“Cấm vận” chồng con vì sợ…bẩn

(PLO) - Chỉ vì nàng sợ bẩn mà quanh năm suốt tháng, nàng “cấm vận” ba cha con tôi phải quanh quẩn với gian bếp quen thuộc. Dù là dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới, chúng tôi cũng chẳng có cơ hội được đi “đổi gió”, thưởng thức những món ăn mới lạ ở nhà hàng.
“Cấm vận” chồng con vì sợ…bẩn
Mỗi khi thấy cảnh vợ chồng, con cái nhà  hàng xóm dắt tay nhau cười nói vui vẻ đi ăn ở nhà hàng, lòng tôi lại dậy lên nỗi “thèm” khó tả. Chẳng phải vì tôi chê cơm vợ nấu mà ngược lại, tôi luôn cảm thấy mình là người đàn ông may mắn khi mỗi chiều đi làm về đều có mâm cơm nóng do tự tay vợ chế biến. Chỉ chờ tôi ngồi vào bàn là vợ và hai đứa con đang tuổi trứng gà, trứng vịt của tôi sà vào bên cạnh, kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Nhưng nhiều lúc tôi lại thương các con, thương cả cái tính tảo tần đến khắt khe của vợ. Nói thật, hơn mười năm chung sống bên nhau và gần ba năm yêu nhau, tôi chưa thấy người phụ nữ nào cẩn thận và kỹ tính như vợ tôi. 
Mới đầu, tôi vẫn coi đó như niềm tự hào của mình, bởi với các cô gái lớn lên từ thành phố thời buổi này, có mấy ai chịu thương chịu khó được như vợ của tôi. Tuy nhiên càng ngày, vợ tôi càng trở nên “khó chiều” đến mức các con cũng phải thốt lên: “Bố ơi, mẹ làm sao ấy”.
Với các gia đình khác, mỗi năm họ thường rủ nhau đi ăn nhà hàng năm, bảy lần. Đó là những dịp sinh nhật các thành viên trong nhà, kỷ niệm ngày cưới, ngày 8/3 hoặc là ngày Quốc tế thiếu nhi, rằm Trung thu…Nhưng với gia đình tôi thì tuyệt đối không. Không ăn nhà hàng và không cả mua đồ ở nhà hàng về liên hoan, mặc dù cả tôi và hai đứa con đều háo hức muốn “đổi gió” trong những dịp như vậy.
Không phải vì chúng tôi thiếu tiền, mà vì vợ tôi sợ …bẩn. “Đi ăn ở ngoài không chỉ đắt tiền mà còn rất mất vệ sinh, rồi rước bệnh vào người lúc nào không biết. Anh và các con không thấy ti vi, đài báo nói suốt ngày đấy à? Đừng tưởng những nhà hàng sang, những món ăn đắt tiền đều an toàn cả nhé. Thịt bò nhập từ Mỹ, từ Úc về vẫn có vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Rồi cả tấn cá hồi, nội tạng động vật bốc mùi hôi thối vẫn qua được mắt hải quan để đem thẳng vào nhà hàng nấu cho thực khách. Dầu ăn thì chiên đi chiên lại hàng chục lần, hỏi sao không ảnh hưởng đến sức khỏe …” - Như được thể, vợ tôi tuôn ra một thôi một hồi những cảnh báo về tác hại của việc đi ăn ở ngoài.
Chỉ tội cho hai đứa con nhỏ của chúng tôi, chúng ao ước được đi ăn ở nhà hàng như ước mơ được gặp bà tiên hay ông già Nô-en. Có những lần con bé đang tuổi mẫu giáo lớn của tôi đi học về liền rón rén đến bên mẹ thủ thỉ: “Mẹ ơi hôm nay là sinh nhật con đấy, cả nhà mình đi ăn KFC nhé”. “Đã nói rồi, không đi đâu cả, muốn ăn gì thì ở nhà mẹ cũng sẽ làm được”- câu nói phũ phàng của vợ tôi đã khiến con bé giật nảy người, nó nước mắt ngắn nước mắt dài lên nhờ bố thuyết phục. Nhưng sau hai tiếng đồng hồ, ba bố con tôi cũng đành bất lực. 
Tranh thủ những lúc vợ đi công tác vắng nhà, tôi cho hai đứa con đi ăn nhà hàng thỏa thích. Con muốn đi đâu, tôi cho tới đó, từ ăn KFC, nhà hàng Sen Tây Hồ hay đơn giản là những que kem bên những quán nước ven hồ…Sau những buổi ăn “thả ga” như vậy, thế nào ba bố con tôi cũng bị vợ “lên lớp” hàng tuần trời tới mức tôi phải trốn vào trong toa-lét để tìm kiếm giây phút yên tĩnh.
Các con tôi luôn mong ước được cùng bố mẹ đi ăn ở nhà hàng (Ảnh minh họa từ Internet)
Các con tôi luôn mong ước được cùng bố mẹ đi ăn ở nhà hàng (Ảnh minh họa từ Internet)
Cũng không phải vợ tôi hoàn toàn cự tuyệt với việc đi ăn ở nhà hàng, khách sạn, vì vẫn có những lời mời mà bất đắc dĩ vợ chồng tôi không thể từ chối. Nhưng trong lúc mọi người đang vui vẻ nâng chén, cụng ly và ăn ngon lành thì vợ tôi thủng thẳng: “Rau non thế này chắc chắn phải có thuốc kích thích, tăng trưởng”. Chưa hết, lúc nhìn sang đĩa lợn quay Bắc Kinh vàng ruộm, vợ tôi lại buông lời cảnh báo “Con lợn quay này đảm bảo là lợn bị dịch, thịt thì cứ nhão nhoẹt, lại có mùi hăng hắc- chắc là họ dùng thuốc tẩy cho hết mùi hoi ấy mà”. Lời nói của vợ tôi đã khiến một số quan khách ngồi cùng mâm phải cau mày, có bà cụ không chịu được, nôn thốc nôn tháo ra ngoài.
Lúc ra về, anh bạn đi cùng vỗ nhẹ vai tôi, giọng đầy châm biếm: “Mày tốt số thật đấy, kiếm được cô vợ kiêm cả nhà kiểm dịch thực-động vật thì chẳng lúc nào lo bị ngộ độc thực phẩm nữa nhé”. Về góp ý với vợ thì cô nàng sừng cồ với cả chồng, lại còn hỏi vặc lại rằng tôi coi vợ hay bạn quan trọng hơn? Tôi thích ăn cơm vợ nấu hay từ giờ trở đi cha con tôi tự lo?
Nói ra những điều này với các bạn không phải vì tôi đã chán vợ, những ấm ức trong lòng cũng chẳng vơi đi được tẹo nào. Chỉ mong chị em nào đọc được bài viết này xin hãy thay đổi tư duy chút xíu.
Tất nhiên, những người mẹ, người vợ lúc nào cũng trên cả tuyệt vời, bởi nói như nhà thơ Xuân Quỳnh thì “Nếu chiều nay em không đong được gạo/chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn”. Nhưng các bà vợ ơi, hãy để ý đến sở thích của chồng và con mình xem hôm nay là sinh nhật của anh ấy hoặc là ngày Quốc tế thiếu nhi thì chồng/con mình thích món quà gì nhé. Nếu họ thích được lướt tới nhà hàng để thay đổi không gian, thưởng thức những món ăn mới thì có sao đâu. Hãy đừng khắt khe với những mong ước giản đơn như thế, một năm đâu có nhiều dịp vui như vậy./.