Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân ở các trường THPT hiện nay là 2,13. So với định mức quy định của Bộ là 2,25 giáo viên/lớp thì cả nước còn thiếu hơn 8.000 GV.
GV bậc trung học đang thiếu trầm trọng |
Hiện, cả nước có gần 143.000 giáo viên bậc THPT, tăng 2,66% so với năm học 2008-2009. Trong số này, tỷ lệ giáo viên công tác ở các trường THPT công lập chiếm tới 84,2% - tương đương với gần 120.000 người, tỷ lệ giáo viên ở trường ngoài công lập là 15,8%. Số giáo viên là nữ cũng chiếm số lượng lớn với hơn 90.000 người, đạt tỷ lệ 63,5%. Không chỉ thiếu về số lượng tổng thể, cơ cấu giáo viên cũng không đồng đều, dẫn đến chuyện có môn học thừa, có môn thiếu giáo viên, có địa phương thừa, có địa phương thiếu giáo viên. Bộ GD&ĐT cho biết, đối với một số môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng vẫn thiếu giáo viên ở đa số các tỉnh, thành phố. Song một số môn khác, ở các thành phố, vùng tương đối thuận lợi thì lại thừa. Ở các tỉnh, các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhìn chung còn thiếu giáo viên ở rất nhiều môn. Trong khi đó, có nhiều người đã tốt nghiệp các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm chưa có việc làm, song không đi làm ở các tỉnh có điều kiện khó khăn, mặc dù Chính phủ đã có các chính sách thu hút từ nhiều năm nay. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu xã hội, trước đó, Bộ GD&ĐT đã chính thức yêu cầu các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011 - 2015. Theo đó, các địa phương cần triển khai quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo dục TCCN, ĐH, CĐ thuộc địa phương quản lý, tập trung đầu tư gắn phát triển quy mô đào tạo với đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo VnMedia