Cách chữa bệnh theo "tám kinh, tám vĩ" của người xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như ngày nay chúng ta coi "lương y như từ mẫu", "thầy thuốc như mẹ hiền" thì trong "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ, người thời xưa tôn kính các bậc danh y cũng như vậy. Bởi thời nào cũng thế, các bậc danh y, lương y, thần y hành nghề là để cứu người...
Thời nào, thầy thuốc cũng rất quan trọng với con người. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet).
Thời nào, thầy thuốc cũng rất quan trọng với con người. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet).

Ngày nay, chúng ta coi lương y như từ mẫu, nghĩa là người thầy thuốc, bác sĩ phải có đức tính tốt. Đó là căn cốt đầu tiên của người dùng thuốc chữa bệnh cứu người. Không phải bây giờ người ta mới mong muốn lương y như vậy, mà từ ngày xưa, người xưa cũng mong muốn có những thầy thuốc vừa giỏi vừa có đạo đức. Người thời xưa tôn kính các bậc danh y cũng như thầy thuốc bây giờ.

Ngày nay khoa học công nghệ phát triển, kéo theo đó, việc khám điều trị bệnh cũng có những nâng cao, đạt những thành tựu nổi bật chưa hề có. Các bệnh nguy hiểm xưa kia bó tay thì ngày nay thành bệnh nhẹ. Hay như các bệnh nặng, thậm chí dịch bệnh đang diễn ra, con người cũng có cách để chế ngự.

So sánh giữa thời nay và thời xưa, thì phương pháp chữa bệnh thật khác xa. Bởi ngày xưa còn hạn chế nhiều thứ, nhất là không có sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, với những kiến thức y học uyên thâm, những người thầy thuốc giỏi có tâm vẫn giúp được nhiều người bệnh, và tên tuổi họ vẫn còn lưu truyền đến mãi hôm, nay, cùng những bài thuốc, bài đặc tả bệnh mà ngày nay chúng ta phải công nhận là đúng.

Trong "Vũ trung tuỳ bút", Phạm Đình Hổ đã có những dòng viết về người thầy thuốc, cũng như cách đánh giá, nhìn nhận của ông về nghề này. Với Phạm Đình Hổ, người thầy thuốc rất quan trọng.

Ông cho rằng, thầy thuốc xuất hiện từ lâu đời. Những người thầy thuốc đầu tiên đã tự lấy bản thân mình ra thí nghiệm, đó là nếm thử các cây, cỏ độc, giúp dân trồng thuốc cứu người.

Về việc chữa bệnh của thầy thuốc xưa, Phạm Đình Hổ viết: “Tự đời trung cổ trở xuống, các bậc danh y xuất hiện cũng lắm, làm ra sách vở càng ngày càng nhiều, nhưng đại lược chẳng qua có tám kinh, tám vĩ mà thôi. Tám kinh là : châm, biếm, chích, thang, hoàn, tán, cao, đồ. Bệnh ở trong kinh lạc, tạng phủ, sâu thì dùng phép châm, biếm, chích; cạn thì dùng thuốc thang, hỏa tán. Trong tám kinh ấy, muốn dùng còn phải cân nhắc châm chước cho khéo.

Tám vĩ là : vọng, văn, vấn, thiết, công, bổ, bình, tán. Vọng là xem thân thể diện mạo ; văn là nghe tiếng nói hơi thở ; vấn là hỏi tường tận nguyên úy ; thiết là án xem cho biết mạch lạc ; công là công kích cái bệnh chứng hăng quá ; bổ là bồi bổ cái khí huyết yếu kém ; bình là cái gì thiên lệch thì bình lại cho ngay ; tán là chỗ nào uất kiết thì tản đi cho thông. Đó là tám kinh, tám vĩ, kể cả là mười sáu điều, không thể thiếu điểm nào, mới có thể làm được lương y. Còn như phép cắt da, nạo xương, tẩy dạ dày, rửa ruột, những cách chữa như thế rất là quyền biến, không phải bậc danh y rất giỏi, không thể bàn đến”.

Như vậy, theo Phạm Đình Hổ, người xưa chữa bệnh theo tám kinh tám vĩ như ông phân tích. Ông cũng cho rằng, những bậc danh y thì mới dám đụng đến việc “mổ xẻ”. Ông cũng nói việc điều trị bệnh thời ông chia làm hai khoa, nội khoa và ngoại khoa. Trong ngoại khoa lại chia ra làm ba phái : 1 - Phái họ Nguyễn ở Bảo Từ ; 2 - Phái họ Nguyễn ở Phù Ninh ; 3 - Phái họ Nguyễn ở Vân Lủng ; ba phái ấy đều giữ được thuốc gia truyền, thuốc cao, thuốc đồ cũng hiệu nghiệm lắm.

Còn thuốc nội ẩm (uống vào trong) thì xưa nay vẫn quen thói dùng thuốc công phạt, tiêu hao quá. Nhưng phép ngoại khoa thì dùng thuốc cao, đồ nhiều, mà dùng thuốc nội ẩm ít, dẫu không được trúng bệnh lắm, song cũng không đến nỗi hại. Nội khoa thì chia làm hai phái: người chủ mặt trị bổ thì coi các vị đại hoàng, phác tiêu như hằn thù. Người chủ mặt công tán thì coi các vị nhân sâm, nhục quế như thuốc độc.

Không những dẫn lại thực tế về y học xưa và thời ông, mà ông còn mong muốn về người thầy thuốc: “Ta thường ngày đêm suy nghĩ lời cổ nhân dạy "Làm lương y cũng không khác gì làm lương tướng". Lương y thì quan hệ đến tính mệnh ngựời ta, mà lương tướng thì quan hệ đến sự an nguy trong nước, mỗi đàng một khác, nhưng cũng là một đạo. Trị nước có đức hóa, cũng phải có hình phạt, mà làm thầy lang dùng thuốc bổ, cũng có khi dùng thuốc công, không thể cố chấp được.

Bệnh nào quả là hư thì dùng thuốc bổ, cũng như làm tướng nên dùng nhân đức, hà tất phải dùng hình phạt khắt khe như họ Thân, họ Thương. Bệnh nào quả là thực, thì dùng thuốc công, cũng như làm tướng dùng uy lực, hình phạt, hà tất hải phi nhân nghĩa để cho bảy nước chư hầu càng kiêu căng lấn át. Bồi bổ sát phạt đều phải tùy thời cho phải, chứ chấp nê làm sao được”.

Qua đây, ta thấy người thầy thuốc thời nào cũng rất quan trọng đối với con người. Và thời nào, người ta cũng mong có thầy thuốc giỏi và đạo đức. Những dẫn giải của Phạm Đình Hổ cho thấy ông là một người am hiểu sâu sắc về y học.

Đọc thêm