Sau 6 dự án điện làm với nhà thấu Trung Quốc, Tổng công ty Điện lực của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt nam (TKV) đã rút ra bài học “xương máu”: Chất lượng thua kém các nước G7, chậm tiến độ và chi phí đầu tư rốt cuộc cũng không phải rẻ như giá trúng ban đầu.
Ảnh :PV |
Hơn 1.2 tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc
Lần lượt, dự án nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 100MW), nhiệt điện Sơn Động (200 MW), nhiệt điện Nông Sơn (30 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 1 (310 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 2 (300MW) rồi nhiệt điện Mạo Khê (440MW) do TKV làm chủ đầu tư đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.
Theo báo cáo Tcty Điện lực TKV này vừa gửi lên Tập đoàn, tính sơ sơ tổng giá trị hợp đồng EPC do các nhà thầu Trung Quốc đảm trách tại 6 dự án lên tới 1,2 tỷ USD. Cụ thể, Tập đoàn hợp tác kỹ thuật, kinh tế đối ngoại Thượng Hải (SFECO) trúng thầu EPC nhiệt điện Sơn Động với giá hợp đồng 173,180 triệu USD; Tcty thiết bị nặng Trung Quốc (CHMC) trúng thầu nhiệt điện Nông Sơn với giá hợp đồng EPC 28,548 triệu USD; Nhà thầu Liên danh Khải Địch Trung Quốc (KAIDI) trúng thầu EPC nhiệt điện Mạo Khê với giá hợp đồng EPC 405,349 triệu USD và 396,645 tỷ VNĐ.
Đặc biệt, riêng Cty công trình điện Cáp Nhĩ Tân (HPE) trúng thầu EPC đến 3 dự án của TKV. Đó là nhiệt điện Cao Ngạn với giá trị hợp đồng 85,508 triệu USD; nhiệt điện Cẩm Phả 1 với giá hợp đồng 265 triệu USD; nhiệt điện Cẩm Phả 2 với giá hợp đồng EPC 245,8 triệu USD.
Trong khi nhiều nhà thầu nội đang mướt mồ hôi tìm việc, rõ ràng câu chuyện 6 trong tổng số 8 dự án nhiệt điện của một tập đoàn nhà nước rơi cả vào tay nhà thầu Trung Quốc là một dấu hỏi cần phải được trả lời. Tuy nhiên, về phía mình Tcty Điện lực TKV khẳng định, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC trong các dự án điện của TKV trong thời gian qua tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước.
“Thực tế có những yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc chưa đủ khả năng thực hiện” – báo cáo của Tcty Điện lực TKV .
Lý giải chuyện các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC hầu hết dự án, Tcty này cho rằng có 4 nguyên nhân. Cụ thể: Do cơ chế tài trợ vốn cho dự án chỉ giới hạn việc đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc (như dự án điện Cao Ngạn); Do tính cấp bách của việc thiếu điện nên để thực hiện nhanh dự án, Thủ tướng Chính phủ phủ chấp nhận cho TKV đàm phán trực tiếp với các nhà thầu Trung Quốc (dự án Nhiệt điện Sơn Động) và áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định 1195 (dự án Cẩm Phả 2); Ngoài ra, với dự án có công suất nhỏ, chỉ có các nhà thầu Trung Quốc quan tâm, các nhà thầu Việt Nam và từ các nước khác (G7, châu Âu) không quan tâm (dự án Nhiệt điện Nông Sơn).
Đặc biệt, theo Tổng công ty điện lực TKV, cơ chế lựa chọn nhà thầu theo giá đánh giá thấp nhất đã làm các nhà thầu từ các nước G7, Châu Âu, Hàn Quốc tham gia thời gian đầu nhưng ở giai đoạn sau không tham gia vì không cạnh tranh được về giá đối với các nhà thầu Trung Quốc (điển hình như dự án Nhiệt điện Mạo Khê).
Chậm tiến độ và liên tục điều chỉnh!
Ồ ạt ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc giờ đây đại diện chủ đầu tư – Tcty Điện lực TKV cũng đã rút ra những bài học “xương máu”.
“Các dự án điện của TKV do các nhà thầu Trung Quốc làm Tổng thầu EPC đều có kết quả là bị chậm tiến độ” - Tcty này than thở. Hơn 1,2 tỷ USD đã vui vẻ phóng tay ký kết xong rồi, giờ đây người ta mới nhận ra kinh nghiệm làm tổng thầu EPC của các nhà thầu Trung Quốc còn ít, vì vậy khi triển khai dự án có nhiều lúng túng; Việc tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế của các nhà thầu chưa tốt vì đa số các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng của Trung Quốc chỉ quen với các tiêu chuẩn của Trung Quốc... Và rồi, dù họ thường chấp nhận tất cả các yêu cầu của Hồ sơ mời thầu nhưng khi bắt đầu vào thi công, thực hiện hợp đồng mới bộc lộ những khó khăn.
Không những thế, trong quá trình thi công nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật... Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.
Rốt cuộc qua 6 dự án đã “trót” ký, Tcty Điện lực TKV nhận ra: Về chất lượng, so sánh thực tế vận hành ở nhà máy điện Na Dương (do MC làm tổng thầu, các thiết chính xuất xứ từ Nhật Bản và các nước G7) với nhiệt điện Cao Ngạn (do HPE làm tổng thầu, các thiết chính xuất xứ từ Trung Quốc), Sơn Động, Cẩm Phả, cho thấy chất lượng thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc cũng như các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật (hiệu suất nhà máy) thấp hơn các thiết bị của các nước châu Âu, G7.
Về tiến độ, ngoài các lý do thường thấy như GPMB chậm; các thủ tục đầu tư có nhiều vướng mắc, “yếu tố chủ quan từ nhà thầu EPC là chính”.
Về chi phí đầu tư, thực tế cho thấy tất cả các dự án nhiệt điện đốt than thực hiện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đều bị chậm tiến độ từ 1, 2 năm hoặc hơn đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, nhưng “việc đàm phán để nhà thầu EPC Trung Quốc nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài”.
Việt Hưng