"Bóng cười" chuyển địa bàn
Con phố Nguyễn Hữu Huân ngày trước được gọi là phố “cà phê cóc”, nơi dừng chân của những người thích uống cà phê vỉa hè, tận hưởng không khí lãng mạn của Hà Nội và nghiền ngẫm về những câu chuyện thường nhật.
Còn nay ai đi dọc Nguyễn Hữu Huân đều không khỏi giật mình, vì phố cà phê “thay da đổi thịt” nhiều quá. Các quán cà phê 1 chữ như Lâm, Hạnh, Giảng, Năng không còn giữ ngôi vị độc tôn nữa mà thay vào đó các quán trà chanh, sinh tố bán "bóng cười" của giới trẻ mới huyên náo tiếng cười nói.
Sau tăng 1 đánh chén no say, Diệp (1993, Hà Nội) rủ tôi đi hít "bóng cười". Từ chối với lý do hết tiền, không muốn lên bar. Diệp cười ngặt nghẽo rồi bĩu môi: “Ai bảo lên bar. Bà này gà quá, ra Nguyễn Hữu Huân là đủ không khí rồi. Bây giờ mấy thứ đó bán đầy bên ngoài, có còn là thứ sang chảnh nữa đâu. 100k là đủ cho cả tối ở đó”.
Tò mò, tôi cùng Diệp ngồi tại một quán cà phê đông nhất ở đây. 10h tối, quán chật kín nam thanh nữ tú, mỗi nhóm một bàn shisha, cốc nước, đĩa hướng dương và trên tay cầm "bóng cười" hít hà. Đủ chất kích thích, ai cũng cười nói rôm rả, vỉa hè quán còn chẳng đủ rộng nên chủ quán cho khách ngồi tràn sang nhà bên cạnh.
Giải thích về lý do “dân chơi” thích vào đây, Diệp cho biết, vẫn giữ phong cách vỉa hè, giá bình dân hợp túi tiền sinh viên, các quán cà phê mới phải có chiêu hút khách nhờ “gia vị” kích thích. Trà chanh 15.000 đồng/cốc, trà đào, trà thái 25.000 đồng/cốc, cà phê, nước mơ, me đá, sinh tố… vẫn đầy đủ như các quán giải khát khác, muốn nhâm nhi thì kêu thêm đĩa hạt hướng dương, nhưng đã đến Bổ, đến Cười… thì không thể không gọi bình shisha và mỗi người thêm 1 quả bóng.
Shisha hương táo, dưa hấu, lê, kiwi, xoài... với giá 150.000 đồng/bình loại nhỏ và 200.000 đồng/bình loại lớn. Còn đặc sản bóng cười màu trắng (25.000 đồng/quả) thì đâu cũng như nhau, giá rẻ hơn trên bar, dân chơi tội gì không vào!
Dù là “vỉa hè” song ngoài việc trang trí theo phong cách trẻ trung, chủ quán cũng chịu khó đầu tư hệ thống loa, không quên thuê thêm DJ để dân chơi vừa hít "bóng cười" vừa lắc lư theo nhạc. Nhạc phát ra mạnh tới mức những hạt dưa trên đĩa nhảy múa rung rinh, dù ngồi các quán bên cạnh mọi người cũng nghe thấy tiếng nhạc.
Trong khi những người đi đường không khỏi khó chịu, các cô gái, chàng trai tay cầm "bóng cười" lại thể hiện sự hoan hỉ thấy rõ. Họ vừa ngồi, vừa lắc lư gật gù ra chiều khen DJ chơi hay.
Chẳng cần tốn tiền triệu vào bar, mỗi người 100 ngàn là đã đủ cho một buổi tối tụ tập đảm bảo tiêu chí “sành điệu”: vừa có nhạc, vừa có “phê”.
Nhìn thấy các quán cà phê này ăn nên làm ra, các hộ lân cận bắt đầu mở theo, chỉ một thời gian ngắn phố Nguyễn Hữu Huân ngập tràn "bóng cười". Đến nay, các quán kinh doanh kiểu này nở rộ thêm ở Lý Thái Tổ, Tạ Hiện, Mã Mây…
Mấy năm trước "bóng cười" du nhập vào Việt Nam, vì còn lạ lẫm nên chỉ một số bar dám đem sản phẩm này bán cho khách. Hiện nay, cùng với shisha, "bóng cười" đã tràn ngập trên các con phố cà phê, trà chanh vỉa hè dành cho giới trẻ.
Với giá rẻ, dễ vào dễ chơi, giới trẻ ngày càng sử dụng "bóng cười" nhiều hơn. Điều đáng nói là đối tượng sử dụng chất kích thích này cũng mở rộng hơn.
Hiện nay học sinh cấp 2, cấp 3 cũng có thể mua "bóng cười" tại các quán này để thử cảm giác mạnh. A dua theo bạn bè, giới trẻ không ý thức được sự nguy hiểm của "bóng cười" đang hủy hoại sức khỏe của mình vì cho rằng: “shisha, bóng cười nhẹ hơn thuốc lá, hít vào không thể gây nghiện”.
Có thể không gây nghiện, nhưng các món đồ giải trí này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
Tại sao "bóng cười" có thể giúp cơ thể sảng khoái? "Bóng cười" thực chất là một quả bóng bay được bơm căng chất Nitrous Oxide (N2O) có khả năng tác động mạnh tới một điểm của hệ thống thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng.
Chỉ cần dùng hai chiếc hộp nhựa đựng bóng, một ống sắt dài và một bình khí nén nhỏ bơm bóng thật căng là có thể “chén” ngay được một cách ngon lành.
Người sử dụng ngậm đầu quả bóng như thổi bóng bay nhưng làm động tác hít vào thật sâu sau đó lại nín thở bằng mũi và thở khí vào quả bóng cho quả bóng to lên. Người hít điêu luyện có thể lặp đi lặp lại hai hành động hít - thở cho quả bóng căng phồng rồi đến cuối cùng xẹp lép là lượng khí N2O đã xâm chiếm và lan tỏa khắp cơ thể.
Có đứa hít xong, mồ hôi vã ra như tắm. Khí N2O ngấm đến đâu, tế bào cơ thể tê đến đấy. Sau cảm giác đê mê sẽ là những tràng cười bất tận. Chỉ khi nào thuốc tan hết thì người sử dụng mới ngừng cười.
Theo các chuyên gia, khí N2O khi hít vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ngộ độc, nguy cơ ung thư và nhiều rối loạn khác trong cơ thể. Điều đáng lo ngại là giới trẻ lạm dụng “khí cười” chỉ để tìm sự tê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác.
Điều này rất dễ dẫn tới việc sử dụng các loại chất gây nghiện thật sự, có tác dụng mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc… khi những chiếc "bóng cười" này không còn đủ độ “phê”.