Cả nước có khoảng 17.000 quy hoạch có sự chồng chéo và phải bãi bỏ

(PLVN) - Hôm nay, (11/4), chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận, xem xét dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch cũng như giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai đạo luật quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo thống kê, cả nước có khoảng 17.000 quy hoạch các cấp, có sự chồng chéo và phải bãi bỏ những quy hoạch không cần thiết. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do chưa có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, do đó các địa phương, bộ, ngành chưa thể lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. 

Trong thời gian chưa có quy hoạch thời kỳ mới được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chính trong việc thực hiện chuyển tiếp đối với các quy hoạch như một số quy hoạch dự kiến thuộc Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của 5 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương chưa thể ban hành vì chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết. 

Bên cạnh đó, có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm cũng chưa thể ban hành. Gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, điện mặt trời, các dự án xử lý rác thải điện. 

Nguyên nhân là do quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến Luật Quy hạch đã hết hiệu lực nên không thể thực hiện việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này, mà phải làm thủ tục theo Luật Quy hoạch. Tức là phải thực hiện thủ tục trình duyệt như một quy hoạch mới. Bên cạnh đó, quy định chuyển tiếp trong Luật Quy hoạch chưa lường hết được phát sinh trong thực tế. Một số nguyên tắc quy định tại luật này cũng chưa thể thực hiện trên thực tế.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nội dung dự thảo Nghị định đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Do vậy, cần sớm ban hành Nghị định để các bộ ngành, địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định làm ảnh hưởng đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí hoạt động quy hoạch, đồng thời làm ảnh hưởng lớn đến công tác lập quy hoạch cho thời kỳ quy hoạch mới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo thống kê, cả nước có khoảng 17 nghìn quy hoạch các cấp, có sự chồng chéo và phải bãi bỏ những quy hoạch không cần thiết. Do đó, việc có Luật Quy hoạch là rất quan trọng. 

Thủ tướng đề nghị, trước hết, ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch về những điểm không bị vướng mắc lớn trên tinh thần dự thảo Nghị định sẽ không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các quy hoạch quy định ở Điều 59 Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, cái gì còn vướng mắc, không thể thực hiện được, do luật pháp, do tính phức tạp của tích hợp, thì Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xin chậm lại.

Thủ tướng nhấn mạnh cần sớm thực hiện hai công việc này trong tháng 4. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai những vấn đề đặt ra để không bị ách tắc về sản xuất, kinh doanh và "dòng chảy" của kinh tế- xã hội.

Đọc thêm