Trong vài ngày qua, giá cà phê các loại trên thị trường Lâm Đồng đã chạm mốc 40.000 đồng/kg – cao gấp đôi so với đầu vụ và gần bằng giá “đỉnh” cách nay hơn 5 năm. Giá cà phê càng cao, càng kích thích lòng tham của những người buôn bán cà phê arabica Đà Lạt – loại cà phê được đánh giá là số một của thế giới hiện nay.
Đừng để cà phê arabica Đà Lạt, cà phê số một của thế giới hiện nay, chỉ còn là một câu chuyện kể trong tương lai. |
Theo các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố chung như giống, khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…, chất lượng cà phê arabica Đà Lạt còn được quyết định bởi yếu tố độ cao của vùng đất nên vượt trội so với cà phê arabica ở những nơi khác. Ông Lê Quang Đạo – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Lâm Đồng – cho biết: “Sở dĩ cà phê arabica dòng moka của Đà Lạt được ưa chuộng khắp thế giới và luôn cao giá hơn cà phê arabica các nơi khác của Việt Nam và các quốc gia khác là nhờ ở việc cà phê arabica Đà Lạt có độ axit mạnh và thể chất đậm – những yếu tố được quyết định bởi điều kiện về biên độ nhiệt, sương muối… và nhất là độ cao mà chỉ Đà Lạt mới đạt đến sự hoàn hảo”.
Tại thị trường Đà Lạt trong những ngày gần đây, giá cà phê arabica đã đạt mức 19.000 đồng/kg tươi, tương đương 76.000 đồng/kg nhân, cao gần gấp đôi so với các loại cà phê bình thường. Bởi giá cà phê arabica Đà Lạt cao như vậy nên trong thời gian gần đây, một hiện tượng đáng báo động là có không ít đại lý hoặc thương lái đã mua cà phê arabica ở những vùng khác có giá thấp hơn nhiều mang về Đà Lạt đấu trộn với cà phê arabica Đà Lạt rồi bán cho các đại lý lớn hơn để thu lợi bất chính. “Cách làm này chắc chắn không qua mặt được các chuyên gia về kiểm định chất lượng cà phê. Nhưng, điều đáng nói hơn là cách làm đó đang giết chết thương hiệu cà phê arabica Đà Lạt – thương hiệu cà phê hàng đầu của thế giới hiện nay” – ông Lê Quang Đạo tỏ ra lo lắng. Lo lắng là bởi, bắt đầu từ năm 2009, Thái Hòa Lâm Đồng là đơn vị duy nhất được Nhật thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê arabica Đà Lạt sản xuất được. Hơn thế, Thái Hòa Lâm Đồng còn là đơn vị được Marubeni, một tập đoàn kinh tế lớn của Nhật, ủy quyền kiểm nghiệm chất lượng cà phê arabica của tất cả các doanh nghiệp khác ở Việt Nam khi buôn bán với Marubeni.
Thực tế trong thời gian gần đây, việc mua cà phê arabica từ nơi khác về trộn với cà phê arabica Đà Lạt có tính chất gian lận thương mại cùng với việc đối phó với nạn trộm cắp – phải thu hái non – đã khiến cho chất lượng cà phê arabica của Đà Lạt càng trở nên sa sút. Đà Lạt chỉ có khoảng 4.000ha cà phê arabica (cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 138.000ha cà phê các loại) với sản lượng hằng năm không đến 10.000 tấn nhân. “Nhưng không phải cứ cà phê arabica của Đà Lạt là “đẳng cấp”. Trong 10.000 tấn arabica mỗi năm này, loại đạt chất lượng khác biệt chỉ chiếm trên dưới 2.000 tấn mà thôi. Với tình hình gian lận thương mại và thu hái không đúng kỹ thuật như hiện nay, con số về cà phê arabica “đẳng cấp vượt trội” này chắc chắn sẽ còn giảm xuống thấp hơn!” – ông Lê Quang Đạo lưu ý.
Sản phẩm cà phê arabica đẳng cấp vượt trội của Đà Lạt hiện đã có chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu nhưng với những gì vừa nêu trên, nhiều người đang lo ngại là sản phẩm “có một không hai” này của Việt Nam với thương hiệu “Cà phê arabica Đà Lạt” đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ và dần dần sẽ chỉ còn là một câu chuyện kể.