Bức tranh khả quan

Cái nhìn của các chuyên gia kinh tế về bức tranh tổng thể trong năm 2011 trở nên lạc quan hơn, sau 19 tháng thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất.

Cái nhìn của các chuyên gia kinh tế về bức tranh tổng thể trong năm 2011 trở nên lạc quan hơn, sau 19 tháng thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất.

Theo khảo sát của hãng AP công bố ngày 27-1, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2011, những ông chủ sẽ tuyển dụng nhiều nhân viên hơn và kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với hình dung cách đây 3 tháng. Song, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao khi cuối năm 2011, con số này sẽ gần 9% và đến năm 2016 hoặc sau đó nữa thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ trở về mức bình thường khoảng 5%. Các chuyên gia kinh tế còn nhận định: Việc giảm thuế an sinh xã hội và giá chứng khoán tăng cao sẽ khuyến khích người Mỹ chi tiêu, đồng thời giúp nền kinh tế phục hồi.

Lynn Reaser, thành viên Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE), cho rằng không riêng các chuyên gia mà mọi người rốt cuộc cũng nhận thấy việc phục hồi kinh tế đang diễn ra. Khảo sát của AP cho hay, thành quả trong năm 2011 sẽ đủ để chống đỡ những đe dọa bao phủ nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn có không ít quan ngại, chẳng hạn như giá nhà giảm và lãi suất thế chấp cao hơn sẽ có thể tạo ra những rủi ro.

42 nhà kinh tế học đã đưa ra những dự báo: Kinh tế sẽ tăng 3,2% trong năm nay, so với 2,7% được dự đoán vào tháng 10 năm ngoái. Các ông chủ sẽ tạo ra tổng cộng 2,2 triệu việc làm mới. 3 tháng trước, các chuyên gia dự đoán chỉ có thêm 1,6 triệu việc làm mới trong năm nay. Trong khi đó, 1,1 triệu việc làm đã được tạo ra vào năm 2010. Người tiêu dùng sẽ chi tiêu hơn 3,2% so với năm ngoái, dự đoán trước đó chỉ dừng lại ở con số 2,5%. Về lạm phát, tỷ lệ này sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái từ 1,5% lên 1,8% so với dự báo là 1,7%.

Theo AP, các nhà kinh tế hoàn toàn có cơ sở để bày tỏ lạc quan về bức tranh trong năm 2011 bởi việc giảm thuế thu nhập, cắt giảm các loại thuế an sinh xã hội cho người lao động, việc cho vay vốn dễ dàng hơn, giá cổ phiếu cao hơn và Chính phủ dường như cũng đồng cảm hơn với những ưu tiên của các doanh nghiệp.

VĨNH AN

Đọc thêm