Người Việt Nam có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nên đám tang là dịp để người thân bày tỏ tình cảm ruột thịt với người đã mất, được làm những việc như thể muốn níu giữ lại hơi ấm, tình thân. Nhỏ nhất là việc tắm, lau rửa, thay quần áo cho người mất, khâm liệm, khiêng quan tài… Nhưng bây giờ, người dưng cũng làm được việc ấy. Bởi gần đây, dịch vụ mai táng tư nhân mọc lên khá nhiều. Tổng thể, ở một đám, từ lúc khâm liệm đến đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng, có tới gần 80 danh mục dịch vụ kèm theo. Mỗi danh mục kèm theo một khoản tiền.
|
Đội chuyển linh cữu làm dịch vụ tại một đám tang. |
Trong bản hợp đồng của một cơ sở dịch vụ đám tang trên đường Võ Thị Sáu (quận Ngô Quyền), họ cung cấp cho nhà đám tới 77 loại dịch vụ, từ thay đồ cho người mất (khoảng 200.000 đồng,) đánh phấn son cho người mất (100.000 đồng), người khâm liệm 300.000 đồng (2 người), ban tổ chức lễ tang (1 triệu đồng cho 1 người chính và 1 người phụ), cung cấp các loại áo quan với giá tiền tùy theo chất lượng và chủng loại cộng với khoản trang trí bàn kê áo quan dao động từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Cùng với đó là các thứ không thể thiếu như vải liệm, gối đầu, giấy bản, hoa nhài, khăn mặt… Nếu gia đình muốn giữ thi hài chờ con cháu về đông đủ, cơ sở có đá khô và ướp xác với mức phí 40.000 đồng/kg đá khô và 5.000 đồng tiền công/kg đá. Rồi mời thầy pháp hay các phật tử đến cúng nhập quan… Việc trang trí bàn thờ cũng được khoán gọn từ tượng Phật, ảnh Phật, bàn tụng kinh (nếu người mất đi chùa), kê ảnh, kê hoa, đài sen, kê mâm quả, lọ cắm hương, cành phan, dọc chuối, băng tang vải gắn vào ảnh, đèn sen đỏ, đỉnh đồng con hạc, cây nến đồng, đài sen đỏ, đài sen bát vàng, mâm ngũ quả, chè, oản…Riêng việc tụng liệm, trước đây, nhà sư với tinh thần “ làm việc từ tâm” sẵn lòng đến giúp nhà hiếu mà không đòi hỏi. Nay thì thỉnh sư cũng đưa vào danh mục dịch vụ đầu tiên với điều kiện phải có xe đón rước. Có đám xe đón rước trễ một chút là sư giận dỗi, nói lời khó nghe! Ngoài ra, còn có dịch vụ chuyển linh cữu (tùy theo áo quan), nhưng trung bình là 8 người với chi phí 1 triệu đồng trở lên. Đội đứng đón hoa mặc đồng phục 120 nghìn đồng/ người. Nhân viên mặc đồng phục châm hương, rót nước 250 nghìn đồng/ người… Những thủ tục khác như tang phục, bát hương, tiền, vàng mã, bát đĩa, bàn ghế, dịch vụ trông xe... cũng được liệt kê chi tiết với mức chi phí cụ thể để gia đình lựa chọn. Đội quân bảo vệ cũng được thuê với giá thỏa thuận. Rồi có cả cơm hộp, cơm rang, cơm mâm, bún chả, cỗ … Nếu thuê trọn gói như trên, con cháu nhà đám chỉ còn việc mặc đồ tang, đáp lễ và quản lý đồ phúng viếng!
Ngoài những dịch vụ cơ bản, chi tiết như kể trên, hiện nhiều cơ sở dịch vụ mai táng “có nhiều đầu mối dịch vụ”, sẵn sàng cung cấp những dịch vụ đáp ứng yêu cầu của gia đình nhiều tiền “phú quý sinh lễ nghĩa”. Như dịch vụ nhạc tang với một số mối về dàn trống nổi, kèn đồng nhà thờ chính tòa (từ 26 đến 30 người), đội kèn đồng Vĩnh Bảo (28 đến 30 người). Họ cũng sẽ liên hệ với các nghĩa trang làm hợp đồng các thủ tục chôn cất người quá cố giúp gia chủ, nhận chuyển linh cữu với mức phí từ 1.000.000 đồng trở lên, cung cấp xe chở vòng hoa 350.000 đồng/xe, xe khách trong nội thành giá từ 540.000 đồng/xe đến 650.000 đồng/ xe tùy theo số lượng chỗ ngồi. Cùng với đó, các dịch vụ quay phim, chụp ảnh hay mướn người khóc thuê, chỉ cần gia chủ có nhu cầu sẽ được đáp ứng theo kiểu “cần gì có nấy”. Theo phong tục truyền thống, việc đưa tang người mất theo thứ tự như sau: đi đầu là cờ tang, rồi đến trướng đối, bàn để ảnh, hương hoa, các vòng hoa, đội nhạc tang, linh cữu và cuối cùng là thân nhân, khách đưa tang. Nhưng việc quá nhiều các dịch vụ thời mới can thiệp đã phá vỡ thứ tự, trình thức việc đưa tang nói riêng và cả đám tang nói chung.
Theo hạch toán của một số “đám tang nhà giàu”, chi phí cho mỗi đám khoảng vài trăm triệu đồng. Sự lãng phí, tốn kém này có nguyên nhân từ phía cơ sở dịch vụ mai táng lợi dụng tâm lý thích phô trương của những nhà giàu có tổ chức đám ma cốt để thiên hạ nhìn thấy “cái sự ăn nên làm ra, vươn lên đẳng cấp” để tư vấn những dịch vụ theo kiểu trục lợi, đục nước béo cò. Thành thử, đám ma kệch cỡm, lãng phí còn là câu chuyện “ăn theo người chết” của nhiều cơ sở dịch vụ tư nhân trong lĩnh vực này.
(Còn tiếp)Nhóm phóng viên
văn hóa xã hội