Bữa cơm tất niên

Cái lạnh lạnh cùng với mưa phùn không làm giảm đi không khí Tết đang về. Ngoài đường người ta đi sắm Tết rộn ràng cả góc phố.

Cái lạnh lạnh cùng với mưa phùn không làm giảm đi không khí Tết đang về. Ngoài đường người ta đi sắm Tết rộn ràng cả góc phố.

Ký ức trong tôi chợt ùa về, tôi nhớ những ngày còn bé, gia đình nghèo lắm nhưng cứ đến độ Tết đến xuân về, bố mẹ đều cố gắng chuẩn bị bữa cơm tất niên thật tươm tất. Bố mẹ thường bảo “Bữa cơm mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết không thể không chu đáo được”. Mẹ tôi là thế, lúc nào cũng tất bật, tỉ mẩn… bởi vậy ngay từ đầu tháng chạp âm lịch mẹ đã lo mua đậu xanh, gạo nếp để gói bánh chưng. Những hạt gạo, hạt đỗ được mẹ lựa chọn rất kỹ càng, có lẽ vì thế mà dù đã đi nhiều, ăn rất nhiều bánh chưng nhưng không ở đâu ngon bằng bánh của mẹ.

Mẹ cứ tích lũy dần như thế, đến chiều ba mươi Tết thì tất cả đã đầy đủ để cả nhà đón tất niên. Khi đó, không khí gia đình ngày cuối năm rộn ràng, ấm áp lạ kỳ, cả nhà cùng sum vầy, cùng nhau vào bếp như không có cái mệt mỏi tất bật của thường ngày.

Những xấp lá dong xanh mướt bên mâm gạo, đỗ, thịt… dưới bàn tay của bố biến thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, đều chằn chặn. Tôi và đứa em bu quanh bố để xem gói bánh và để trông chờ những chiếc bánh gù nhỏ xinh. Dù nhiều dù ít, suốt những năm tuổi thơ, Tết của chị em tôi gắn với những chiếc bánh gù, đến tận bây giờ, khi chúng tôi đã lớn, mỗi đứa có gia đình riêng, bố tôi vẫn giữ thói quen gói những chiếc bánh gù cho chị em tôi như những ngày thơ bé.

Khi những chiếc bánh được luộc chín, vớt ra vẫn giữ được màu xanh của lá dong cũng là lúc mẹ và tôi chuẩn bị xong bữa cơm cúng tất niên. Những món ăn đơn giản, đạm bạc nhưng sao nhìn ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui, niềm hân hoan lạ kỳ. Trong ký ức tuổi thơ tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh bố ngày cuối năm chuẩn bị bàn thờ, thắp hương, miệng xì xầm khấn mời các cụ, tổ tiên về ăn Tết với con cháu trong khói nhang trầm thơm nghi ngút. Khi đó tôi chưa đủ lớn để hiểu hết những việc bố làm, nhưng bây giờ mỗi lần nghe mùi nhang trầm lại thấy lòng bâng khuâng đến lạ.

Chiều ba mươi, không khí Tết đã ngập tràn khắp nẻo, những âm thanh rộn rã, tươi vui về khắp nơi, tiếng cười trong trẻo của những đứa con xa nhà nay về quây quần bên gia đình ấm áp, đông vui, những câu chuyện năm cũ được kể cho nhau nghe rôm rả cả một góc xóm… Và đâu đó, mùi bánh chưng đang chín quyện trong gió thơm lừng, tiếng bát đũa, tiếng cười giòn tan bên bữa cơm tất niên.

Chúng tôi lớn lên trong tuổi thơ êm đềm và những bữa cơm tất niên ngày cuối năm đã in sâu trong tâm trí tôi. Rồi chị em tôi đi làm ăn xa, mỗi đứa một nơi, cứ mỗi độ nhìn hoa đào, hoa mai nở, thấy ngoài phố người người ngược xuôi sắm Tết lại thấy lòng nôn nao, khắc khoải một nỗi nhớ nhà da diết. Những lúc như thế lại thèm muốn được sum họp cùng gia đình, bên bữa cơm đoàn viên.

Cả năm đi làm xa quê, những ngày cuối năm chỉ muốn ra xe về ngay với mẹ, về với mái nhà bình yên. Đâu đó trên phố nghe câu hát “Mẹ ơi, sáng nay xuân về, mẹ trông ra ngoài hiên nắng, mẹ mong đứa con xa nhà, rằng mùa xuân anh ấy sẽ về” lại thấy cay cay nơi sống mũi nghĩ về mẹ đang thở dài đếm từng ngày để mong các con về, nghĩ đến cha đang sơn, quét lại nhà để đón năm mới, cứ mỗi lần nghe tiếng xe lại ra ngóng nơi đầu ngõ.

Hôm nay đã là 27 Tết, mai vàng đã nở rộ góc vườn, phố đã rực rỡ đèn hoa, đứa con xa xứ như tôi đang sắp xếp mọi việc để trở về bên gia đình, trở về với bữa cơm đoàn viên ngày cuối năm đầy ấm áp để được nhìn thấy niềm hạnh phúc như chợt vỡ òa của bố mẹ khi nghe thấy tiếng con cháu về ríu rít nơi đầu ngõ.
Mùa xuân ấm áp đang về.

NHẬT HẠ

Đọc thêm