Cách nào để phụ huynh bớt ấm ức chi “Tự nguyện” đầu năm?

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thông tư này làm đặt ra nhiều câu hỏi: Các khoản thu ở trường có nên được gọi là “tài trợ”, liệu thông tư có chấm dứt được hiện tượng lạm thu diễn ra đã nhiều năm… Ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT trao đổi về vấn đề này.

 

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thông tư này làm đặt ra nhiều câu hỏi: Các khoản thu ở trường có nên được gọi là “tài trợ”, liệu thông tư có chấm dứt được hiện tượng lạm thu diễn ra đã nhiều năm… Ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT trao đổi về vấn đề này.

 Ảnh: Ông Bùi Hồng Quang
Ảnh: Ông Bùi Hồng Quang
- Đến hẹn lại lên, đầu năm học mới các vấn đề liên quan đến lạm thu lại “nóng”. Theo ông, thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD&ĐT ban hành (gọi tắt là thông tư 29), liệu có phải là động thái để các trường hợp lý hóa nguồn thu tự nguyện? 
Hầu như đầu năm học, từ năm 2010 – 2011 Bộ GD&ĐT  đều có văn bản gửi UBND cũng như gửi các sở GD&ĐT. Tôi lấy đơn cử như năm 2010, Bộ có công văn 5956/2010 gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.  18/10/2010, có thông tư gửi các sở GD-ĐT hướng dẫn quản lý và sử dụng các khoản tự nguyện.
Theo tôi, công văn này chế tài chưa đủ nên sau này mới phải ban hành thông tư khác. Tiếp theo đó là năm 2011, Bộ cũng có văn bản 5584/2011 gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu chi trong trường học trên địa bàn, chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Gần đây hơn, sau khi Bộ ban hành thông tư 55/2011 đối với ban đại diện cha mẹ học sinh, ngày 2/12/211, Bộ lại có văn bản gửi các sở yêu cầu chỉ đạo kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện quy định học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ.  
Nhưng  lúc này thì nhiều địa phương chưa ban hành quy định về học phí mới. Chúng tôi cũng đề nghị các sở phải báo cáo tình hình thực hiện học phí mới. Chính cái này cũng là một trong những cái có tác động “tích cực” đối với đóng góp trong các cơ sở giáo dục. Vì học phí quá thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.
Còn đặt vấn đề thông tư ra đời để làm hợp thức hóa thì tôi cho rằng là không nên. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải ban hành các văn bản quy phạm pháp lý để điều chỉnh tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực mình quản lý. Đây là chức năng của tất cả các Bộ ngành của nhà nước.  Nội dung quan trọng nữa là chỉ đạo kiểm tra giám sát.
Chúng tôi thấy rằng những bức xúc, nổi cộm của xã hội cần được giải quyết. Nguyên tắc xuyên suốt của tất cả các văn bản từ xưa tới nay là các khoản thu phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Nhưng tự nguyện như thế nào cái này là các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục phải chỉ đạo, giám sát. Tự nguyện theo cái kiểu như tôi được biết là ban đại diện ghi danh sách các cháu, còn phụ huynh ký thì chưa phải là hình thức tự nguyện. Cách thức làm như thế không hợp.
- Vậy qua thông tư này, liệu giải pháp mình đưa ra có giải quyết được tận gốc vấn đề? 
Ngay từ đầu tôi đã đặt vấn đề việc quản lý, sử dụng cũng như quy định về tài trợ thành một văn bản, một thông tư thì tính pháp lý cao hơn. Tôi cho rằng, sau cái này, có giải quyết được triệt để vấn đề lạm thu hay không thì phải có rất nhiều biện pháp tiếp theo. Đầu tiên là phải tuyên truyền phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của thông tư.
Tôi thấy thậm chí thông tư 55 điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều nơi phụ huynh, học sinh không biết. Trong khi đó trong thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ cũng như vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh. Và điều quan trọng là phải có chế tài thật mạnh, quy định xử lý, kỷ luật.
Vấn đề lạm thu, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Không có chuyện lớp của mình, trường của mình mà hiệu trưởng lại không biết. Điều này không thể chấp nhận được. Hiệu trưởng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi quy định rất rõ, làm bất cứ chuyện gì phải có sự bàn bạc, thống nhất với các phụ huynh. Ngoài ra các cấp chính quyền địa phương phải quan tâm nhiều hơn nữa tới các cơ sở giáo dục, chăm lo ít nhất phải đảm bảo như theo Quyết định 39 của Chính phủ.
Chi cho lương phải tối đa 80% kinh phí chi thường xuyên còn tối thiểu 20% là dành cho các hoạt động giáo dục, phục vụ cho công tác giảng dạy. Nhưng trong thực tế, kinh phí còn eo hẹp. Hầu như phần chi lương và phụ cấp lương đã hết 85-90% kinh phí chi thường xuyên. Thậm chí có nơi còn trên 90%, không đảm bảo được tỷ lệ chi con người, chi cho công việc. Cơ sở vật chất thiếu thốn. 
Một trong những giải pháp tôi cho rằng thời gian tới sẽ tăng cường và thực hiện tốt hơn đó là công tác bồi dưỡng, tập huấn trong hè, đưa các nội dung này vào bồi dưỡng cho giáo viên.Trách nhiệm của chúng tôi thời gian tới là kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm. Quy định tôi cho là tương đối đầy đủ vấn đề còn lại chỉ là xử lý như thế nào.
- Thông tư này có điểm mới là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Điều này có nghĩa là nếu xẩy ra lạm thu, chúng ta sẽ “gọi tên” được người có trách nhiệm?
Đúng là như vậy. Trong thông tư 55 cũng đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Đầu năm học, hiệu trưởng phải họp với trưởng ban, phó trưởng ban đại diện. Còn nếu họ giao hết cho ban đại diện thì chứng tỏ họ không đọc thông tư hướng dẫn của Bộ.
- Ông có bình luận gì khi năm nay có hiện tượng phụ huynh phản đối trường lạm thu bằng cách cho con nghỉ học?
Tôi nghĩ nhận thức của phụ huynh học sinh ngày càng có nhiều tiến bộ. Nhưng vấn đề giáo dục không thể giải quyết ngày một ngày hai. Sắp tới, chúng tôi sẽ ưu tiên kiểm tra các thành phố lớn, đặc biệt là các địa chỉ mà báo chí đã phản ánh. Tôi cho rằng đấy là những địa chỉ lần đầu tiên chúng tôi đi kiểm tra.
Chắc chắn hình thức, cách thức kiểm tra sẽ cụ thể và kỹ, không phải chỉ nghe báo cáo, gặp gỡ phụ huynh, cha mẹ học sinh xem quy định nào, tự nguyện đến đâu, hình thức tự nguyện đóng góp kiểu gì. Cách thức và việc đi kiểm tra sẽ phải làm kỹ hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Miên Thảo - Hà Vi (thực hiện)

Đọc thêm