Bột ngọt không rõ nguồn gốc chiếm lĩnh thị trường miền Trung

Bột ngọt hiệu “Cái muỗng” là loại bột ngọt nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan. Loại bột ngọt này hiện tràn ngập thị trường miền Trung và rất được người dân nơi đây ưa dùng bởi có tiếng là... đồ ngoại.
Bột ngọt hiệu “Cái muỗng” là loại bột ngọt nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan. Loại bột ngọt này hiện tràn ngập thị trường miền Trung và rất được người dân nơi đây ưa dùng bởi có tiếng là... đồ ngoại.Đắt hàng vì quá... ngọt  Dạo quanh chợ thương mại Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị), quầy quán bán tạp hóa nào cũng tràn đầy bột ngọt hiệu “Cái muỗng”. Đó là thứ bột ngọt được bán nhiều nhất và đắt hàng nhất ở đây.
Bột ngọt hiệu Cái muỗng
Theo tìm hiểu, loại bột ngọt này có biểu tượng cái muỗng màu đỏ trên bề mặt bao. Trên bao in ngôn ngữ Thái Lan và Trung Quốc, ngoài ra có tên công ty là “Thai Fermentation Ind.co;” bằng tiếng Anh; không có thành phần, chất lượng sản phẩm. Theo một kết quả phân tích mới nhất mẫu bột ngọt hiệu Cái muỗng của Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TPHCM, loại bột ngọt này có hàm lượng bột ngọt tinh khiết Monosodium Glutamat (chất chính cấu tạo nên bột ngọt) chỉ đạt lần lượt là 98,2% và 98,7%, không đạt Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 1459:2008 (qui định không được nhỏ hơn 99%). Không khó để biết “đường đi lối về” của loại hàng hóa này: Từ dòng sông Sêpôn, bột ngọt Cái muỗng tuồn về cùng với nhiều hàng hóa nhập lậu khác rồi được đưa lên chợ trung tâm, một phần giữ lại để bán cho khách du lịch, một phần được phân phối về thành phố Đông Hà, ra Bắc vào Nam… Tại những gian hàng tạp hóa ở Trung tâm thương mại Lao Bảo, bột ngọt hiệu Cái muỗng là thứ hàng hóa nổi trội. Chị Lê Thị Hoài, người bán hàng tạp hóa lâu năm, cho hay: “Ở vùng này người dân lâu nay đều dùng duy nhất một loại bột ngọt có hình cái thìa của Thái. Điểm vượt trội của loại bột ngọt này là dùng một lượng ít nhưng hàm lượng cao nên tiết kiệm được bột nêm, mặt khác lại ngon hơn các loại bột ngọt trong nước”. Khi được hỏi về thông số chất lượng sản phẩm này, chị Hoài cho hay: “Người dân chỉ dựa vào hiệu quả, chất lượng của bột ngọt nên dùng. Những người bán hàng và tiêu dùng như tôi không quan tâm mấy đến xuất xứ và tác hại của nó”. Cũng như chị Hoài, nhiều người tiêu dùng khác cũng khẳng định tính vượt trội của loại bột ngọt này. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ một gian hàng tạp hóa ở chợ Lao Bảo, đang bóc từng bao bột ngọt Cái muỗng từ một túi hàng lớn do người con trai mới đưa tới, nói: “Cận tết, khách du lịch nhiều, phải mua thêm hàng để bán. Bán chạy nhất vẫn là bột ngọt và bánh kẹo Thái Lan. Người ta mua về để biếu nhau. Ai đến đây cũng hỏi và mua nhiều loại bột ngọt này cả”.
Mặt hàng rất được ưa chuộng ở miền Trung
Bà Hạnh còn cho biết, mấy tháng cuối năm, tiền Kíp (Lào) giá cao nên loại bột ngọt này cũng tăng giá. Gói 500g dao động từ 26.000 đến 30.000 đồng. Giá ở chợ Đông Hà, Quảng Trị còn cao hơn. Một vị khách đang mua bột ngọt Cái muỗng cho biết gia đình bà dùng 1 gói 500g này 2 tháng mới hết, trong khi các loại bột ngọt khác chỉ dùng được 1 tháng.Không “cắt” được nguồn cung Theo tìm hiểu, bột ngọt hiệu Cái muỗng đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn chục năm nay, chiếm lĩnh thị trường miền Trung, nhiều nhất là ở cửa khẩu Lao Bảo, nơi có sông Sêpôn là biên giới Việt – Lào. Anh Nguyễn Ngọc Phong, Công ty thương mại Nam Phong, cho hay: “Bột ngọt Cái muỗng xuất hiện và lưu thông ở thị trấn Lao Bảo từ lâu. Do được nhập lậu theo đường tiểu ngạch nên giá rẻ và không được đăng ký chất lượng sản phẩm. Những công ty như chúng tôi không ai nhập loại bột ngọt này vì cạnh tranh không nổi với hàng nhập lậu. Vì không nhập khẩu theo đường chính ngạch nên các thông số về chất lượng, xuất xứ của sản phẩm cũng không ai nắm rõ”. Thăm dò qua một vài gian hàng, hỏi mặt hàng này có bị các cơ quan chức năng thu hồi hay xử phạt không? Một chủ hàng tên Nguyễn T.T cho biết: “Tôi bán loại hàng này trên 5 năm có ai hỏi han gì đâu. Có bắt bớ thì bắt các chủ hàng buôn từ Lào về khi thuyền cập bến sông Sêpôn, chứ khi hàng đã được phân tán ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi thì công an hay hải quan đều không hỏi”. Hỏi thế không bị thu giữ? Chị khẳng định “Mấy năm trước có kiểm tra và thu giữ, nhưng nghe động cái là chúng tôi giấu ngay”. Trao đổi vấn đề này với ông Cao Văn Dụng, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 2 (đóng tại thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa), ông Dụng cho biết, đây là loại bột ngọt có xuất xứ không rõ ràng, chủ yếu nhập lậu từ Lào. Đội QLTT đã từng triển khai bắt và tịch thu loại bột ngọt nhập lậu này từ các quầy hàng ở chợ Lao Bảo, tuy nhiên số lượng không lớn lắm. Hàng chủ yếu đưa về Đông Hà chứ ở đây chỉ là số lượng nhỏ lẻ. Khi được hỏi tại sao đơn vị không triệt để tịch thu loại bột ngọt này trên địa bàn của mình, ông Dụng lại trả lời: “Họ có hóa đơn nên không bắt được”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, để nhập khẩu được hàng hóa thì cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Với loại bột ngọt này, không một doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu, vì thế chắc chắn sẽ không có hóa đơn.
Theo Tốn Phong
Dân Trí

Đọc thêm