Các cuộc biểu tình ở Algeria, Yemen bị giải tán

(ĐNĐT) - Cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô của Algeria và Yemen, lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày buộc Tổng thống Ai Cập phải từ chức, đã bị giải tán.

(ĐNĐT) - Cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô của Algeria và Yemen, lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày buộc Tổng thống Ai Cập phải từ chức, đã bị giải tán.

Các nhà hoạt động vì nhân quyền cho biết, hơn 400 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình chống chính phủ của hàng nghìn người dân tại thủ đô Algiers của Algeria. Hàng chục nghìn cảnh sát và nhân viên an ninh đã được huy động đến thủ đô Algiers để ngăn chặn cuộc tuần hành và giải tán đám đông.

Mô tả ảnh.
Cảnh sát Algeria bắt giữ một người biểu tình chống chính phủ ngày 12-2 (Ảnh: Reuters)

Ali Yahia Abdenour, người dẫn đầu Liên minh Bảo vệ Nhân quyền Algeria, cho biết một số phụ nữ và các nhà báo nước ngoài cũng nằm trong số những người bị bắt trong cuộc tuần hành ngày 12-2, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức.

Tại Algeria, kể từ năm 1992, chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp và người dân bị cấm biểu tình. Tuy vậy, mặc cho chính phủ cảnh báo, ngày 12-2, người biểu tình vẫn tràn vào thủ đô Algiers.

Mặc dù vậy, lực lượng an ninh vẫn lớn hơn rất nhiều so với số người tham gia tuần hành. Theo tờ nhật báo La Liberte, 30.000 ngàn cảnh sát chống bạo loạn đã được huy động đến thủ đô, trong khi đó, có khoảng 10.000 ngàn người dân tham gia biểu tình.

Cảnh sát đã chốt chặn các đường phố của thủ đô Algiers, dàn hàng ngang tại các trọng điểm dọc theo các tuyến đường mà cuộc tuần hành sẽ đi qua, dựng nên các hàng ràng bên ngoài thành phố nhằm ngăn chặn các xe khách chở người tuần hành vào thủ đô. Ngoài ra, cảnh sát cũng được huy động đến một khu vực lân cận có đặt nhiều văn phòng báo chí. Thông tin cho biết cảnh sát đã tấn công vào đám đông trong một nỗ lực nhằm giải tán người biểu tình.

Nhằm dập tắt những căng thẳng sau các cuộc nổi loạn vì lương thực, chính phủ Algeria đã công bố sẽ giảm bớt giá đường và dầu ăn. Tuần trước, do quan ngại với tình hình tại Tunisia và Ai Cập, chính quyền Algeria đã thông báo rằng, tình trạng khẩn cấp kéo dài trong gần hai thập niên qua sẽ được chấm dứt “trong tương lai gần”.

yemen-reu.jpg

Đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối chính phủ tại thủ đô Sanaa, Yemen ngày 12-2

(Ảnh: Reuters)

Tại Yemen,hàng nghìn người biểu tình đã tập trung ở thủ đô Sanaa kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng tương tự như Ai Cập. Những người biểu tình hô vang: "Sau Mubarak, đến lượt Ali".

Những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh mang theo dao và gậy gộc buộc những người biểu tình chống chính phủ phải giải tán. Các nhà phân tích nói rằng, nhà chức trách Yemen "đủ sức ngăn chặn cuộc biểu tình - ít nhất cho đến bây giờ".

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã hứa sẽ từ chức vào năm 2013 và đã mời các các phe đối lập tham gia một chính phủ liên hiệp.

Cuộc biểu tình ở Algeria và Yemen diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm, chỉ một ngày sau khi cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập buộc ông Mubarak phải từ chức sau 3 thập niên cầm quyền, và trước đó, nước láng giềng Tunisia đã buộc ông Ben Ali phải lưu vong vào ngày 14-1.

Quang Hiển (Theo Reuters, BBC)

Đọc thêm