Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 với một trong những nội dung quan trọng là cấp mã số định danh công dân làm là cơ sở quan trọng để cải cách công tác quản lý hộ tịch.
Mục tiêu của Đề án là “Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư; đồng thời, đặt nền tảng phát triển Chính phủ điện tử”
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, quản lý công dân thì việc cung cấp số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC sẽ giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỷ đồng/năm.
Với số lượng bản sao/bản sao có chứng thực công dân phải nộp như đã nêu tại phần thực trạng ở trên, chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các TTHC nêu trên khoảng 4.780 tỷ đồng/năm; khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho công dân ở các cơ quan hành chính nhà nước ở 04 cấp chính quyền thì sẽ giảm được khoảng 2.010 tỷ đồng/năm do việc chúng ta sẽ bớt được các hoạt động sao chụp, chứng thực để cung cấp các thông tin cá nhân (lợi ích này chưa tính đến chi phí tiết kiệm được của các cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ bản của công dân). Như vậy, tổng lợi ích tối thiểu tiết kiệm được sau khi đơn giản hóa thủ tục hành chính tối thiểu là khoảng 2.471 tỷ đồng/ năm.
Đồng thời thực hiện Đề án cũng giúp giảm giấy tờ tùy thân và rủi ro cho công dân khi quản lý, sử dụng các loại giấy tờ này (Hiện nay, dự án Luật Hộ tịch đã tích hợp thông tin của các giấy tờ hộ tịch trên một giấy); hạn chế phát triển các trường thông tin trùng lặp trong các cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành, lĩnh vực sẽ giúp giảm chi phí xây dựng phần mềm quản lý khi giảm các trường thông tin chung về công dân tại các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như giảm thiểu tối đa việc một công dân phải nhiều lần cung cấp các thông tin về nhân thân theo yêu cầu của các bộ quản lý ngành…
Trong việc thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư để đưa vào đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để bảo đảm việc đơn giản hóa được thực hiện theo đúng tiến độ đã được Chính phủ thông qua.
Để giới thiệu về đề án cũng như việc triển khai, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn sẽ có cuộc trao đổi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ vào 16h hôm nay.
H.Giang