Bội thực kịch kinh dị?

Vở Tử thi không đầu của sân khấu Thế Giới Trẻ vừa ra mắt được ba suất buộc phải ngưng công diễn, vì bị khán giả phản ứng gay gắt. Điều này đặt ra dấu hỏi: phải chăng kịch kinh dị đã đến hồi cáo chung?

Vở Tử thi không đầu của sân khấu Thế Giới Trẻ vừa ra mắt được ba suất buộc phải ngưng công diễn, vì bị khán giả phản ứng gay gắt. Điều này đặt ra dấu hỏi: phải chăng kịch kinh dị đã đến hồi cáo chung? Sau “cơn sốt” của Người vợ ma 1, Sân khấu Phú Nhuận dấn thêm một bước với Quả tim máu Người vợ ma 2. Trong khi đó, Hồn ma báo oán của kịch Sài Gòn diễn nhiều xuất vẫn có khán giả, sân khấu Thế Giới Trẻ “cháy vé” với Lầu hoang, còn sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng lại Người điên trong ngôi nhà cổ. Một chuỗi các vợ kịch rùng rợn, ma quái xuất hiện trong cùng một thời gian đang tạo ra cảm giác nhàm chán cho khán giả.Vấn đề nằm ở kịch bản Thực tế, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì kịch mục kinh dị của tất cả các sân khấu hiện nay cộng lại vẫn chưa là nhiều so với thể loại kịch tâm lý. Nhưng vì sao Tử thi không đầu lại thất bại thê thảm đến vậy? NSƯT Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Theo tôi, Tử thi không đầu sẽ hấp dẫn người xem nếu như nó được chuyển tải dưới dạng một câu chuyện hình sự (theo đúng nguyên tác). Tiếc rằng, nhà sản xuất muốn lái sang hướng kinh dị để thu hút khán giả trong khi thủ pháp quá cũ không tạo bất ngờ. Nhiều diễn viên tỏ ra quá yếu. Đây là nguyên nhân chính khiến vở kịch bị vỡ”. Theo ý kiến của nhiều nhà sản xuất, đề tài kinh dị luôn hấp dẫn người xem. Tuy nhiên, để tạo thành công trong thể loại này quả thật không đơn giản. Nói cụ thể một vở kịch kinh dị muốn thành công phải có một kịch bản hay cùng sự kết hợp những mảng miếng độc đáo của đạo diễn, tài năng của diễn viên và cả khâu kỹ thuật.
Mô tả ảnh.
Một cảnh trong vở Tử thi không đầu.
 Đạo diễn Thái Hòa, người được xem ghi dấu ấn đầu tiên vào kịch kinh dị với vở Người vợ ma 1 bộc bạch: “Làm kịch kinh dị cũng như chơi dao hai lưỡi. Tất cả quy trình phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ. Nếu được thế sẽ trở nên hấp dẫn. Nhưng một trong số đó có trục trặc xem như vở diễn hỏng hoàn toàn”. Khán giả sẽ còn thót tim… Còn nhớ cách đây gần 10 năm, sân khấu Idecaf đã làm vở kịch có hơi hướng ma quái qua vở Bóng ma và sau này có thêm Hạnh phúc trên đồi hoa máu. Nhưng từ khi kịch kinh dị trở thành “nóng sốt” thì sân khấu này hầu như không đá động gì đến thể loại này. Giải thích cho điều này ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Không có đề tài nào là cũ đến mức khiến khán giả phải nhàm chán. Chúng tôi chưa tiếp tục làm kịch kinh dị vì chưa có kịch bản hay mà thôi”. Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề khẳng định, kịch kinh dị sẽ “chết” nếu chỉ tập trung tạo nên tình huống “hù dọa” người xem. Ngược lại, nếu có một nội dung và một thông điệp được gửi gắm trong câu chuyện ma quái thì nó vẫn tiếp tục là đề tài khiến khán giả tò mò muốn khám phá. Hơn ai hết bà bầu Hồng Vân hiểu rõ điều này, vì vậy, vở Oan gia vừa ra mắt công chúng cũng mang hơi hướm kinh dị. Khán giả sẽ vẫn vừa xem vừa run nhưng vẫn có một điều gì phải suy nghĩ.“Kịch kinh dị đã là một thương hiệu của kịch Phú Nhuận nên sẽ tiếp tục khai thác thể loại này. Chúng tôi tự tin trên con đường đã chọn vì chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm để tạo ra nhiều tình huống làm khán giả bất ngờ, thích thú”, NSƯT Hồng Vân cho biết. Với khoảng 1.000 suất diễn của Người vợ ma 1 trên phạm vi toàn quốc, hay Người vợ ma 2 đã “trụ” hai năm ở rạp Kim Châu vẫn còn có khán giả, phần nào chứng minh trong thời điểm hiện tại, khán giả chưa “mệt” với kịch kinh dị. Tuy nhiên, điều đó có đúng hay không, thì cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng.

Theo Nguyễn Huy
Đất Việt

Đọc thêm