|
ACB, Vietcombank, Eximbank, MHB đã hạ lãi suất cho vay. An Bình, Sacombank phải đến tuần sau hai ngân hàng này mới đưa ra bảng lãi suất mới.
Ngày 15/10 là thời hạn các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động xuống 11%, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có một số ít ngân hàng thông báo hạ lãi suất.
Giữ đúng chữ tín đầu tiên Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đã phát đi biểu lãi suất mới áp dụng từ sáng 15/10. Theo đó, với kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, ACB áp dụng mức 10,88% một năm cho tiền gửi tiết kiệm.
Mức lãi suất huy động VND cao nhất của ACB là 11%/năm được áp dụng cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi kỳ hạn 36 tháng. Tương tự, Eximbank cũng có mức 11%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng.
Vietcombank cũng cho biết, từ ngày 16/10, Vietcombank điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay Việt Nam đồng, mức điều chỉnh thấp nhất chỉ còn 11,5%/năm.
Lãi suất huy động của Vietcombank cũng được hạ xuống cụ thể là: Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thấp nhất là 10,8% năm nhưng không được cao hơn 11%/năm, kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 10,5%/năm nhưng không được cao hơn 11%/năm, còn kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng có cùng lãi suất là 11%/năm.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, với việc chủ động giảm lãi suất cho vay, Vietcombank mong muốn tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Vietcombank cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cũng như chia sẻ khó khăn với các khách hàng và doanh nghiệp, góp phần ổn định và duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2010 theo đúng chỉ đạo của của Chính phủ.
Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng vừa thông báo hạ lãi suất cho vay VND, khá mạnh ở một số nhóm đối tượng doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của chương trình sẽ được giảm lãi suất từ 14,5%/năm xuống 12% - 12,5%/năm; kinh doanh bất động sản từ 16%/năm xuống 13% - 14%/năm; cho vay thu mua lương thực từ 12,5%/năm còn 11,5%/năm.
MHB cho biết sẽ ưu tiên ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay để xây dựng các khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư trọng điểm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương với phương án/dự án được MHB đánh giá khả thi và đảm bảo các điều kiện cho vay theo quy định.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác vẫn chưa chính thức công bố việc giảm lãi suất từ 15/10 như đồng thuận với Hiệp hội ngân hàng. Theo nguồn tin từ Ngân hàng An Bình, Sacombank phải đến tuần sau hai ngân hàng này mới đưa ra bảng lãi suất mới.
Một số ngân hàng khi được hỏi đều cho biết chưa giảm ngay để chờ "học hỏi kinh nghiệm" từ các ngân hàng khác. Nếu lãi suất giảm nhanh quá, vốn sẽ chảy sang các ngân hàng đối thủ ngay.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm nhẹ do một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng VND phục vụ sản xuất kinh doanh của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là 11-14%/năm (ngắn hạn); 12,5-14,5%/năm (trung và dài hạn). Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cho vay cũng với những đối tượng trên, lãi suất ngắn hạn ở mức 11,5- 14,5%/năm; trung và dài hạn ở mức 13,5 - 15,5%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng chỉ chứng kiến mức giảm khiêm tốn so với mục tiêu cũng như mong đợi. Với nhiều biến động ở một số ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động VND hiện đang dao động ở mức 10,59-11,2%/năm và chỉ giảm khoảng 0,2-0,3%/năm so với thời điểm cuối tháng 6/2010.
Mặt bằng lãi suất cho vay chỉ được điều chỉnh giảm chủ yếu ở nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu. Còn những lĩnh vực khác vẫn phải chịu mức lãi suất cao từ 13-15,5%/năm.
Bà Dương Thu Hương Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, để lãi suất giảm nhanh trong thời gian tới, trước mắt phải theo dõi sát biến động của thị trường, tình hình lạm phát…, trên cơ sở đó mới có thể tính đến việc cắt giảm chi phí đầu vào, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế thường rơi vào quý IV, nên ngân hàng cần tăng lượng vốn huy động.
Trên tinh thần đồng thuận của các thành viên nhiều kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới, song để điều này thành hiện thực thì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên chính là lạm phát, nhưng trong tháng Chín vừa qua, lạm phát lại có dấu hiệu tăng cao. Vì thế, lãi suất cũng phải nghe ngóng thị trường mới có thể điều chỉnh giảm thêm.
Bà Hương cũng thừa nhận, việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất là một việc khó. Hiệp hội có nhiệm vụ định hướng và kêu gọi, còn việc thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào thị trường. Trong thời điểm này nếu các ngân hàng thực hiện được thì tốt, còn nếu ngân hàng nào còn quá khó khăn trong việc giảm lãi suất thì chứng tỏ việc huy động vốn đang gặp khó.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải có chính sách điều hành hợp lý để lạm phát giảm xuống thì lãi suất mới giảm được. Bên cạnh đó, các lãi suất khác (như lãi suất trái phiếu) cũng cần phải có sự cân đối với các lãi suất của VND. Lãi suất ngoại tệ cũng phải giảm xuống, nếu không cũng khó cho việc giảm lãi suất VND./.
Theo Minh Thúy
Vietnam+