Với mục tiêu hướng đến khách hàng, các nhà mạng điện thoại di động hiện âm thầm gác qua cuộc đua phát triển thuê bao mà chuyển sang nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh doanh thu nhưng phải giảm giá cước. Tại Đà Nẵng, ông Phạm Trung Kiên - Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng cho rằng năm 2010 các dịch vụ viễn thông đang vào giai đoạn bão hòa, vấn đề cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần càng diễn ra phức tạp sẽ tác động trực tiếp vào hoạt động SXKD của Viễn thông Đà Nẵng cũng như ở những doanh nghiệp khác.
Nâng cao chất lượng
|
|||
Viettel cũng cạnh tranh và chạy đua quyết liệt với VNPT về sản lượng doanh thu. |
Với dự báo thị trường di động Việt Nam tiến tới ngưỡng bão hòa vào cuối năm 2010, các mạng di động đang có động thái chuyển hướng thu hút thuê bao bằng tăng chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Theo kế hoạch, 3 mạng di động lớn (MobiFone, VinaPhone, Viettel) sẽ phát triển mới khoảng gần 20 triệu thuê bao thực trong năm 2010.
Nếu tính cả lượng phát triển mới của Vietnamobile, Beeline, thì lượng phát triển thuê bao thực mới trong năm 2010 dự kiến sẽ vào khoảng hơn 20 triệu thuê bao. Trong khi đó, thị trường di động Việt Nam được các mạng di động tính toán chỉ còn khoảng 15 - 20 triệu người có nhu cầu sử dụng điện thoại di động. Nếu vậy, thị trường di động Việt Nam sẽ bão hòa vào cuối năm 2010 và cạnh tranh trong việc giữ thuê bao sẽ khốc liệt hơn nhiều so với năm 2009. Theo đó, chất lượng dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng sẽ là cuộc đua khốc liệt nhất năm 2010.
Năm 2009, trong cuộc đua về chất lượng, MobiFone vẫn vững vàng ở vị trí số 1 nhưng khoảng cách về các chỉ tiêu đo kiểm giữa MobiFone và các mạng di động khác như VinaPhone, Viettel đã dần bị thu hẹp. Trong năm 2009, dù cuộc đua về chất lượng cũng như chăm sóc khách hàng đã tăng tốc nhưng do khoảng trống của thị trường di động vẫn còn lớn nên một mạng di động nếu có kém hơn mạng khác chút ít về tiêu chuẩn đo kiểm, vẫn có thể được người tiêu dùng chấp nhận.
Tuy nhiên, năm 2010 tất cả các nhà mạng phải nỗ lực ở mức cao nhất trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng trong cạnh tranh. Năm 2010, việc MobiFone có tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về các chỉ tiêu đo kiểm cũng như cảm nhận thương hiệu về chất lượng hay không thì cần phải chờ thời gian mới có câu trả lời.
Đua về thứ hạng của 2 tập đoàn viễn thông
Viettel đang ấp ủ khát vọng đạt doanh thu trên 100.000 tỷ đồng trong năm 2010. Và cuộc soán ngôi của VNPT trong suốt 60 năm qua dường như chỉ còn vấn đề thời gian đối với Viettel. Trong khi đó VNPT đặt ra mục tiêu trong năm 2010, mức tăng trưởng doanh thu trên 20% và sẽ đạt khoảng 94.000 tỷ đồng; Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng 96.000 tỷ đồng.
Sau khi 2 tập đoàn biết được mục tiêu của nhau thì đồng loạt nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên 100.000 tỷ đồng. Nguồn doanh thu này đều hướng vào dịch vụ thông tin di động. Đối với VNPT thì dựa vào MobiFone và VinaPhone. Ngoài ra VNPT có nguồn doanh thu từ bưu chính, Internet băng rộng, điện thoại cố định lớn hơn Viettel rất nhiều, nhưng nguồn thu này lại không thấm tháp vào đâu so với doanh thu từ dịch vụ di động.
Đối với Viettel, 60% tổng doanh thu cũng dựa vào dịch vụ thông tin di động. Thế nhưng, Viettel lại có thêm được nhiều nguồn khác như bất động sản, phân phối điện thoại, kinh doanh các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Viettel còn có nguồn thu từ việc đầu tư nước ngoài. Viettel đang đặt mục tiêu đến năm 2020 doanh thu từ thị trường nước ngoài phải lớn hơn thị trường trong nước. Trong khi đó, Viettel lại đang hướng đến việc sản xuất thiết bị viễn thông và CNTT.
Việc bứt phá doanh thu của Viettel sẽ dựa chính vào hai lĩnh vực. Một là, việc đầu tư nước ngoài của Viettel suôn sẻ sẽ đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp này. Hai là, mục tiêu trong 6 tháng nữa, Viettel sẽ cho ra mắt sản phẩm điện thoại mà mình sản xuất. Nếu Viettel thành công trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông và CNTT thì đây sẽ là doanh thu lớn cho DN này.
Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia tài chính, cuộc đua về doanh thu chưa nói lên điều gì, bởi yếu tố lợi nhuận sau doanh thu mới là đích đến của kinh doanh.
Ông Phạm Trung Kiên - Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng cho biết, năm 2010 sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch. Các dịch vụ viễn thông đang vào giai đoạn bão hòa, vấn đề cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần càng diễn ra phức tạp sẽ tác động trực tiếp vào hoạt động SXKD của Viễn thông Đà Nẵng. Viễn thông Đà Nẵng sẽ tăng cường các chính sách mới trong công tác chăm sóc khách hàng và thị trường; tiếp tục có những hình thức, biện pháp thiết thực để tiếp cận các nhà đầu tư, các khách hàng lớn nhằm giới thiệu về khả năng cung cấp dịch vụ của Viễn thông Đà Nẵng. Tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng mạng băng rộng làm cơ sở cho việc triển khai các dịch vụ mới. Ông Phạm Trung Kiên cũng cho rằng, cần phải tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích thị trường, tìm kiếm giải pháp, chính sách cụ thể để đẩy mạnh hoạt động SXKD, bảo đảm thắng lợi trong cạnh tranh, hội nhập. Phát huy thế mạnh của chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mới ứng dụng băng rộng, dịch vụ Internet tốc độ cao, IPTV, di động 3G... |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG