Mặc dù đã được nhận nhiệm vụ mới nhưng mỗi khi ngồi nhìn mặt trời khuất dần qua phía tây rặng Giăng Màn hùng vĩ, Trung úy Đinh Thanh Đồng (Đồn biên phòng Ra Mai, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn nhớ về những ngày cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, nơi có những cột mốc thân yêu và những con đường tuần tra mà anh đã từng gắn bó suốt 4 năm qua…
Biên giới là quê hương
Nếu không vì lý do sức khỏe, có lẽ giờ này Trung úy Đinh Thanh Đồng còn đang rảo bước trên con đường tuần tra biên giới, từ cột mốc 516 đến cột mốc 521 do Đồn Biên phòng Ra Mai phụ trách. Nhưng cách đây ít lâu, cấp trên đã điều chuyển anh về nhận nhiệm vụ tại Đồn, đóng tại trung tâm xã Trọng Hóa.
Trung úy Đinh Thanh Đồng bên cột mốc 520 |
Thượng tá Hồ Quang Phúc - Đồn trưởng Đồn Ra Mai - kể về người sỹ quan trẻ của mình một cách rất tự hào: “Năm 2009, Đinh Thanh Đồng lên nhận công tác tại đơn vị với chức vụ là Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội vũ trang. Từ đây, nhiệm vụ của anh gắn liền với núi rừng, với những tuyến đường độc đạo ngang dọc nối đến 6 cột mốc biên giới mà đồn phụ trách từ mốc 516”.
Năm 1998, chỉ 2 năm sau khi nhập ngũ, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng khi đang công tác tại Đồn 585- Cà Xèng. Sau khi được cử đi học lớp huấn luyện chó nghiệp vụ tại Sơn Tây, anh được điều về nhận nhiệm vụ tại Đại đội cơ động. Rồi đến năm 2004, anh lại nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 43- huấn luyện chiến sỹ mới phía Bắc đèo Lý Hòa.
Vốn quê ở xã Hóa Tiến (huyện Minh Hóa), là người con của núi rừng nên khi lên với Đồn Ra Mai vào năm 2009, Trung úy Đồng như được trở về nhà. Tại đây, anh cùng với Trung đội vũ trang của mình thường xuyên tuần tra dọc tuyến biên giới do Đồn phụ trách.
Trung úy Đồng tâm sự: “Mỗi gốc cây, từng khúc quanh của tuyến đường độc đạo lên mỗi cột mốc trở nên quá quen thuộc với tôi và các đồng đội qua từng chuyến đi. Nhưng rồi, mỗi lần đứng nghiêm trước mỗi cột mốc nơi biên cương của Tổ quốc, tôi vẫn thấy nôn nao, dâng trào cảm xúc mà không thể nào diễn tả hết được”.
Cho đến năm 2011, khi dự án “Tôn tạo và tăng dày cột mốc” khởi động thì Trung úy Đồng trở thành người lính hoa tiêu dẫn đường cho các đoàn của Sở Ngoại vụ hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) tiến hành khảo sát, tu sửa, xây dựng mới lần lượt từng cột mốc.
Trung úy Đồng kể: “Thường thường mỗi cột mốc cách nhau khoảng chừng trên 5km đường chim bay, nhưng để cắt rừng đi từ mốc này đến mốc khác có khi phải mất cả ngày trời. Một chuyến đi tuần tra đôi khi từ 7 đến 10 ngày. Gặp mưa rừng, lũ quét thì phải mất gần một tháng. Trên vai người lính chúng tôi ngoài súng đạn thì trọng lượng mang gần 30kg gồm áo quần, chăn màn, lương thực, nước uống…Nhiều chiến sỹ trẻ trong đoàn mang vác không quen, mình lại gánh dùm”.
Nhờ quen thuộc từng đường biên, cột mốc nên Trung úy Đồng biết cách điều tiết thời gian hợp lý trong mỗi chuyến đi, sao cho vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng vẫn có một lần đoàn bị lạc gần 5 tiếng đồng hồ, ở lại một đêm giữa rừng sâu.
Lần đó khi đưa đoàn khảo sát gồm 30 người lên với 2 cột mốc 518, 519, lúc trở về cắt rừng thế nào đó lại bị lạc. Đêm xuống nhanh, nước uống hết, Đinh Thanh Đồng quyết định hạ trại ngủ lại qua đêm. Anh cùng với một chiến sỹ mò mẫm trong đêm, tìm mãi mới thấy được một hố nước mưa, nhờ đó mà 30 con người thoát khỏi cơn khát giày vò.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai trang nghiêm trước cột mốc 518 |
Thèm được một lần đưa tay chào cột mốc
Trong chuyến khảo sát lên cột mốc 516, đang cắt rừng bình thường thì Trung úy Đinh Thanh Đồng thấy mắt mình mờ đi, người choáng váng. Sau chuyến công tác trở về, anh xin phép đơn vị cho đi khám sức khỏe. Bác sỹ kết luận anh bị bệnh tiểu đường. Chính những chuyến đi rừng liên tục, dầm mưa, dãi nắng, ăn uống thiếu thốn, dùng nước khe suối là các tác nhân khiến sức khỏe Trung úy Đồng yếu đi.
Chị Đinh Thị Hải - giáo viên Trường Tiểu học xã Hóa Thanh, vợ Đinh Thanh Đồng- biết tin chồng bị bệnh, khóc hết nước mắt. Vợ chồng có hai cháu nhỏ, đang học lớp 5 và mẫu giáo. Anh động viên vợ con: “Tất cả vì nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc giao cho thôi em ạ! Dự án tôn tạo và tăng dày cột mốc tại khu vực Đồn biên phòng Ra Mai quản lý đã hoàn thành, vậy là anh hạnh phúc lắm rồi”. Thương chồng, chị Hải nén ưu tư vào lòng, vẫn canh cánh dõi theo tình hình của anh trên Ra Mai, cách Hóa Tiến chừng 20 cây số.
Ngồi với tôi trong một buổi chiều trên Đồn Biên phòng Ra Mai, ngắm mặt trời khuất dần qua phía tây dãy núi Giăng Màn, Trung úy Đồng ước ao: “Giá như được một lần đứng nghiêm, đưa tay chào cột mốc. Thèm lắm! Nếu sức khỏe trở lại bình thường, mình sẽ lên lại với từng cột mốc thân thương”.
Hồ An