Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Khó có chuyện ’lobby’ chính sách”

Trả lời câu hỏi về có hay không hiện tượng tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng “quy trình xây dựng văn bản rất chặt chẽ, đầy đủ qua nhiều tầng nấc... nên rất khó có tình trạng 'lobby' (vận động hành lang - PV), tham nhũng”. Phần trả lời chất vấn ĐBQH của Bộ trưởng Tư pháp sáng nay được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá chung là thẳng thắn và cởi mở.

[links()]Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm, như: tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chất lượng một số văn bản còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, còn hiện tượng đưa vào rút ra khỏi chương trình một cách dễ dãi... Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong những vấn đề này.

Giảm luật khung, luật ống

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) và  ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cho việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm chưa nghiêm, còn hiện tượng dễ dãi trong đưa vào rút ra khỏi chương trình, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn cũng như việc kiểm tra văn bản còn hạn chế, trong đó nhiều văn bản chỉ phát hiện sai trái khi báo chí lên tiếng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận, bên cạnh những chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, kiểm tra văn bản thì vẫn còn một số dự án chưa đúng tiến độ, chất lượng 1 số dự án còn hạn chế. Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ quan như có dự án đi vào lĩnh vực chuyên sâu nên rất khó, sự phối kết hợp từ ban đầu có dự luật chưa đầy đủ, nhiều vấn đề sửa đổi bổ sung phải chờ tổng kết, thí điểm, hoặc đàm phán những hiệp định lớn. Còn khách quan cũng do tình hình kinh tế, xã hội khó khăn, các Bộ, ngành tập trung cao để đạt mục tiêu tổng quát, nên việc dành thời gian cho xây dựng thể chế cũng có hạn chế nhất định; việc kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế một số Bộ ngành chưa thực hiện nghiêm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XIII và 03 Chương trình hằng năm (2012, 2013, 2014). Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII (sau khi điều chỉnh, bổ sung) gồm 144 dự án, trong đó Chính phủ được giao trình 133 dự án (chiếm tỷ lệ 92,36%).

Riêng với công tác kiểm tra văn bản, Bộ trưởng cho biết, việc gửi văn bản về Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) nhiều khi còn chậm, chưa đảm bảo đúng thời gian theo quy định. “Việc kiểm tra VB được tiến hành thường xuyên chứ không hoàn toàn chỉ kiểm tra những vấn đề báo chí nêu, chúng tôi kiểm tra không chỉ ở Bộ Tư pháp mà cấp tỉnh, huyện cũng tập trung kiểm tra sâu vào những lĩnh vực bức xúc, được người dân quan tâm”, Bộ trưởng nói.

Trước hiện tượng "đưa vào rút ra được coi là “dễ dãi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột: “Đề nghị Bộ trưởng đánh giá cụ thể xem chương trình xây dựng pháp luật mà cứ phải sửa đi sửa lại, đưa vào rút ra như thế thì tốt hay dở?. Kỳ nào cũng sửa, đưa vào hay rút ra thì đều có lý do cả, nghe rất có lý, nhưng như thế thì công tác chuẩn bị chương trình đã tốt chưa”?.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có những dự án được bổ sung theo yêu cầu của Bộ Chính trị, có những dự án cần thiết bổ sung phúc đáp những vấn đề KTXH, của thực tiễn đời sống. Bộ trưởng nhìn nhận “Chất lượng văn bản đã ngày càng tốt hơn, những vi phạm lớn những năm trước đã không còn”. Bộ trưởng cũng hứa “sẽ cố gắng nhiều hơn để tình hình tiếp tục chuyển biến nữa”.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, “nợ đọng” văn bản, đánh giá cuối năm 2012 cho thấy tình trạng này đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2013 lại tăng đột biến, trong đó có đến 56 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đến nay mới ban hành được 4 Nghị định. “Cái gì có hiệu lực trực tiếp thì thi hành, cái gì thuộc về chính sách có chậm hướng dẫn thì có quy định hồi tố”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tham gia giải trình về vấn đề này, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam quá trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có bước tiến rất dài. Sau khi đưa ra những con số cụ thể để chứng minh đã bớt luật khung, luật ống, số lượng VB hướng dẫn giảm, tồn đọng khắc phục cơ bản nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng thắng thắn: chúng ta đã rất cố gắng nhưng so với yêu cầu còn chưa đạt.

Có 2 điểm đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  là trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. “Chúng ta nói nhiều về việc Luật phải chờ Nghị định, Nghị định lại chờ Thông tư. Đúng là có việc như vậy và đây cũng là trách nhiệm cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ”.

Hạn chế tình trạng ban hành văn bản “trên trời”

Tính đến hết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản; trong số này, Chính phủ trình 44 văn bản, chiếm tỷ lệ 95,7%.

Về công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ, ngành: Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 1680 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện được 172văn bản có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý VBQPPL. Trong đó, chủ yếu là sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) chung mối quan tâm đến vấn đề về những văn bản ban hành thiếu tính khả thi gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận: đúng là có một số quy định đưa ra chưa phù hợp thực tế, nhưng theo Bộ trưởng “cũng phải đưa cuộc sống vào trật tự. Ví dụ vụ cháy cây xăng ở Hà Nội vừa rồi nguy hiểm vô cùng, ta quy định cấm nghe điện thoại ở cây xăng và xử phạt nghiêm là góp phần cảnh báo và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật. Đây là vấn đề quan trọng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý “truy” Bộ trưởng “bao giờ tình trạng này chấm dứt”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hứa “sẽ cố gắng hết sức”. Còn về trách nhiệm của “Tư lệnh ngành” trước những hạn chế trong công tác văn bản, Bộ trưởng không né tránh: “Để xảy ra tình trạng văn bản chậm, không chất lượng sẽ là 1 trong những tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ trưởng, là tiêu trí lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân Bộ trưởng”.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Chu Sơn Hà (Hà Nội) về có hay không hiện tượng tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng “quy trình xây dựng văn bản rất chặt chẽ, đầy đủ qua nhiều tầng nấc, chỉ trừ Thông tư và Thông tư liên tịch chưa có cơ chế kiểm soát chặt nên rất khó có tình trạng 'lobby' (vận động hành lang - PV), tham nhũng” tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng “không loại trừ còn những quy định sơ hở trong thực tế”.

Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá “phần trả lời của Bộ trưởng Tư pháp thẳng thắn, cởi mở”. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành VBQPPL. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần báo cáo rõ về những trường hợp văn bản thiếu tính khả thi; cần  tăng cường sự giám sát các cơ quan của Quốc hội, xác định rõ trách nhiệm khi ban hành văn bản hướng dẫn trái luật, đặc biệt khi gây thiệt hại cho dân.

Bộ Tư pháp sẽ tập trung ưu tiên một số giải pháp lớn, như: Tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, quán triệt với các đơn vị trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm định và kiểm tra VBQPPL theo hướng tăng cường khả năng dự báo, phân tích chính sách; bên cạnh việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì cần chú trọng hơn nữa đến tính khả thi, tính hợp lý, tăng cường năng lực phản ứng chính sách của hệ thống pháp luật.

- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL; bổ sung hợp lý số lượng cán bộ, công chức làm công tác này; Có biện pháp phát huy hơn nữa sự tham gia của nhân dân, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL; cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL.

- Tăng cường công tác kiểm tra VBQPPL, kết hợp kiểm tra VBQPPL với công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm phát hiện kịp thời các văn bản có sai phạm, chưa phù hợp với yêu cầu xã hội để có kiến nghị khắc phục kịp thời.

- Về lâu dài, để nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL một cách căn cơ hơn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng trình Quốc hội Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất), với định hướng làm cho quy trình xây dựng pháp luật dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung vai trò giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân; vai trò xây dựng án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, qua đó sẽ góp phần hạn chế ban hành thông tư, thông tư liên tịch quá nhiều như hiện nay.

Thu Hằng

Đọc thêm