Chỉ dài khoảng 10 phút nhưng ca cảnh chèo “Khúc hát tin yêu” không chỉ mong muốn nêu được những thành tựu nổi bật của thành phố 5 năm qua, mà còn thể hiện được tình cảm tin yêu của người dân thành phố Cảng gửi tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trò chuyện với tác giả Trần Tuấn Tiến, Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng về tác phẩm này.
|
Tác giả Trần Tuấn Tiến |
- Xin ông chia sẻ đôi chút về sự ra đời của ca cảnh chèo “Khúc hát tin yêu”?
- Ngay từ tháng 8, tôi và anh Lại Đình Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn bạc về chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 và đi đến thống nhất, nên đưa một ca cảnh chèo ngắn vào chương trình văn nghệ khai mạc. Có mấy lý do cho quyết định này. Thứ nhất, chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống, nhưng cũng rất gần gũi trong đời sống, dễ nghe, dễ cảm nhận. Thứ hai, với thời lượng không dài, nhưng đòi hỏi khái quát được những thành tựu của thành phố trong 5 năm thì ca cảnh chèo là lựa chọn tốt nhất.
- Thời lượng chỉ khoảng 10 phút, nhưng phải khái quát được những thành tựu của thành phố trong 5 năm, điều này quả là khó khăn lớn với người sáng tác?
- Đúng vậy. Quả là rất khó. Tôi phải mất gần 1 tháng mới hoàn thành ca cảnh sau 2, 3 bản nháp. Cái khó là phải viết thế nào cho mềm mại, đi vào lòng người, khái quát thành tựu mà không sa vào kể lể hay khoe khoang thành tích, khiến người nghe nhàm chán. Trong ca cảnh, tôi kết hợp nhiều làn điệu khác nhau của chèo, có những điệu hát tập thể như luyện tam tầng, cách gối hạc, hát xá… tạo âm hưởng hào hùng, sôi nổi, lại có những điệu để các nghệ sĩ khoe giọng như đào liễu, đường trường bắn chim thước… mượt mà, sâu lắng như lời tâm tình, niềm mong đợi dân gửi tới Đảng
- Ông muốn gửi gắm điều gì qua ca cảnh này?
- Những điều tôi muốn gửi gắm cũng chính là những điều nhân dân thành phố kỳ vọng vào Đảng trong nhiệm kỳ mới. Đó là tình cảm thủy chung son sắt, trọn đời tin và đi theo Đảng trên con đường xây dựng, phát triển thành phố và đất nước. Đó còn là niềm mong mỏi, Đảng mãi sáng suốt, là người cầm lái tài ba dẫn dắt con thuyền cách mạng của dân tộc, của thành phố. Đặc biệt, trong thời kỳ mới, nhân dân mong những người lãnh đạo thành phố không chỉ có cái tâm, mà còn có tầm nhìn rộng lớn, tìm được hướng phát triển đúng đắn, đưa thành phố phát triển mạnh mẽ, bền vững, hoàn thành được nhiệm vụ nhân dân giao phó, xứng đáng với tình cảm và niềm tin của nhân dân như lời ca: Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới/ Ta bền gan vạch lá tìm sâu/ Chữ “tín”, chữ “tâm” phải đặt lên đầu/ Phát huy dân chủ, đẩy lùi tiêu cực. Hay: Học tập theo tấm gương của Bác/ Để lòng mình trút hết riêng tư/ “Tâm” có sáng, mắt không mờ/ Vững tin đi đến bến bờ tương lai…
- Điều gì khiến ông hài lòng nhất sau khi hoàn thành ca cảnh này?
- Đó là ca cảnh mang tính khái quát, nhưng vẫn không mất đi chất văn học và giá trị nghệ thuật. Văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị thường gây ấn tượng khô, có chút gì đó giáo điều, mang hơi hướng báo cáo, nghị quyết. Nhưng ở “Khúc hát tin yêu”, thế mạnh của nghệ thuật chèo được khai thác triệt để, giúp mềm hóa những thông tin khái quát những thành tựu của thành phố. Và hơn hết, ca cảnh là tiếng lòng, tình cảm của nhân dân dành cho Đảng, nên chắc chắn nó sẽ dễ dàng đi vào lòng người.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thành Lê thực hiện