Bước qua đổ vỡ những ngày qua, có cảm giác như đang có vết dao cứa vào tim tôi lần nữa. Nó như lời chất vấn: phải chăng tôi chưa cố gắng hết sức để đứng được trên đôi chân mình sau ly hôn?
Mười tám tuổi, tôi phải cưới gấp vì có thai với một anh cùng trường, hơn tôi hai tuổi. Gia đình anh chịu cưới là mừng rồi. Ngày đó, tôi đâu biết anh chàng đẹp trai đó là cậu học trò chỉ biết níu áo mẹ. Sau khi sinh nở, tôi chưa kịp tốt nghiệp trung học phổ thông, chồng tôi lại không có việc làm nên chúng tôi phải ăn bám người thân.
Con trai tôi chào đời không bao lâu thì gặp tai nạn, hư một mắt. Tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại được cưng chiều từ nhỏ nên bỡ ngỡ chuyện làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Tai họa còn ập xuống gia đình tôi. Bố tôi bị bắt vì tội tham ô. Gia đình tôi suy sụp vì hai em tôi đang đi học, mẹ tôi chỉ quanh quẩn việc nhà.
Sau khi bán nhà để bồi thường theo quyết định của tòa án, mẹ và các em tôi phải nương nhờ họ hàng, tôi sống lay lắt ở nhà chồng trong tình cảnh vợ chồng thất nghiệp, con thường xuyên đau ốm. Khi con trai ba tuổi, tôi vào làm công nhân của xí nghiệp Cầu Tre, ngoài giờ làm tôi đi bán thêm trái cây; chồng tôi vẫn tiếp tục dựa dẫm người nhà.
|
Phải chăng tôi chưa cố gắng hết sức để đứng được trên đôi chân mình sau ly hôn? |
Điều khiến tôi nản lòng nhất là anh sinh ra ngoại tình, trong khi tôi tối tăm mặt mũi tìm kế sinh nhai. Tôi ly dị khi mới 23 tuổi. Đem con thơ về với mẹ ruột, chúng tôi thuê nhà trọ trong một xóm nghèo. Rồi tôi mất việc ở Cầu Tre, bố mãn hạn tù, gánh nặng cơm áo càng chồng chất. Một ngày kia, đang đẩy xe trái cây trên đường thì tôi gặp anh.
Từ đó đến nay đã hơn 13 năm, tôi âm thầm đi bên lề cuộc sống của gia đình anh. Chúng tôi gặp nhau bất cứ lúc nào anh… rảnh. Vợ anh là giáo viên, rất hiền lành. Anh yêu cầu chúng tôi không được có con chung, cũng không có chuyện anh ly hôn. Nhờ có anh, tôi mua được miếng đất, xây được cái nhà nhỏ, tốt nghiệp đại học tại chức và trở thành nhân viên nhà nước. Trong mắt mọi người tôi là một phụ nữ đã vượt qua đổ vỡ sau khi ly hôn, nhưng thực tế không phải vậy, nếu tôi không có sự hỗ trợ hào phóng của anh.
Ly hôn là sự giải thoát khỏi cuộc sống gia đình tù túng, nhưng khó khăn tài chính đã đánh gục tôi hoàn toàn, đặt tôi vào tình huống phải chấp nhận “kiếp chồng chung” để được ấm thân. Tôi có cảm giác như đang có vết dao cứa vào tim tôi lần nữa. Nó như lời chất vấn: phải chăng tôi chưa cố gắng hết sức để đứng được trên đôi chân mình sau ly hôn?
Theo Phụ nữ