Các chính sách mới nổi bật có hiệu lực cuối tháng 11

(PLVN) - Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài; sửa quy định về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; tăng thời hạn gửi cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN… là các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 11/2021.
Ảnh minh họa: Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài là một trong chính sách có hiệu lực cuối tháng 11/2021

Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài

Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài được ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 22/11/2021).

Theo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt cho người có nhu cầu theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo đó phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 04 (bốn) kĩ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Quy chế của Bộ GD&ĐT có một số nội dung đáng chú ý như:

Về hình thức thi: Các kĩ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính; kĩ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính; đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Về chứng chỉ tiếng Việt: Người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài sẽ được cấp chứng chỉ; Bộ GD&ĐT quy định mẫu chứng chỉ, thời hạn hiệu lực của chứng chỉ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.

Tăng thời hạn gửi cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN

Đây là nội dung tại Thông tư 89/2021/TT-BTC quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Theo đó, thời hạn gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi NSNN đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch được tăng từ 10 ngày làm việc (hiện hành) lên thành 20 ngày làm việc, kể từ:

Ngày ký kết hợp đồng: Đối với hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp; ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhận được văn bản giao dự toán ngân sách, kế hoạch vốn: Đối với hợp đồng thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên, kể từ năm thứ 2 trở đi (tính theo dấu công văn đến của đơn vị sử dụng ngân sách); ngày 01/01 năm sau: Đối với trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn trong tháng 12 năm trước;

Ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhận được văn bản giao dự toán điều chỉnh: Đối với trường hợp dự toán, kế hoạch vốn trong năm được điều chỉnh dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh cam kết chi (tính theo dấu công văn đến của đơn vị sử dụng ngân sách); ngày ký hợp đồng điều chỉnh, đối với trường hợp đơn vị điều chỉnh giá trị hợp đồng đã ký dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh cam kết chi.

Thông tư 89/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2021 và thay thế Thông tư 113/2008/TT-BTC và Thông tư 40/2016/TT-BTC .

Sửa quy định về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Có hiệu lực từ ngày 30/11/2021, Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cụ thể, sửa đổi điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại như sau:

Có phương án nuôi, trồng theo Mẫu số 04, Mẫu số 05, Mẫu số 06 và Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 06/2019. (So với hiện hành, không còn yêu cầu có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt);

Quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo mẫu, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh. (So với hiện hành, bổ sung cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh).

Đọc thêm