Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng: Khó phát huy hiệu quả khi người nghiện không tự nguyện

(PLO) - Số người nghiện ma túy và tỷ lệ người nghiện gây án tăng cao, nhất là một số vụ án giết người do “ngáo đá” thời gian qua khiến công tác phòng, chống tệ nạn nghiện ma tuý càng trở nên cấp bách, trong khi đó công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương chưa bảo đảm. 
Nhóm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh baodongnai.vn

Chính quyền “nản”, người nghiện “né” cai nghiện

Thực tế, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là một vấn đề bức xúc của xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, cả hệ thống chính trị, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội phải kiên quyết đấu tranh, phòng chống và đẩy lùi, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, để đem lại hạnh phúc, chất lượng cho giống nòi. Dự báo trong thời gian tới, tình hình ma túy sẽ xấu hơn rất nhiều khi mà Việt Nam nằm gần “Tam giác vàng”, nhiều băng nhóm ma túy muốn biến Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy, một số dạng ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam, gây hậu quả khôn lường.

Bộ Công an cho biết, tình hình nghiện ma túy ở nước ta những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy đã xuất hiện ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; số người người tái nghiện chiếm tỷ lệ tương đối cao. Theo báo cáo tại hội nghị  trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy năm 2016, cả nước có trên 210.000 người nghiện ma túy, tăng hơn 10.000 người so với năm 2015.  Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu các địa phương “nắm danh sách những người nghiện ma túy đá, không để nguy hiểm cho bà con”. Thời gian qua nhiều chính sách, biện pháp nhằm tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy đã được ban hành, triển khai và tác động tích cực đến công tác cai nghiện ma túy trong phạm vi cả nước, góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức về cai nghiện ma túy, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số mô hình hay, cách làm tốt trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã được phát huy tác dụng giáo dục, giúp đỡ đối tượng nghiện có hiệu quả làm giảm tỷ lệ tái nghiện và phát sinh lây lan người nghiện mới tại tỉnh Bắc Giang như: Câu lạc bộ Hội phụ nữ xã Dĩnh Kế, CLB đồng đẳng phường Trần Nguyên Hãn, CLB sông Thương phường Lê Lợi (TP Bắc Giang); CLB phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thị trấn Kép (huyện Lạng Giang)... 

Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH thừa nhận, công tác cai nghiện ma túy còn nhiều hạn chế như: chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy còn chậm; công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng còn chưa có chính sách tạo điều kiện thuận lợi như cơ sở vật chất của UBND cấp xã còn thiếu, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, trách nhiệm lớn, rủi ro cao, phụ cấp thấp nên rất khó thực hiện; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ và đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác cai nghiện, sự lồng ghép các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý chưa được thường xuyên nên tỷ lệ đối tượng được dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm đạt tỷ lệ thấp..; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác cai nghiện chưa đáp ứng được yêu cầu; các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy chậm đổi mới…

Bên cạnh đó, thực tế công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho thấy, ý chí của người cai nghiện rất quan trọng. Bản thân nhiều người nghiện ma túy không có ý thức cai nghiện mà bị ép đi cai nghiện nên họ dễ dàng bỏ dở quá trình cai nghiện, không tuân thủ đúng và đầy đủ phác đồ, không hợp tác với các cán bộ điều trị khiến việc cai nghiện kéo dài nhưng không đạt kết quả. Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đăng ký cai nghiện tự nguyện thuộc về người nghiện và gia đình có người nghiện song trên thực tế, hầu như việc này không được thực hiện. Vì thế, công tác vận động đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và để đối tượng không tái nghiện là rất khó khăn, nhất là trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về kinh tế và hạ tầng xã hội hiện nay. 

Ngoài ra, tại nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; chưa triển khai thực hiện nghiêm túc công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; chưa phát huy được sự tham gia phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma tuý trong quá trình cai nghiện phục hồi. Đặc biệt, các gia đình, dòng họ còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý người nghiện ma tuý sau cai…

Cai nghiện hiệu quả sẽ giảm số người nghiện

Công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên liên tục, vừa lâu dài và phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và tham gia của đông đảo của nhân dân. Công tác tuyên truyền phải đẩy mạnh theo hướng trên đây để nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy đồng thời phòng tránh tác hại của ma túy. Hiệu quả công tác cai nghiện, trong đó hình thức cai nghiện tại cộng đồng đang được chú trọng, sẽ góp phần hạn chế số người nghiện, tái nghiện và giúp giảm sự căng thẳng trong cuộc chiến với loại tệ nạn này. 

Trên cả nước, công tác quản lý, giáo dục đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được đồng tình hưởng ứng. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cai nghiện, tư vấn cho bản thân gia đình người nghiện, hỗ trợ cắt cơn phục hồi sức khỏe, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng đã kiến nghị T.Ư cho phép Đà Nẵng thí điểm xây dựng cơ sở cai nghiện tại cộng đồng.

Để tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy trong tình hình mới, nhiều ý kiến cho rằng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cai nghiện và nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác cai nghiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động. Tiếp đến, khẩn trương rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách pháp luật về công tác cai nghiện, quy chế quản lý người nghiện ma túy tại địa phương, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, quy chế cho phù hợp với xu hướng và tình hình nghiện ma túy hiện nay.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các mô hình tổ chức xã hội đối với người nghiện ma túy, mô hình tổ chức cai nghiện ma túy phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội các vùng, miền khác nhau, gắn công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với trạm y tế cấp xã… Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp; chú trọng ứng dụng các bài thuốc hỗ trợ điều trị, cắt cơn đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như Cedemex, Bông Sen… nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu các phương pháp, bài thuốc điều trị, cai nghiện ma túy của Việt Nam sản xuất. 

Khuyến khích cá nhân, gia đình tự nguyện tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng đối với người nghiện ma tuý không tự nguyện cai nghiện; cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền cấp xã trong việc tổ chức cai nghiện, quản lý, giáo dục, dạy nghề tạo việc làm sau cai cho người nghiện ma tuý nhằm chống tái nghiện cho người cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

Trên hết, cần có chính sách hỗ trợ sau cai nghiện thiết thực và phù hợp với các đối tượng nghiện ma túy để họ có thể có việc làm, tự ổn định cuộc sống, không sa đà vào tệ nạn và không bị ma túy “dụ dỗ” dẫn đến tái nghiện”. Đồng thời, cộng đồng và gia đình phải kiên trì thuyết phục, quan tâm phối hợp giáo dục, giúp đỡ  người cai nghiện ma túy, xây dựng được môi trường “sạch”, không cho ma túy có cơ hội tiếp cận với cộng đồng mới có thể hạn chế những nguy cơ người nghiện mới và người tái nghiện.

Đọc thêm