Các địa phương nô nức thi hòa giải viên giỏi

(PLO) - Mặc dù đến tháng 9/2016 vòng thi sơ khảo (theo khu vực) Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III mới diễn ra, song để chuẩn bị cho vòng thi này, các địa phương đã rốt ráo tổ chức thi để tìm ra những  đại diện tiêu biểu nhất.
Một tiết mục dự thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2015 của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Thiết thực hướng tới ngày bầu cử

Những ngày này, Kon Tum đang khẩn trương các công việc chuẩn bị cho Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ 4 trên quy mô toàn tỉnh. Ban Tổ chức hội thi đã tiền hành họp, cho ý kiến về dự thảo thể lệ cuộc thi, dự thảo Quyết định thành lập Ban Giám khảo và Tổ Thư ký giúp việc. Hội thi được tổ chức theo hình thức thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. 

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum - Trưởng ban Tổ chức thì hội thi tạo điều kiện để những người làm công tác hòa giải gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm hòa giải, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.

Theo kế hoạch do UBND tỉnh ban hành, cấp huyện tổ chức xong trước ngày 10/6/2016; cấp tỉnh tổ chức xong trước ngày 12/7/2016. Còn tại Bình Dương, năm 2016 này là năm thứ 6 Bình Dương tổ chức thi hòa giải viên giỏi (hội thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 và duy trì liên tục từ đó tới nay). 

Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức hội thi, đến nay Ban Tổ chức đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội thi như: Thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký; ban hành thể lệ hội thi; dự toán kinh phí; xây dựng bộ câu hỏi…

Ở cơ sở, nhiều địa phương ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi. Thời gian tổ chức hội thi cấp xã diễn ra trước ngày 20/6; hội thi cấp huyện trước ngày 25/7 và dự kiến hội thi cấp tỉnh vào ngày 12/8. Là địa phương còn rất nhiều khó khăn, xong năm nay Hà Giang là một trong những địa phương tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi từ rất sớm. 

Những ngày đầu tháng 5/2016, đồng loạt các xã ở huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức thi hòa giải viên giỏi với sự tham gia của hàng trăm hòa giải viên. Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoàng Su Phì Bùi Thanh Hưởng cho biết, hội thi ngoài việc tuyên

truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hòa giải tại cơ sở, tạo điều kiện để các hòa giải viên có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm, đây còn là một hoạt động thiết thực để hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Cơ hội tuyên truyền pháp luật

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 500/QĐ-BTP ngày 28/3/2016 ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, rất nhiều UBND cấp tỉnh đã ban hành kế hoạch thi của địa phương mình (Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Nghệ An, Cần Thơ, Gia Lai, Quảng Nam, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Lai Châu, Cà Mau…). 

Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, UBND cấp huyện, thậm chí các sở ngành cũng ban hành kế hoạch triển khai hội thi. Nhiều nơi, vòng thi được tổ chức từ cấp xã, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tùy từng điều kiện ở mỗi địa phương, hội thi được tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, cơ bản việc tổ chức hội thi bằng hình thức sân khấu hóa đã thu hút đông đảo người dân ở cấp cơ sở tham gia, cổ vũ, góp phần tuyên truyền pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến cuối năm 2015 cả nước có 134.873 Tổ Hòa giải (tăng 23.358 Tổ so với đầu nhiệm kỳ - năm 2011); 762.794 hòa giải viên (tăng 203.362 so với đầu nhiệm kỳ - năm 2011); trong năm 2015 cả nước tiếp nhận 183.658 vụ việc hòa giải, số vụ việc hoà giải thành ước đạt 143.665 vụ việc - đạt tỷ lệ hòa giải thành 78,22%. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao, góp phần ổn định an ninh trật tự ở cơ sở, hạn chế khiếu nại lên cấp trên.

Theo kế hoạch, vòng thi sơ khảo sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10/2016 tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 11/2016 tại Hà Nội. Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016 và góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, qua hội thi tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân.

Đọc thêm