảm mạnh.

Bà Trần Thị Nụ, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, việc lên giá sữa lần này làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh số kinh doanh. “Do thời gian qua, cửa hàng tập trung nhập các mặt hàng tiêu thụ Tết Nguyên đán. Tính ra Tết sẽ tập trung cho mặt hàng sữa để lấy lại doanh số cũng như khách hàng, vậy mà giờ các Công ty sữa lại tăng giá như vậy. Mấy ngày này, khách mua sữa rất ít, hầu như qua hỏi giá rồi họ bỏ đi luôn.” Bà Nụ chia sẻ thêm.

Theo như chủ của các cửa hàng tạp hóa thì việc mỗi lần các Công ty sản xuất sữa tăng giá không chỉ ảnh hưởng tới doanh số bán hàng mà việc giải thích cho khách hàng cũng là một vấn đề hết sức khó khăn.

Nếu không giải thích khéo sẽ rất có thể làm mất khách hàng, vì khách hàng sẽ nhầm tưởng đại lý vì lợi nhuận mà lợi dụng việc tăng giá của các mặt hàng sau Tết Nguyên đán để tăng giá sữa theo. Bà Lê Mỹ Dung, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy_Hà Nội) nói. Bà Dung chia sẻ thêm, “điều này khiến không ít khách hàng quen bỏ đại lý mà tìm tới nơi khác. Trong khi đó, với những đại lý như chúng tôi thì việc tìm kiếm khách quen cũng như doanh thu từ những khách hàng này mang lại là rất quan trọng.”

Trước đó, lý do tăng giá sữa ngay từ đầu năm được các nhà sản xuất đưa ra là để bù đắp một phần chi phí cho sản xuất năm 2012, nâng cao sức cạnh tranh hay vẫn là những lý do như giá nhiên liệu tăng, thay đổi bao bì, sữa có thêm thành phần mới,… Có thể nói, đây là những lý do đã trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng.

Cùng với việc tăng giá gas ngay từ đầu năm, hay như giá lương thực, thực phẩm còn chưa ổn định sau Tết, giá các dịch vụ phục vụ nhu cầu liên tục tăng cao như hiện nay thì việc tăng giá sữa của các nhà sản suất cũng đã tác động trực tiếp một phần không nhỏ tới đời sống của người tiêu dùng, nhất là với những người có mức thu nhập trụng bình.Trong khi đó, sữa luôn được coi là một mặt hàng thiết yếu và để sử dụng sữa thì người tiêu dùng vẫn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ hàng ngày.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc lợi dụng tăng giá một số mặt hàng nhằm “tát nước theo mưa” cố gắng đẩy giá những mặt hàng thiết yếu lên cao của một số doanh nghiệp đang gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các ban, các ngành… cần "vào cuộc" để bình ổn giá đối với mặt hàng sữa, mặt hàng vốn được coi là thiết yếu của người dân.

Nguyễn Thọ

Đọc thêm