“Tôi nghĩ về cơ bản, anh Lại Văn Sâm xử lý tình huống như vậy cũng là được. Trong trường hợp đó, bắt buộc MC phải thể hiện. Tuy nhiên, đáng ra, cô MC tiếng Anh phải “nhảy vào” chứ không phải để anh Sâm dịch” - Ông Lê Ngọc Minh – Cục phó Cục Điện ảnh, đại diện BTC Liên hoan phim Quốc tế VN lần 1 nói về sự cố dịch sai của MC Lại Văn Sâm. Lần đầu tiên tổ chức một LHP Quốc tế, bên cạnh một số thành tựu tạm được coi là thành công khi đã có đến ba cuộc hội thảo quốc tế về điện ảnh và sự phát triển điện ảnh ở Việt Nam và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn trong, ngoài nước. Đồng thời, LHP cũng đã mời được những "ông lớn" trong hệ thống các LHP Quốc tế có lịch sử và danh tiếng như LHP Cannes, LHP Venice, Pusan và một số ngôi sao khác. Điều này sẽ tạo điều kiện về mặt danh tiếng và uy tín cho LHP những lần sau tổ chức.
|
Ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh. |
Tuy nhiên, LHP đã không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí là những "hạt sạn" to đùng cho thấy khâu tổ chức thực sự thiếu chuyên nghiệp. Ông Lê Ngọc Minh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngắn 15 phút để mổ xẻ những hạn chế của LHP, trong đó có sự cố dịch sai đáng tiếc của MC Lại Văn Sâm trong đêm bế mạc. Ông Minh cho rằng, thắng lợi của điện ảnh Việt Nam trong kỳ liên hoan này là vừa phải. Ông Minh khẳng định rằng BGK đã thẩm định chính xác và không thể có bất kỳ yếu tố nào tác động được tới họ. Việc lộn xộn trong khâu phát thẻ tác nghiệp cho báo chí hôm khai mạc sự kiện cũng được ông Minh cho là cần được thông cảm vì với quy mô của LHP như vậy, chỉ có sức giải quyết từng ấy công việc. Trong khi đó, tổ chức ở HN, báo chí yêu mến nên có báo kéo đến 3, 4 người làm thẻ. Mà BTC thì chỉ có thể giải quyết được cho một người mỗi báo. Ở các LHP Quốc tế cũng thế. Thậm chí chỉ có những tờ báo lớn mới được tham gia. Mình thì mời tương đối thoải mái nên mới xảy ra lộn xộn. Cuối cùng, ông Lê Ngọc Minh nói, không thể chu đáo 10 phân vẹn 10, chuyện có sự cố là bình thường ở tất cả các LHP Quốc tế. “Chúng tôi không hổ thẹn khi đã làm hết mình” – ông khẳng định.- Thưa ông, ông có cho rằng bắt nguồn của những sự cố đáng tiếc tại LHP Quốc tế như việc phát thẻ cho cánh báo chí, sự kiện đêm khai mạc, thảm đỏ… bắt nguồn từ sự kết hợp không chặt chẽ và ăn ý giữa hai đơn vị đồng tổ chức là Cục Điện ảnh và công ty BHD? - Tôi cho không hoàn toàn như thế. Từ khi đưa ra ý tưởng đến khi thực hiện, Cục Điện ảnh và công ty BHD đã có những lần làm việc để cùng nhau thống nhất hướng đi và trên thực tế công việc đã chạy tốt. Tuy nhiên, một số vấn đề nhỏ xảy ra là điều khó tránh khỏi kể cả một đơn vị độc lập làm chứ chưa kể là có sự kết hợp giữa các đơn vị với nhau. Tôi lấy ví dụ đêm khai mạc chẳng hạn là sự phối hợp ba phía giữa Cục Điện ảnh, BHD và Đài Truyền hình Việt Nam. Phần 30 phút thảm đỏ làm chưa thật tốt, nhất là khi tiếp cận với các ngôi sao, các đoàn khách nước ngoài. Chúng tôi đã khắc phục những nhược điểm này ở đêm bế mạc rất nhiều. Tôi nghĩ những lỗi nhỏ trong khâu tổ chức lần đầu do thiếu kinh nghiệm có thể nhìn bớt khắt khe đi.- Người ta còn nói, ông Phillip Noyce, khách VIP bậc nhất của liên hoan, khi sang Việt Nam đã bị "bỏ rơi" 4 tiếng ở sân bay? - Đó là thông tin hoàn toàn thất thiệt. Thậm chí đoàn xe của chúng tôi đi đón Trưởng BGK phim truyện còn thừa một xe. Bên Hội Điện ảnh, bà Hồng Ngát do có mối quan hệ trước đó cũng điều một xe 16 chỗ đi đón. Do máy bay đến chậm 1 tiếng nên 30 tình nguyện viên đứng dàn hàng để chờ. Về sau ông Philip Noyce đi xe của bà Ngát. Về đến khách sạn, Cục trưởng Lại Văn Sinh đứng ngay tại đó đón.- Một số vị khách quốc tế sang Việt Nam do những mối quan hệ cá nhân. Tuy nhiên, cũng có thông tin rằng, Cục Điện ảnh đã phó mặc cho những cá nhân ấy lo cho khách mời quốc tế. Nếu thật như vậy, thì cũng rất khó chấp nhận được! - Chúng tôi có một ban đón tiếp và có rất nhiều tình nguyện viên và chúng tôi cũng giao cho một người từng làm ở phòng hợp tác Quốc tế của Cục Điện ảnh túc trực 24/24 ở sân bay để đón các đoàn khách quốc tế chứ không phải giao cho BHD. BHD đã làm những sự kiện quốc tế lâu rồi. Anh Lại Văn Sinh cũng đã từng đi LHP Venice và hai bên cộng tác chứ không phó mặc cho ai. Cục Điện ảnh chủ động trong việc đón tiếp và không khách mời nào bị nhỡ vì việc tiếp đón. Chúng tôi cũng áp dụng chế độ quốc tế cho các khách mời. Mỗi người có một xe riêng, có một phiên dịch đi kèm. Thế nên hoàn toàn không có chuyện chúng tôi phó mặc cho bất kỳ ai lo cho khách của mình. Tôi cũng muốn nói rằng, nếu không có sự cộng tác của BHD chúng tôi không thể mời nổi một số ngôi sao quốc tế vì họ có mối quan hệ. Đạo diễn người Singapore đã về nước vì không chắc có được giải hay không. Công ty này cũng đã nhanh chóng đặt vé để anh bay ngược trở lại để tham gia đêm bế mạc.- Sự kiện thảm đỏ đáng ra rất được mong chờ nhưng có vẻ việc thực hiện sự kiện này lộn xộn và ồn ã khiến cho không chỉ công chúng thất vọng mà một số nghệ sỹ cũng không hào hứng? - Lỗi ở sự kiện thảm đỏ nhóm truyền hình trực tiếp muốn đổi mới, không đi theo một khuôn mẫu nào. Thế nhưng tôi đã nói với họ, có những cái thuộc về kinh điển, mình cứ làm bài bản như các nước, giới thiệu từng đoàn vào nhưng do cấu trúc về thời gian nên họ đổi mới để tạo ép phê nhưng không thành công. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm.- Một trong những sự cố được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua là việc dịch sai lời diễn viên Ngô Ngạn Tổ của MC Lại Văn Sâm. Phần phát biểu của Ngô Ngạn Tổ đã không có trong kịch bản và phiên dịch đã đứng im không dịch? - Sự cố về phiên dịch đêm bế mạc cũng nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi đã cẩn thận chọn ba phiên dịch. Trong đó có cả một người lấy chồng người ngoại quốc và đã sống ở nước ngoài hai chục năm. Nhưng lúc đứng trên sân khấu, cần được bộc lộ thì họ không thể bật ra được và thể hiện khả năng ngôn ngữ của mình. Đó là do tâm lý và hoàn toàn bất khả kháng. Lẽ ra người MC tiếng Anh phải vào cuộc ngay nhưng lại cứ nhường nhau. Trong một tiếng rưỡi cho phép của Đài truyền hình, chúng tôi phải căn từng giây để chương trình được trọn vẹn. Tôi ngồi đó cũng không làm được gì vì đang truyền hình trực tiếp. Tôi cũng đã nói những lời Ngô Ngạn Tổ phát biểu là giản dị, thông thường chứ không phải là văn bản gì. Ví dụ, diễn viên Ngô Ngạn Tổ sẽ nói về Hà Nội thế này rồi tôi nhận xét về khán giả thế kia. Mấy câu nói như vậy thì cứ dịch đi. Thế mà 3 người đứng cầm míc đứng im như thế. Bất khả kháng thôi vì chúng tôi tin là đã mời được những người giỏi. Tôi cũng phải nói thế này, ở các LHP Quốc tế, người ta không quan tâm đến khán phòng mà quan tâm đến công chúng ngồi trước màn hình nhiều hơn. Trong tình huống ấy truyền hình có thể xử lý bằng cách đưa quảng cáo hay cái khác lên. Tôi đã từng chứng kiến Trung Quốc hay bên Nga họ còn lên trang điểm cho cả diễn viên trên sân khấu. Hỏi họ thì họ nói chúng tôi quan tâm đến công chúng xem màn hình chứ không quan tâm đến khán phòng. Đáng ra trong lúc bối rối sau khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu thì truyền hình có thể khéo léo đưa máy lia chỗ khác thay vì cứ quay chằm chằm vào... Nhưng tôi cho đấy cũng là một bài học trong việc tìm phiên dịch viên.- Ông nghĩ về cách ứng xử của MC Lại Văn Sâm hôm đó như thế nào? - Tôi nghĩ ứng xử của anh Sâm hôm đó về cơ bản là cũng được, đặc biệt là với khán giả xem truyền hình, những người am hiểu tiếng Anh sâu. Tình huống ấy, người MC nhanh nhạy bắt buộc phải ứng xử như vậy. Tất nhiên sẽ có cái được và cái chưa được trong chuyện này. Tôi cứ nghĩ, lẽ ra MC tiếng Anh phải nhảy vào cuộc ngay. Khi mời MC tiếng Anh, chúng tôi đã có những ngần ngại vì sợ không hiểu được ngôn ngữ điện ảnh. Tuy nhiên, với những câu nói đời thường giản dị như vậy thì đáng ra Ngô Mỹ Uyên phải xử lý nhanh tình huống chứ không để anh Sâm dịch. Nhưng có lẽ, Ngô Mỹ Uyên thấy anh Sâm nói nên cũng tôn trọng. Anh Sâm can thiệp và nói cũng đúng đến 80, 90%. Tôi nghĩ cũng không cần ầm ĩ quá sự cố này.- Xin cảm ơn ông!
Theo Gia Vũ
VTC
VTC