Trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng, tăng cường.
Ngày 13/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Để triển khai Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa ký ban hành Đề án Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị định số 22 của Chính phủ.
|
Nghị định đánh dấu sự phát triển của ngành Tư pháp
Nghị định số 22 đã quy định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp căn cứ theo các văn bản mới được ban hành, bao gồm: nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính; lý lịch tư pháp, đặc biệt là việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia theo Luật Lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Nhiều nhiệm vụ do Bộ, ngành Tư pháp đang thực hiện cũng có sự mở rộng.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về công tác hợp tác về pháp luật và tư pháp, ngày 17/9/2012, Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc gia nhập Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký văn bản xin gia nhập Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế; giao Bộ Tư pháp trách nhiệm trực tiếp tham gia một số vụ kiện về thương mại và đầu tư, trong đó Chính phủ Việt Nam là một bên tranh chấp.
Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Việt Nam trong quá trình giải quyết tranh chấp với nước ngoài. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước cũng như của các doanh nghiệp và cá nhân.
Trước đó, thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Cục Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp.
Tương ứng với việc bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo Nghị định số 22 cũng tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Cùng với việc bổ sung Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trong cơ cấu tổ chức của Bộ, Nghị định số 22 cũng đã quy định chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Hành chính tư pháp thành Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Vụ Bổ trợ tư pháp thành Cục Bổ trợ tư pháp và thành lập Cục Công tác phía Nam trên cơ sở Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định cũng đồng thời quy định cụ thể số lượng phòng trong các Vụ thuộc Bộ.
Phân công nhiệm vụ cụ thể, khoa học
Để bảo đảm triển khai Nghị định kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả, ngày 5/4/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 784 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định số 22. Quyết định số 784 xác định xây dựng Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ làm căn cứ để quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị đã được ban hành và phân định lại một số nhiệm vụ các đơn vị thực hiện.
Cụ thể: Việc thực hiện nhiệm vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất VBQPPL sẽ giao Cục Kiểm tra VBQPPL thực hiện. Nhiệm vụ tương trợ tư pháp cùng với nhiệm vụ của đơn vị đầu mối thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng được giao cho Vụ Pháp luật quốc tế thực hiện.
Văn phòng Bộ chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến theo dõi, xác định chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, đề xuất các biện pháp để nâng cao chỉ số về hiệu quả hoạt động và xây dựng pháp luật về kinh doanh của các Bộ (chỉ số MEI); trực tiếp đề xuất và thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Bộ theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính. Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật được giao tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật.
Đối với các nhiệm vụ mới được giao cho Bộ Tư pháp theo Nghị định số 22, nhiệm vụ “có ý kiến về việc áp dụng văn bản QPPL theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” được giao cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ thực hiện. Nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính được giao cho Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thực hiện.
Vụ Pháp luật quốc tế được giao giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế. Nhiệm vụ làm đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tư pháp tiếp tục được giao cho Vụ Pháp luật quốc tế.
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và nhiệm vụ quản lý nhà nước về thừa phát lại được giao cho Tổng cục Thi hành án dân sự. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được giao cho Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính làm đơn vị đầu mối thực hiện. Các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về công tác thanh niên, các nhiệm vụ có liên quan đến báo chí, xuất bản… cũng được phân công thực hiện cụ thể.
Lan Phương