Cadovimex trước nguy cơ phá sản: Vì Chủ tịch tỉnh “ngáng” thi hành án ?

Bộ Tư pháp đã mời đại diện các Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT họp bàn biện pháp. Trong khi đó, ông Bê tiếp tục gởi công văn 3068/UBND-NC lên Thủ tướng “kêu giúp” ông Kia, trong công văn này ông Bê kiến nghị xem xét lại Quyết định trọng tài số 14/8 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Báo PLVN từng có loạt bài phản ánh kỳ án Cadovimex (Cty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cái Đôi Vàm) bị Cty South China Seafood của ông Trần Kia-Việt kiều Mỹ chiếm dụng gần 5 triệu USD. Nhưng ông Trần Kia đã tẩu tán tài sản sang Cty Duyên hải Bạc Liêu để quỵt nợ, trong khi đó, chính quyền địa phương lại sốt sắng “kêu oan” cho ông Trần Kia khiến việc thi hành án buộc Cty South China Seafood trả nợ không thực hiện được và đẩy Cadovimex đến nguy cơ phá sản.

 

“Lấy tiền túi này bỏ sang túi kia” để quỵt nợ?

Ông Trần  Kia –Việt Kiều Mỹ, năm 1994 về đầu tư tại quê nhà Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải, nay tách thành Cà Mau và Bạc Liêu) một dự án nuôi tôm thẻ chân trắng qui mô lớn nhất vùng Đông Nam Á. Cty Nam Hải (tiền thân của Cty Duyên hải bạc Liêu -DHBL) được chính quyền sở tại lúc bấy giờ giao cho 500ha đất với hình thức cho thuê đến năm 2044. Theo giấy phép đầu tư thì dự án này có số vốn 10 triệu USD. 

Theo thông báo của  Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 1994, Cty South China Seafood đã thành lập DN 100% vốn có tên là Cty TNHH Nam Hải sau được đổi tên thành Cty DHBL. Đơn xin phép thành lập Cty Nam Hải do chính ông Trần Kia, đại diện của Cty South China Seafood ký. Vốn pháp định của Cty là 4.116.000 USD do chủ sở hữu là ông Trần Kia góp.

Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an đã điều tra và xác định sự liên hệ giữa Cty South China Seafood và Cty DHBL. Theo đó, hai cty này đều do ông Trần Kia thành lập ở Mỹ và Việt Nam. Từ năm 2003 đến năm 2009, thông qua Cty South China Seafood, ông Kia đã chuyển vào Cty DHBL gần 3,6 triệu USD.

Điều này được chứng minh trong báo cáo tài chính năm 2007 của Cty DHBL thì trong năm, Cty South China Seafood  đã chuyển cho DHBL với tổng số tiền hơn 144,5 tỷ đồng Việt Nam (hơn 9 triệu USD thời điểm đó). Cụ thể ngày 11/1/2007, chuyển 29.980 USD qua Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Sóc Trăng, ngày 9/4/2007 chuyển tiếp 29.968USD…  

Chủ tịch tỉnh “ngáng” thi hành án?

Các cơ quan hữu quan đã chứng minh được Cty DHBL “tài sản” của Cty South China Seafood và chủ sở hữu của hai Cty này là ông Trần Kia. Nhưng việc Cục Thi hành án tỉnh Bạc Liêu không thể cưỡng chế thi hành án đối với Cty DHBL là do lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu và Sở Tài chính không ủng hộ.

Cụ thể, trong công văn 928/STC-TCDN 31/12/2010 của Sở Tài chính Bạc Liêu trả lời đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của ông Trần Kia lại nhận định: Không có nội dung tài chính nào thể hiện sự đầu tư của Cty South China Seafood vào Cty DHBL. Có công văn này trong tay, ông Trần Kia liên tục gởi đơn khiếu nại, tố cáo Cục THA Bạc Liêu đến cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương. Những đơn tố cáo, yêu cầu xem xét khẩn cấp đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đem ra họp và bàn bạc nhiều lần.

Ngày 17/8/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê làm việc với Tổng Cục THA. Ngày 29/9/2011, ông Bê gởi công văn số 2393/UBND-TH đến Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Trong công văn này ông Bê cho rằng từ năm 2000-2006, Cty South China Seafood không đầu tư vào Cty DHBL nên cưỡng chế thi hành án đối với Cty DHBL là sai đối tượng.

 Ngày 9/11/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 11/2011. Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Bộ Tư pháp đã mời đại diện các Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT họp bàn biện pháp.

Trong khi đó, ông Bê tiếp tục gởi công văn 3068/UBND-NC lên Thủ tướng “kêu giúp” ông Kia, trong công văn này ông Bê kiến nghị xem xét lại Quyết định trọng tài số 14/8 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Trước đó, ông Kia cũng không đồng ý phán quyết của Tung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và ông đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định này nhưng yêu cầu này đã bị tòa bác bỏ. Một lần nữa, yêu cầu này lại được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu ra.

Trong công văn 960/ANĐT của Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an gởi Tổng Cục THA nhận định: Ông Trần Kia phủ nhận trách nhiệm trả nợ cho Cadovimex theo phán quyết của TANDTC cho thấy hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản của Cadovimex là có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị: Trong trường hợp ông Trần Kia không chấp hành quyết định cưỡng chế THA thì cơ quan THA báo cáo kết quả đến Cơ quan an ninh điều tra-Bộ Công an  để có căn cứ giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.  

Ưu ái của UBND tỉnh Bạc Liêu đối với ông Trần Kia như thế nào?

Ngay khi ông Trần Kia đầu tư vào Bạc Liêu đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương trong việc thu hồi và giao đất đầu tư dẫn đến sai phạm trong thu hồi đất. Những sai phạm này đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã kết luận trong thông báo 185/TB-VPCP ngày 16/9/2004 như sau:  

1. Đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra Nhà nước tại Báo cáo số 1196/BC-TTNN ngày 17/8/2004. Qua vụ việc này cho thấy chính quyền địa phương ở Bạc Liêu còn quan liêu, thiếu dân chủ, thiếu trách nhiệm với dân nhất là đồng bào nghèo, đời sống khó khăn trong việc đền bù, bố trí tái định cư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quá trình xử lý vụ việc này đã có biểu hiện trái pháp luật và chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6501/VPCP-VII ngày 22/11/2002 của Văn phòng Chính phủ.

2. Giao Thanh tra Nhà nước theo dõi, đôn đốc UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện kết luận tại cuộc họp này và khẩn trương giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

3. Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo chức năng kiểm tra để xử lý các trường hợp sai phạm là cán bộ, đảng viên tuộc diện Trung ương quản lý.

Ngọc Long

Đọc thêm